Thiết lập trật tự mới về vốn điều lệ ngân hàng
Những tháng cuối năm, ngân hàng bắt đầu cuộc đua nước rút tăng vốn điều lệ từ việc trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cho cổ đông hiện hữu đến phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược.
Có thể thấy trong kế hoạch năm 2021, tăng vốn điều lệ trở thành một trong những mục tiêu quan trọng được các ngân hàng đề ra. Việc chạy đua tăng vốn nguyên nhân trước mắt là nhằm để đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) theo quy định. Chỉ khi đảm bảo được an toàn vốn, các ngân hàng mới có khả năng nhận được mức trần tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Đi kèm đó, việc tăng vốn điều lệ còn giúp ngân hàng nâng cao năng lực quản trị rủi ro, đầu tư phát triển hệ thống, mở rộng mạng lưới chi nhánh, đầu tư…
Theo kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thông qua, trong năm 2021, hàng loạt ngân hàng sẽ tung ra thị trường hàng tỷ cổ phiếu bằng hình thức qua chia cổ tức và phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược, bán cổ phiếu ESOP (cổ phiếu thưởng hoặc bán cho người lao động). Ước tính, trong năm 2021 có khoảng 82,000 tỷ đồng bổ sung vốn điều lệ cho hệ thống ngân hàng, tăng 31% so với năm 2020.
Thế nhưng dữ liệu từ VietstockFinance cho thấy, dù có đến 19 ngân hàng đặt mục tiêu tăng vốn trong năm 2021, nhưng sau nửa đầu năm, chỉ có 4/19 nhà băng ghi nhận đã tăng được vốn.
SCB đã chào bán thành công 478.8 triệu cp ra công chúng, thu hút thêm 4,788 tỷ đồng nguồn vốn mới, nâng mức vốn điều lệ từ 15,232 tỷ đồng lên 20,020 tỷ đồng.
Dù kế hoạch trong năm 2021 là tăng vốn lên hơn 26,674 tỷ đồng, nhưng tính đến 30/06/2021, SHB đã hoàn thành tăng vốn lên 19,260 tỷ đồng bằng hình thức phát hành hơn 175 triệu cp để trả cổ tức năm 2019 tỷ lệ 10%.
SHB cho biết cũng đang hoàn thiện hồ sơ trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ năm 2021 thông qua, trong đó chi trả cổ tức năm 2020 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10.5% bằng cổ phiếu và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền với tỷ lệ 28%.
VIB cũng đã phát hành hơn 443 triệu cp thưởng với tỷ lệ tương đương 40% từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng, tăng vốn điều lệ từ 11,094 tỷ đồng lên mức 15,531 tỷ đồng.
Tính đến 30/06/2021, BIDV (BID) là nhà băng có vốn điều lệ cao nhất với 40,220 tỷ đồng, vượt qua cả VietinBank (CTG, 37,234 tỷ đồng) và Vietcombank (VCB, 37,089 tỷ đồng). Đứng đầu trong nhóm NHTM tư nhân là Techcombank (TCB, 35,049 tỷ đồng), sau đó là MB (MBB, 27,998 tỷ đồng).
Nguồn: VietstockFinance. Đvt: Tỷ đồng
|
Đua nước rút tăng vốn
Bắt đầu sang nửa cuối năm, các ngân hàng lại đua nước rút tăng vốn, thêm 5 ngân hàng đã tăng được vốn điều lệ và 8 ngân hàng được NHNN chấp thuận tăng vốn.
VietinBank đã phát hành hơn 1.08 tỷ cp, tương ứng với tỷ lệ phát hành là 29.1% để trả cổ tức. Qua đó, thành công tăng vốn điều lệ từ 37,234 tỷ đồng, lên gần 48,058 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện là lợi nhuận sau thuế, trích quỹ các năm 2017, 2018 và phần lợi nhuận còn lại sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt của năm 2019. Lần tăng vốn này cũng đưa VietinBank trở thành nhà băng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống tính đến 28/09.
MB cũng đã tăng vốn điều lệ từ mức 27,987 tỷ đồng lên gần 37,783 tỷ đồng thông qua phát hành hơn 979.5 triệu cp để trả cổ tức 2020 với tỷ lệ 35%.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng cũng đã được NHNN chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ như Vietcombank, VPBank (VPB), TCB, HDBank (HDB)…
Ngày 20/09, Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt phương án đầu tư bổ sung hơn 7,657 tỷ đồng cho Vietcombank theo tờ trình của NHNN để duy trì tỷ lệ sở hữu của Nhà nước. Nguồn vốn bổ sung đến từ cổ tức cho cổ đông Nhà nước, thông qua việc Vietcombank phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ phần lợi nhuận sau thuế còn lại của năm 2019 sau trích lập các quỹ, chi trả cổ tức bằng tiền mặt. Hiện tại, Nhà nước đang sở hữu 74.8% vốn Vietcombank.
Trước đó, ĐHĐCĐ 2021 của Vietcombank đã thông qua kế hoạch tăng vốn từ 37,089 tỷ đồng lên 50,401 tỷ đồng, thông qua 2 cấu phần. Thứ nhất, Vietcombank sẽ phát hành hơn 1.02 tỷ cp, tương đương tỷ lệ 27.6% từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn lại sau khi chia cổ tức 2019 (tỷ lệ 8% bằng tiền mặt). Thứ hai, Vietcombank sẽ chào bán riêng lẻ 6.5% vốn điều lệ, tương đương phát hành hơn 307.6 triệu cp cho tối đa 99 nhà đầu tư tổ chức.
VPBank (VPB) cũng được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa gần 19,758 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối và phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ Quỹ đầu tư phát triển và Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.
Theo kế hoạch, VPBank sẽ phát hành tối đa gần 1.98 tỷ cp cho cổ đông, tỷ lệ phát hành chiếm 80% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm chốt quyền. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá tối đa gần 19,758 tỷ đồng.
Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của VPBank sẽ tăng từ gần 25,300 tỷ đồng lên mức 45,058 tỷ đồng, trở thành ngân hàng TMCP tư nhân có vốn điều lệ cao nhất toàn ngành (xếp sau VietinBank và Vietcombank).
MSB thông báo ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông được hưởng quyền chia cổ tức 2020 bằng cổ phiếu là 08/10, ngày giao dịch không hưởng quyền là 07/10. Kế hoạch phát hành thêm 352.5 triệu cp để trả cổ tức tỷ lệ 30% của MSB đã được NHNN chấp thuận, nhằm tăng vốn điều lệ từ 11,750 tỷ đồng lên 15,237 tỷ đồng.
Nếu dự tính các ngân hàng đã được chấp thuận tăng vốn đều thành công, tính đến 28/09 vốn điều lệ của VietinBank (48,058 tỷ đồng) đang cao nhất hệ thống, tiếp theo là Vietcombank (47,325 tỷ đồng) và VPBank (45,058 tỷ đồng). Sau đó là BIDV (40,220 tỷ đồng) và MB (37,783 tỷ đồng).
Nguồn: VietstockFinance. Đvt: Tỷ đồng
|
Cát Lam
FILI
|