Chủ Nhật, 29/08/2021 13:21

Sự va đập của những giá trị trong thời kỳ Covid-19

TPHCM đang bước vào một giai đoạn mới trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19 khi quyết tâm kiểm soát dịch bệnh được nâng lên cao với các chính sách hạn chế việc ra đường nghiêm ngặt hơn.

Tuy nhiên, thực tế công tác ứng phó đại dịch Covid-19 tại TPHCM thời gian qua đang cho thấy đây là vấn đề nan giải khó giải quyết. Thực trạng này thể hiện rõ nhất khi các chính sách xoay quanh chống dịch đã gây ảnh hưởng chồng chéo rất lớn đến các hoạt động kinh tế, xã hội và tạo phản ứng mâu thuẫn từ phía các đối tượng có liên quan. Chính từ đây, những giá trị khác biệt trong xã hội bắt đầu có sự va đập lẫn nhau khiến cả cộng đồng như một con thuyền muốn tiến lên nhưng cứ mãi xoay vòng trong vòng xoáy do bị tác động bởi những lực kéo, đẩy khác nhau.

Tại sao kiểm soát và đẩy lùi dịch Covid-19 lại là vấn đề nan giải?

Đã xác định kiểm soát và đẩy lùi đại dịch Covid-19 là vấn đề nan giải thì có nghĩa là vấn đề này khó có thể giải quyết chỉ bằng phương pháp áp dụng kỷ luật truyền thống mà cần có hướng tiếp cận phức tạp hơn, đòi hỏi tư duy đổi mới và sự phối hợp đến từ rất nhiều phía.

Nhìn lại các chính sách kiểm soát dịch bệnh từ trên xuống, ảnh hưởng tiêu cực diện rộng của virus SARS-CoV-2 chưa có tiền lệ nên có thể nói là vấn đề duy nhất tính đến lúc này, không có công thức và quy luật dừng. Các giải pháp ứng phó đại dịch là hoạt động một lần, chưa từng được thử nghiệm. Tính chất khẩn cấp và rủi ro cao khiến người lập kế hoạch và quyết định chính sách không có cơ hội được sai để học hỏi kinh nghiệm vì nếu sai sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, chính sách được thiết kế sẽ có khuynh hướng giao quyền tự định cho người thực thi bên dưới nhiều hơn để có thể linh hoạt xử lý đúng theo từng tình huống cụ thể.

Ngược lại, ở khía cạnh từ dưới lên, các cơ quan ban ngành thực thi các chính sách có các mục đích hoạt động khác nhau, thói quen, nhu cầu và các mối quan tâm cũng khác biệt. Khi thực thi các chính sách ứng phó đại dịch, mỗi bộ phận sẽ có cách hiểu và cách làm khác nhau. Đó là chưa kể ngay trong một cơ quan ban ngành thì mỗi công chức cũng có cá tính, văn hóa và cách hành xử khác nhau.

Sự khác biệt ấy khiến cho việc điều động và phối hợp trong quản lý trên diện rộng trở nên khó thống nhất và ít nhiều có sự chênh nhau về cách ứng xử cũng như phản ứng trước những vấn đề phát sinh phức tạp. Sự khác biệt này trong giai đoạn bình thường vẫn tồn tại nhưng là vấn đề có thể chấp nhận được, tuy nhiên, trong giai đoạn kiểm soát dịch bệnh khẩn cấp như hiện nay, những kẽ hở trong phối hợp dù nhỏ cũng có thể là nguyên nhân gây thất bại trong kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh.

Ngoài ra, các vấn đề nan giải trong đại dịch Covid-19 tuy có nhiều nguyên nhân nhưng lại phụ thuộc lẫn nhau nên rất phức tạp về mặt xã hội. Các vấn đề này hầu như không hoàn toàn nằm trong trách nhiệm giải quyết của bất kỳ một tổ chức nào. Một chính sách ra đời nếu cứ khăng khăng giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó thì sẽ có nguy cơ gây ra mâu thuẫn đến các vấn đề khác. Với cách thức tổ chức bộ máy quản lý hiện nay, một cơ quan, ban ngành sẽ có khuynh hướng quan tâm nhiều hơn những vấn đề liên quan đến các mục đích mà tổ chức của mình chịu trách nhiệm.

Trong khi đó, việc kết nối mức độ ảnh hưởng và thứ tự ưu tiên cho các mục tiêu khác nhau là điều rất khó vì trong bối cảnh hiện nay, dường như rất nhiều vấn đề nổi lên đều có tính chất khẩn cấp và cần được giải quyết gấp rút như nhau.

Những mục tiêu, giá trị cần đạt được đang bị mâu thuẫn?

Mục tiêu kép đã từng là giá trị được đề cao và giúp nền kinh tế Việt Nam đạt được những kết quả khả quan trong năm 2020. Nhưng trong năm 2021, sự xuất hiện của biến chủng Delta có nguy cơ lây lan và tính rủi ro cao hơn đang khiến việc đạt được giá trị này trở nên khó khăn và đầy mâu thuẫn. Các chính sách kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt nhất lại đang vô tình cản trở những nỗ lực hoạt động kinh tế trong bối cảnh đầy khó khăn của dịch bệnh.

Chính sách “3 tại chỗ” vừa giúp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động vừa đảm bảo kiểm soát dịch bệnh trong môi trường làm việc tại các doanh nghiệp, tuy nhiên, chi phí vận hành phát sinh cao, nguồn lực thực hiện hạn chế và những rủi ro trong quản lý khiến số lượng các doanh nghiệp tham gia chưa nhiều.

Trong khi đó, việc hạn chế lưu thông giữa các quận, huyện và địa phương đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động cung ứng nguyên vật liệu đầu vào và vận chuyển các sản phẩm đầu ra đến nơi tiêu thụ. Điều này cho thấy mục tiêu kiểm soát dịch bệnh đang có mâu thuẫn với mục tiêu duy trì các hoạt động kinh tế.

Kiểm soát thực trạng lây lan mầm bệnh trong cộng đồng đang được thực hiện theo hướng hạn chế tối đa việc người dân ra đường, đây là một giải pháp hợp lý khi có thể cắt đứt được chuỗi lây nhiễm và giúp khoanh vùng các khu vực theo hướng rủi ro từ thấp đến cao. Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, thành phố vẫn cần phải quan tâm đến nhu cầu cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân. Các sản phẩm thiết yếu được định nghĩa khá khác biệt tùy theo nhu cầu của từng đối tượng và để mua hàng hóa ấy, trong một chừng mực nào đó, lực lượng quản lý vẫn phải chấp nhận để cho người dân đi ra đường.

Xác định đâu là nhu cầu thiết yếu và không thiết yếu cũng là một phạm trù khó phân định mà nếu càng nới lỏng thì việc ra đường càng nhiều sẽ khiến dịch bệnh trở nên khó kiểm soát, nhưng nếu xét đoán các nhu cầu quá nghiêm ngặt thì sẽ dễ dẫn đến bị phản ứng mạnh bởi một vài nhóm người có quan điểm về nhu cầu thiết yếu khác nhau. Như vậy, mục tiêu kiểm soát dịch bệnh cũng mâu thuẫn với mục tiêu đảm bảo đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho cộng đồng.

Tổ chức hoạt động tiêm chủng vaccine đang là giải pháp duy nhất hướng đến tạo giá trị miễn dịch cộng đồng nhanh nhất có thể trong tương lai, hoặc chí ít, hướng đi này cũng giúp thành phố giảm tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên, các điểm tổ chức tiêm chủng lại là nơi có khả năng tụ tập và gây nguy cơ lây nhiễm cao. Hơn nữa, để đến được điểm tiêm chủng, người dân vẫn buộc phải ra đường. Trong rất nhiều trường hợp, người được tiêm chủng chính thức không đi một mình mà cần có người thân đi cùng. Đây cũng là một lý do khiến việc kiểm soát lưu thông bên ngoài đường phố trở nên khó khăn hơn.

Ngoài ra, việc tiêm chủng hàng loạt cho người lao động tại các công ty cũng gặp nhiều trở ngại. Một số công ty có quy mô nhỏ và vừa sẽ có số lượng người lao động chưa đủ lớn để có thể mời lực lượng y tế từ các bệnh viện, cơ quan y tế nhà nước xuống tiêm chủng tận nơi. Tuy nhiên, khả năng tổ chức đưa người lao động đến các điểm tiêm chủng tập trung cũng sẽ gây ra nhiều rủi ro lây nhiễm trong quá trình vận chuyển. Điều này cho thấy, bản thân mục tiêu kiểm soát dịch bệnh cũng ít nhiều có mâu thuẫn với mục tiêu tiêm chủng tạo miễn dịch cho cộng đồng.

Hướng đi nào cho thành phố trong thời gian sắp tới?

Đã xác định kiểm soát và đẩy lùi đại dịch Covid-19 là vấn đề nan giải thì có nghĩa là vấn đề này khó có thể giải quyết chỉ bằng phương pháp áp dụng kỷ luật truyền thống mà cần có hướng tiếp cận phức tạp hơn, đòi hỏi tư duy đổi mới và sự phối hợp đến từ rất nhiều phía.

Từ phía Chính phủ, mô hình quản lý công truyền thống với các tổ chức chuyên biệt được giao một số nhiệm vụ đơn lẻ cụ thể nên được điều chỉnh thay bằng mô hình hỗn hợp có bổ sung thêm các mục tiêu chung cho việc ứng phó với Covid-19 kết hợp với các tác nhân hướng đến một số nhu cầu thiết yếu không kém phần quan trọng khác. Cách tổ chức mô hình quản lý nên đề cao mục tiêu giúp các cơ quan ban ngành cùng nhìn về một mục tiêu và giá trị chung để dễ dàng phối hợp và thống nhất trong cách hành xử và phản ứng hiệu quả trước những vấn đề trục trặc phát sinh.

Rất nhiều mục tiêu cần quan tâm trong thời gian này là một bài toán khó giải đối với hệ thống quản lý công trong nước. Trong mỗi giai đoạn, không thể chỉ xem một hoặc một vài mục tiêu là quan trọng hay cần ưu tiên hơn so với các mục tiêu khác là có thể giải quyết được vấn đề. Đối với một vấn đề phức tạp và khó giải quyết như đại dịch Covid-19, việc phân định mức độ ưu tiên giữa các mục tiêu cần được xác định càng chi tiết càng tốt. Thứ tự ưu tiên các mục tiêu không chỉ được xét theo giai đoạn, mà còn cần xét theo khu vực, thời gian và từng loại tình huống cụ thể để có thể đưa ra quyết định đem lại hiệu quả cao nhất và tránh gây ra tổn thương cho cộng đồng nhiều nhất có thể.

Covid-19 là một vấn đề trục trặc chưa có tiền lệ và trong một số tình huống, việc đưa ra quyết định xử lý hoặc giải pháp tạm thời là chuyện không dễ dàng. Một vài công chức nhà nước chưa thể làm tốt các công việc mang tính triết lý khi hành xử trong giải quyết vấn đề. Trong khi đó, một vấn đề lớn có tính chất bao trùm đến mọi đối tượng và mọi hoạt động trong xã hội khó có thể được điều chỉnh bằng một văn bản hay điều lệ chung để giúp từng thành viên trong bộ máy quản lý có thể đưa ra cách hành xử chuẩn xác trong mọi trường hợp. Trong tình huống cấp bách như hiện nay, cách hay hơn là bên cạnh các chính sách, cần cung cấp một cấu trúc phân tích cho suy nghĩ của công chức để họ có cách ứng xử phù hợp cho các tình huống cụ thể.

Ở góc độ người dân, vấn đề ứng phó đại dịch đã là một thách thức thích ứng trong đó vai trò của Chính phủ và các chuyên gia là vận động người dân nhận diện đúng những khó khăn mà mọi người phải đối mặt để vượt qua. Thông tin cung cấp cho người dân phải chính xác và những vấn đề khó khăn mà tất cả người Việt Nam phải cùng vượt qua cần được xác định rõ. Nếu người dân có thể nhận diện được thách thức một cách đúng đắn và đầy đủ thì họ sẽ có khả năng chấp nhận đánh đổi một số quyền lợi hoặc gác lại một số nhu cầu riêng để hướng đến mục tiêu đối phó với đại dịch là vấn đề cần được ưu tiên hơn lúc này.

Trần Hương Giang

TBKTSG

Các tin tức khác

>   TP.HCM xem xét nới hoạt động của shipper, yêu cầu xét nghiệm hàng ngày (28/08/2021)

>   Tổng giám đốc Acecook Việt Nam lên tiếng về vụ mì Hảo Hảo bị Ireland thu hồi (28/08/2021)

>   Công an TP.HCM thay đổi quy định kiểm soát việc đi đường (28/08/2021)

>   2 kịch bản cho Hà Nội sau 6.9: Phong tỏa vài quận hoặc giãn cách toàn thành phố (28/08/2021)

>   Năm 2025, hoàn thành sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, xử lý dứt điểm dự án thua lỗ (28/08/2021)

>   Giảm 50% giá dịch vụ cất, hạ cánh tàu bay đối với chuyến bay nội địa (28/08/2021)

>   Bộ GTVT yêu cầu địa phương bãi bỏ quy định cản trở lưu thông hàng hóa (27/08/2021)

>   Long An là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất trong 8 tháng đầu năm 2021 (27/08/2021)

>   Thủ tướng yêu cầu bỏ ngay ‘giấy phép con’ cản trở lưu thông, hạn chót chiều 28.8 (27/08/2021)

>   Doanh nghiệp lo sợ điều gì khi hết dịch? (27/08/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật