Không để "trên thông, dưới tắc", gây bức xúc trong quá trình lưu thông hàng hoá
Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh "không ban hành quy định làm phát sinh thủ tục kiểm tra, làm tăng chi phí, thời gian, gây phiền hà, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp"...
Tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp vận chuyển, lưu thông hàng hóa.
|
Bộ Giao thông vận tải vừa có thông báo số 324/TB-BGTVT kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp giao ban trực tuyến giữa Bộ Giao thông vận tải với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn và Ủy ban Nhân dân các tỉnh/thành phố về vận chuyển hàng hóa trong bối cảnh thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
PHẢI COI TẤT CẢ HÀNG HOÁ ĐỀU LÀ THIẾT YẾU, TRỪ HÀNG CẤM
Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải thừa nhận, việc tổ chức kiểm soát dịch bệnh đối với người điều khiển phương tiện vận tải, người tham gia bốc dỡ hàng hóa tại một số tỉnh, thành phố còn hạn chế, bất cập.
Điều này dẫn đến ùn tắc giao thông, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động vận chuyển hàng hóa, nhất là hàng hoá phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân, hàng nông sản, nguyên vật liệu cho sản xuất nông nghiệp, hàng hoá xuất, nhập khẩu…
"Tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Không để tình trạng ùn tắc giao thông, gây bức xúc cho người dân tại các chốt kiểm tra dịch bệnh Covid-19".
Bộ Giao thông vận tải.
|
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập, bảo đảm vận tải hàng hóa thông suốt, tránh không làm đứt gãy chuỗi lưu thông, cung ứng, tiêu thụ hàng nông sản, hàng hóa xuất, nhập khẩu..., Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo lực lượng chức năng khẩn trương hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp và đời sống của nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Cụ thể, để duy trì được hoạt động lưu thông hàng hoá phòng, chống dịch bệnh, nhu yếu phẩm, nông sản, hàng hóa nguyên vật liệu cho sản xuất nông nghiệp, xuất, nhập khẩu cho nhân dân và doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải cho rằng lúc này phải coi tất cả hàng hóa đều là thiết yếu, trừ hàng cấm.
Tất cả các tuyến vận tải, gồm quốc lộ, đường thủy nội địa, hàng hải... đều là luồng xanh, đảm bảo thông thoáng, thuận lợi cho cho các phương tiện vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Các tỉnh, thành phố không được lập trạm kiểm tra, trung chuyển hàng hóa gây ùn tắc giao thông, cản trở việc vận chuyển hàng hóa trên các tuyến quốc lộ.
Phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản số 1015/TTg-CN ngày 25/7/2021, văn bản số 5187/VPCP-CN ngày 29/7/2021 và Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc.
ÁP DỤNG QUY ĐỊNH ĐỒNG NHẤT
Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, phải triển khai thống nhất, đồng bộ các quy đinh, hướng dẫn của các bộ, ngành có liên quan về công tác vận tải, lưu thông, cung ứng hàng hóa tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện quy định giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh.
Tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành vận tải hàng hóa. Không thực hiện các thủ tục, cấp tờ vận chuyển hàng hóa thủ công.
"Rà soát kỹ lưỡng các quy định của địa phương mình liên quan đến kiểm soát phương tiện, người điều khiển phương tiện gắn với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 để thống nhất thực hiện".
Bộ Giao thông vận tải.
|
Tiếp đến, chỉ tập trung thực hiện tiền kiểm, hậu kiểm về vận chuyển hàng hóa đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm vận chuyển hàng hóa không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Các tỉnh, thành phố phải chấp nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 của nhau và thống nhất về hiệu lực của kết quả xét nghiệm trong 72 giờ.
"Không ban hành quy định làm phát sinh thủ tục kiểm tra, làm tăng chi phí, thời gian, gây phiền hà, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp", Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.
Đồng thời, ưu tiên tiêm chủng vaccine phòng dịch Covid - 19 cho người điều khiển phương tiện và người tham gia vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa.
Thực hiện trực tuyến việc cấp mã QR cho phương tiện vận chuyển hàng hóa và cấp giấy đi đường cho người tham gia vận chuyển hàng hóa đảm bảo nhanh chóng, kịp thời. "Không trung chuyển hàng hóa đối với các phương tiện giao thông đã được cấp mã QR để gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
Tăng cường tham gia vào các nhóm kết nối Zalo và các đường dây nóng của các bộ, ngành, địa phương để kịp thời nắm bắt thông tin và phối hợp xử lý, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân, đảm bảo giao thông thông suốt.
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương báo cáo Bộ việc phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an về việc tích hợp Phần mềm cấp giấy nhận diện gắn mã QR cho phương tiện với phần mềm quản lý dữ liệu dân cư, để cấp trực tuyến mức độ 4, nhằm thống nhất đầu mối quản lý và bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện cho người dân, cũng như doanh nghiệp.
Anh Tú
VnEconomy
|