Quy hoạch 8 'chật chỗ', gác lại điện than hay điện tái tạo?
Dự kiến dự thảo Quy hoạch điện 8 sẽ được Bộ Công thương trình lại trong tháng 9, trong đó vấn đề được quan tâm nhất là nguồn điện nào bị "gác" lại so với các bản dự thảo trước đó.
Có 144 dự án điện gió với công suất hơn 8.144 MW đã ký hợp đồng mua bán điện. Ảnh: Ngọc Thắng
|
Dự kiến dự thảo Quy hoạch điện 8 sẽ được Bộ Công thương trình cho Hội đồng nghiệm thu bổ sung để báo Chính phủ trong tháng 9, trong đó vấn đề được quan tâm nhất là liệu nguồn điện nào bị gác lại so với các bản dự thảo trước đó.
Mong manh cho điện gió?
Theo các chuyên gia năng lượng, dù được coi là điện sạch, song trong bối cảnh các dự án "chen chúc" nhau thì chịu nhiều áp lực nhất có lẽ là các dự án năng lượng tái tạo, nhất là điện gió.
Trên thực tế, liên tiếp gần đây, cộng đồng doanh nghiệp điện gió, đại diện các hiệp hội đã có kiến nghị lên các bộ ngành và Chính phủ về việc gia tăng quy hoạch nguồn điện gió ngoài khơi lên 5.000, 10.000MW, thay vì chỉ từ 2.000 - 3.000MW trong dự thảo Quy hoạch điện 8. Cùng với đó là kiến nghị gia hạn thời gian thực hiện giá cố định (giá FIT) cho điện gió.
Tuy nhiên, tham gia ý kiến với Bộ Công thương về vấn đề này, hầu hết các bộ đã bày tỏ sự không đồng ý với việc gia hạn. Trong khi đó, chính sách đấu thầu các dự án điện gió mà Bộ Công thương dự tính xây dựng để thay thế cho cơ chế giá FIT cũng chưa có nhiều tín hiệu rõ ràng, đang khiến các nhà đầu tư thấp thỏm.
Dự phòng điện thấp nên tiêu chí nguồn điện ổn định, hiệu suất cao sẽ được xem xét ưu tiên? Ảnh: Ngọc Thắng
|
Chưa kể, đặt trong bối cảnh vừa qua, việc phát triển rầm rộ các dự án năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời, vượt quy hoạch nhiều lần, gây nên tình trạng quá tải lưới, buộc phải cắt giảm sản lượng gây lãng phí cho xã hội đã ít nhiều khiến cho các chuyên gia, nhà quản lý lo ngại, và ngay chính trong dự thảo Quy hoạch điện 8 cũng đã nhắc tới những bài học này.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch được Chính phủ tổ chức trực tuyến với các địa phương chưa đầy 2 tuần trước, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho hay, Chính phủ vừa có rà soát lại dự thảo Quy hoạch điện 8 và nhận thấy Quy hoạch điện 7 và các (quy hoạch) điều chỉnh đã vượt tổng nguồn điện được đưa ra tại dự thảo Quy hoạch điện 8. Do đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương phải rà soát, "gác lại" một số nguồn điện đang được đề ra trong Quy hoạch điện 8.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, trước đó, trong hai lần kết luận các cuộc họp về Quy hoạch điện 8 hồi tháng 5 và tháng 7, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã yêu cầu Bộ Công thương phân tích kỹ, toàn diện về kinh tế, kỹ thuật các phương án quy hoạch nêu trên để lựa chọn quy hoạch tối ưu nhất.
Phó thủ tướng nhấn mạnh đến yêu cầu rà soát quy mô phát triển nguồn điện, cơ cấu nguồn điện hợp lý so với dự báo nhu cầu điện từng thời kỳ và lưu ý tuân thủ đúng định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 tại Nghị quyết số 55 năm 2020 của Bộ Chính trị, đặc biệt là các mục tiêu phát triển về năng lượng tái tạo và nguồn điện khí LNG.
Nguồn điện hiệu suất cao sẽ lợi thế
Chia sẻ với chúng tôi, đại diện ban soạn thảo (của Bộ Công thương) cho biết, hiện nay việc rà soát để bổ sung đang bám sát các chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành, để Hội đồng thẩm định nghiệm thu bổ sung trước khi trình lại Thủ tướng Chính phủ dự kiến trong tháng 9 này.
Vị này cho hay, việc phải gác lại một số nguồn điện là điều tất yếu bởi hiểu nôm na thì Quy hoạch 8 sẽ là phép cộng (kế thừa) các dự án trong các quy hoạch trước (như Quy hoạch 7 và Quy hoạch 7 điều chỉnh) và các dự án mới. “Trong khi tính toán về nhu cầu điện không thay đổi là bao, mà nhiều dự án trong các Quy hoạch 7 và 7 điều chỉnh bị chậm tiến độ, thậm chí không khả thi thì việc phải bổ sung thêm nguồn mới là điều cần thiết. Tất nhiên việc bổ sung thêm nguồn mới thì đồng thời với nó chúng ta cũng đã xem xét giãn tiến độ nhiều dự án cũ”, ông giải thích.
Dù cho biết chưa thể nói cụ thể các nguồn, dự án nào phải bị gác lại, song theo vị này, một nguyên tắc quan trọng là việc cắt giảm trước hết không ảnh hưởng lớn đến sản lượng điện khả dụng có thể huy động.
“Ví dụ nếu giảm 1.000 MW điện tái tạo như mặt trời thì chỉ giảm khoảng 1,6 tỉ kWh mỗi năm. Trong khi nếu giảm 1.000MW nhiệt điện (điện than) thì có thể mất từ 6,6 - 6,7 tỉ kWh. Cùng với đó, việc cắt giảm sẽ được xem xét trên cơ sở cân bằng cung cầu nội vùng, giảm truyền tải xa”, ông nói thêm.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực tại cuộc họp ngày 1.9 cho hay, tính đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt các loại hình nguồn điện của hệ thống điện quốc gia đạt 69.342 MW. Theo Ban chỉ đạo, về cơ bản, tổng công suất lắp đặt hệ thống điện bảo đảm đáp ứng nhu cầu phụ tải cực đại của toàn quốc, tuy nhiên, mức độ dự phòng công suất khả dụng của hệ thống còn thấp.
|
Chí Hiếu
Thanh niên
|