Thứ Tư, 01/09/2021 13:00

Đường dây than lậu triệu tấn: Quản lý thị trường Thái Nguyên không phát hiện vi phạm

Trong vụ đường dây than lậu triệu tấn vừa bị phanh phui, Quản lý thị trường Thái Nguyên không phát hiện vi phạm vận chuyển từ mỏ than Minh Tiến ra ngoài, nhưng Bộ Công an phát hiện doanh nghiệp đã xuất bán gần 1 triệu tấn than.

* Đường dây than lậu triệu tấn: Quyền lợi người mua dự án của bà trùm Châu Thị Mỹ Linh sẽ ra sao?

* Vụ bắt anh em đại gia lan đột biến ở Quảng Ninh: Phanh phui 'thế giới ngầm' than lậu

Với mỏ than Minh Tiến, Công ty CP Yên Phước liên tục bị xử phạt hành chính khi hoạt động khai thác gây ô nhiễm môi trường. Ảnh Cổng TTĐT tỉnh Thái Nguyên

Quản lý thị trường Thái Nguyên không phát hiện vi phạm vận chuyển than từ mỏ than Minh Tiến (Công ty CP Yên Phước) ra bên ngoài, nhưng Bộ Công an qua điều tra xác định doanh nghiệp này đã xuất bán độc quyền cho Công ty Đông Bắc Hải Dương gần 1 triệu tấn than.

Khai thác vượt cả trữ lượng mỏ được cấp phép

Liên quan đến đường dây than lậu 2,5 triệu tấn, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, buôn lậu, tham nhũng (C03 - Bộ Công an, vừa khởi tố điều tra, bắt giữ 12 bị can tại Công ty CP Yên Phước và Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Thái Nguyên, Công ty CP Yên Phước được cấp phép khai thác tại mỏ than Minh Tiến (H.Đại Từ). Khi vận chuyển than ra khỏi mỏ để chuyển tới bãi tập kết của doanh nghiệp nằm ngoài địa bàn H.Đại Từ, mỗi lần vận chuyển đều phải xuất trình với Tổ liên ngành phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ.

Các hoạt động kiểm tra, giám sát của Tổ liên ngành tại mỏ than Minh Tiến, theo quyết định của UBND H.Đại Từ, được giao cho lực lượng quản lý thị trường chủ trì.

Thống kê từ Tổ liên ngành trong thời gian từ 29.4.2020 đến ngày 30.8.2020, các chuyến xe vận chuyển từ mỏ than ra bãi tập kết và đã chuyển đi khỏi mỏ phù hợp với hóa đơn, chứng từ doanh nghiệp cung cấp cho Tổ công tác, và chưa phát hiện có hành vi vi phạm. 

Qua thực tế giám sát của Tổ liên ngành, doanh nghiệp này đã vận chuyển 2.017 lượt chuyến xe với tổng số lượng hơn 5,5 triệu tấn và 16.369,17 m3. Trong đó, từ ngày 16 - 30.8, Tổ liên ngành ghi nhận không có xe vận chuyển than từ mỏ than Minh Tiến ra ngoài.

Trong thời gian từ 30.8.2020 đến nay, lực lượng quản lý thị trường tại địa bàn H.Đại Từ đã chủ động phân công kiểm soát viên quản lý nắm bắt địa bàn, báo cáo khi phát hiện dấu hiệu vi phạm liên quan tới mỏ than Minh Tiến.

Cũng theo thông tin từ UBND tỉnh Thái Nguyên, năm 2014, Công ty CP Yên Phước được cấp phép khai thác tại mỏ than Minh Tiến trên diện tích 59 ha với trữ lượng khai thác là 136.256 tấn. Doanh nghiệp này được khai thác với công suất 8.500 tấn/năm, thời hạn đến ngày 28.6.2031.

Nhưng theo điều tra của C03, đầu năm 2019, bà Châu Thị Mỹ Linh, Tổng giám đốc Công ty CP Yên Phước; và Hà Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương, ký hợp đồng mua bán than thành phẩm sau khai thác, chế biến, có hiệu lực 5 năm. Công ty CP Yên Phước đồng ý bán tất cả các sản phẩm than và khoáng sản đi kèm (đá đen kẹp than) sau khai thác cho Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương mà không được bán cho bất cứ đơn vị thương mại nào khác.

Trong thời gian từ 18.5.2019 (thời điểm bắt đầu có sản phẩm bán cho Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương) đến 31.12.2020, Công ty CP Yên Phước xuất bán cho Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương số lượng 912.293,31 tấn than, thu số tiền trên 106,3 tỉ đồng; bán 240.580,61 m3 bã sàng, thu số tiền trên 14,3 tỉ đồng; và 13.662 m3 đá đen trị giá hơn 683 triệu đồng. Tổng số tiền bán than, bã sàng, đá đen Công ty CP Yên Phước thu về trên 121,3 tỉ đồng.

Chây ì nộp thuế

Qua báo cáo của UBND tỉnh Thái Nguyên và kết quả điều tra của C03, Công ty CP Yên Phước báo cáo số lượng khai thác rất nhỏ so với số lượng than đã bán cho Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương, thu lợi hàng trăm tỉ đồng, nhưng lại chây ì trong nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính khác.

UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, mỏ than Minh Tiến nằm trên địa phận các xã Minh Tiến, Na Mao (H.Đại Từ) gồm 2 khu. Khu A thuộc xã Minh Tiến. Từ tháng 1.2016, doanh nghiệp này đào 1 giếng sâu 30 m và 1 giếng nghiêng 50 m, nhưng do công trình khai thác than hầm lò không gặp than nên đã dừng hoạt động từ tháng 11.2017.

Còn tại khu B thuộc địa phận xã Na Mao, Công ty CP Yên Phước bắt đầu hoạt động xây dựng cơ bản mỏ từ tháng 10.2016, bắt đầu khai thác từ tháng 1.2018. Ở khu này, doanh nghiệp đã lắp đặt bàn cân, camera giám sát theo quy định.

Theo báo cáo kết quả hoạt động khai thác khoáng sản hàng năm, sản lượng doanh nghiệp đã khai thác từ ngày 1.1.2018 đến hết ngày 31.12.2020 chỉ có 18.202 tấn. Nhưng theo điều tra của C03, ngoài gần 1 triệu tấn than Công ty CP Yên Phước đã bán cho Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương, C03 phát hiện tại bãi chứa ở chân mỏ khai thác hiện vẫn còn tồn số lượng than nguyên khai, than cám nghiền từ bã sàng, than xít… khoảng gần 1,5 triệu tấn.

Theo UBND tỉnh Thái Nguyên, trong thời gian từ 2018 - 2020, Công ty CP Yên Phước thực hiện nghĩa vụ tài chính với số tiền đã nộp là trên 12,7 tỉ đồng. Trong đó, tiền cấp quyền khai thác trên 2,8 tỉ đồng; tiền thuế tài nguyên trên 1,4 tỉ đồng; phí bảo vệ môi trường 221 triệu đồng và tiền thuê đất trên 8,1 tỉ đồng.

Còn từ đầu năm 2021 đến nay, công ty này chưa nộp tiền cấp quyền của năm 2021 với số tiền 517 triệu đồng. Trong đó, số tiền quá hạn phải nộp là 258 triệu đồng (trước ngày 31.5.2021) và số còn lại 259 triệu đồng có hạn nộp đến ngày 31.10.2021.

Cũng theo UBND tỉnh này, từ năm 2019 - 2021, các cơ quan chức năng của Thái Nguyên đã tiến hành 5 đợt kiểm tra đối với hoạt động khai khoáng và phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm của Công ty  CP Yên Phước. Đối với cấp tỉnh, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính doanh nghiệp, buộc nộp lại lợi nhuận thu lợi từ hành vi vi phạm với tổng số tiền trên 600 triệu đồng.

Phan Hậu

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Mỹ gia hạn ban hành kết luận chống lẩn tránh thuế với gỗ dán Việt Nam (01/09/2021)

>   Bộ Công Thương tiếp nhận yêu cầu điều tra chống bán phá giá với mía đường có xuất xứ từ Thái Lan (01/09/2021)

>   Tiêm nhanh vaccine mũi 2 - lối thoát duy nhất để 'rã băng' cho TP.HCM (01/09/2021)

>   Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp có sức chống chịu tốt hơn (01/09/2021)

>   LG đầu tư thêm 1,4 tỷ USD vào Hải Phòng (31/08/2021)

>   Hỗ trợ doanh nghiệp tái tạo việc làm và dòng tiền vào (31/08/2021)

>   Điện mặt trời mái nhà sẽ không còn giá cố định (31/08/2021)

>   Cục hàng không yêu cầu các hãng bay dừng bán vé nội địa (31/08/2021)

>   Giảm tiền điện cho doanh nghiệp ảnh hưởng vì dịch sao lại ‘nhà giàu, nhà nghèo’? (31/08/2021)

>   Không để "trên thông, dưới tắc", gây bức xúc trong quá trình lưu thông hàng hoá (30/08/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật