Thứ Tư, 01/09/2021 14:00

Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ: 'Tháo gỡ ngay, không tiếp nhận, báo cáo rồi chờ'

Đó là mong muốn của hầu hết các doanh nghiệp với Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ. Đó là xử lý ngay những vướng mắc, khó khăn một cách quyết liệt chứ không chỉ “tiếp nhận và báo cáo, rồi chờ” như với những kiến nghị gửi các ban ngành lâu nay.

Nếu những khó khăn được tháo gỡ, cơ hội doanh nghiệp "trụ" lại trên thị trường cũng cao hơn. Thúy Hằng

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Theo quyết định, Phó thủ tướng Lê Minh Khái sẽ làm tổ trưởng Tổ công tác này và 3 tổ phó là ba bộ trưởng Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính và Bộ LĐ-TB-XH.

Không tiếp nhận, báo cáo rồi chờ...

Thành viên Tổ công tác là lãnh đạo các bộ, ngành và tùy thuộc yêu cầu nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT có thể mời thêm lãnh đạo một số cơ quan trung ương, địa phương, hiệp hội, chuyên gia. Nhiệm vụ của Tổ là giúp Chính phủ, Thủ tướng nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những việc quan trọng, liên ngành trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đề xuất hướng xử lý những khó khăn và có quyền yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cung cấp thông tin, phối hợp thực hiện, cử cán bộ và giải quyết dứt điểm các vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đánh quá, với quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt cho thấy Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm hơn và cầu thị lắng nghe, muốn giải quyết các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp đang đối diện trong hiện tại.

"Tổ công tác đặc biệt nên công bố đường dây nóng hay cơ chế tiếp nhận nào để doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng phản ánh nhanh các vướng mắc đang xảy ra"- ông Dũng nói và mong Tổ công tác sẽ xử lý dứt điểm ngay những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, chứ không chỉ tiếp nhận và báo cáo rồi chờ như từng xảy ra lâu nay đối với những kiến nghị của các doanh nghiệp. Chẳng hạn, những khó khăn để doanh nghiệp được vay vốn lãi suất 0% trả lương cho người lao động đã kiến nghị nhiều, chưa thấy sửa đổi; các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn bị kẹt giấy phép đi đường, khó đưa hàng hóa đến cảng để xuất hàng cho đối tác nên nguy cơ mất đơn hàng...

Ông Trương Vĩnh Thiện, Giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt nói thẳng, có quá nhiều khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp. Chẳng hạn, rất khó để duy trì hoạt động sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” khi đã kéo dài phương án này hơn 2 tháng qua. Nhiều công nhân đã xin nghỉ làm vì về nhà sẽ an toàn hơn. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp khác ngưng hoạt động khiến công ty thiếu nguyên phụ liệu như bao bì, hộp nhựa...

Vì vậy, ông mong Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ cần sớm có ý kiến đề xuất các chính sách cụ thể hơn nhằm duy trì hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Nếu chuỗi cung ứng sản xuất bị gãy đổ thì việc khôi phục lại rất khó khăn. Đồng thời, Chính phủ cần xem xét có thêm các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp cụ thể như giảm các mức đóng góp vào chính sách. Ví dụ giảm mức đóng bảo hiểm xã hội một thời gian để doanh nghiệp có thêm nguồn lực tập trung đảm bảo sản xuất, lo cho đời sống của người lao động.

Đa số các doanh nghiệp phía nam đều cho rằng, việc duy trì mô hình sản xuất theo “3 tại chỗ” kéo dài như hiện nay đang tiêu hao quá nhiều chi phí, nguồn lực, hao hụt nguồn lao động… của doanh nghiệp. Ý kiến chung là nên có giải pháp linh hoạt hơn và giao tính tự chủ trong phòng chống dịch tại nhà máy của doanh nghiệp cho chính doanh nghiệp. Nếu không, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất quá lớn.

Chính phủ "chẩn đúng bệnh", Tổ công tác phải "kê đúng thuốc"

PGS-TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển doanh nghiệp, đánh giá, giải quyết ngay những khó khăn vướng mắc hiện tại của doanh nghiệp là vấn đề vi mô, nhưng nó ảnh hưởng lớn đến kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh nền kinh tế bị tổn thương, chính những vướng mắc mà doanh nghiệp nêu lâu nay chưa được giải quyết đã góp phần không nhỏ khiến nền kinh tế bị trì trệ thêm.

PGS-TS Nguyễn Mạnh Quân nhấn mạnh, việc chọn 3 bộ trưởng của các Bộ KH-ĐT, Tài chính và LĐ-TB-XH của Chính phủ cho thấy Chính phủ “chẩn đúng bệnh” của doanh nghiệp hiện nay. Đó là việc tiếp tục đầu tư mở rộng hay thu hẹp, đóng cửa; nguồn tài chính duy trì hoạt động khó khăn đến đâu và việc duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội thế nào trong bối cảnh khó khăn bủa vây. “Chưa bao giờ doanh nghiệp trải qua thời kỳ khó khăn khắc nghiệt như lúc này và chưa bao giờ người lao động cũng rơi vào cảnh bế tắc kéo dài như vậy. Thế nên, đã chẩn đúng bệnh rồi, sử dụng loại thuốc nào để chữa cần “bén” hơn. Nên tập trung trong ngành hàng thực phẩm, nông sản nhiều hơn bởi trong đợt dịch thứ 4 này, ngành công nghiệp chủ yếu sản xuất xuất khẩu, phụ thuộc nhiều nguyên phụ liệu từ nước ngoài toàn nhập siêu, nhưng ngành nông nghiệp thực phẩm lại xuất siêu”.

Lý giải thêm việc hỗ trợ tránh đứt gãy, tạo cơ hội tăng tốc cho các doanh nghiệp ngành nông sản, thực phẩm, vị này cho rằng, chuỗi sản xuất nông nghiệp ngắn ngày, từ ruộng đồng, trang trại vào nhà máy và lên bàn ăn có công đoạn ngắn ngày nhưng tính hiệu quả rất cao. VN là nước nông nghiệp, có nguồn nguyên liệu từ trong nước là thế mạnh, nên tạo cơ chế thông thoáng để nhóm đó đứng vững lúc này. Nhóm này đang gặp khó khăn về sản xuất bởi phải duy trì phương án “3 tại chỗ” “2 địa điểm - 1 cung đường”, tốn kém rất lớn. Hệ quả là nông sản ùn ứ ngoài đồng, heo gà nuôi tồn đọng trong trại, hàng hóa không đưa về thành thị bán được, trong khi các loại thuế, lãi suất ngân hàng vẫn trả đủ. Tổ công tác có thể giúp kiến nghị khoanh lãi, giãn nợ tiếp không? Nhóm doanh nghiệp sản xuất công nghiệp xuất khẩu quy mô nhỏ và vừa đang đối diện việc đóng cửa, tạm ngưng hoạt động. Trong 8 tháng đã có 85.000 doanh nghiệp rời thị trường. Một con số nghe quá sốt ruột. Tổ công tác nắm được số này để gấp rút hỗ trợ cụ thể như giãn thuế, giảm tiền điện, giảm các chi phí dịch vụ công… Đừng để họ ở lại phía sau như thông điệp mà Chính phủ đề ra trước đây.

Về dài hạn, theo ông Quân, Tổ công tác phải giúp Chính phủ giải được những bài toán lớn hơn mang tính chiến lược, dài hạn… vực dậy nền kinh tế bị "đứng lại" trong mấy tháng trong đợt dịch thứ 4 này.

Mai Phương

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 3 triệu tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm (01/09/2021)

>   Đường dây than lậu triệu tấn: Quản lý thị trường Thái Nguyên không phát hiện vi phạm (01/09/2021)

>   Mỹ gia hạn ban hành kết luận chống lẩn tránh thuế với gỗ dán Việt Nam (01/09/2021)

>   Bộ Công Thương tiếp nhận yêu cầu điều tra chống bán phá giá với mía đường có xuất xứ từ Thái Lan (01/09/2021)

>   Tiêm nhanh vaccine mũi 2 - lối thoát duy nhất để 'rã băng' cho TP.HCM (01/09/2021)

>   Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp có sức chống chịu tốt hơn (01/09/2021)

>   LG đầu tư thêm 1,4 tỷ USD vào Hải Phòng (31/08/2021)

>   Hỗ trợ doanh nghiệp tái tạo việc làm và dòng tiền vào (31/08/2021)

>   Điện mặt trời mái nhà sẽ không còn giá cố định (31/08/2021)

>   Cục hàng không yêu cầu các hãng bay dừng bán vé nội địa (31/08/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật