Sống chung với dịch: Thấp thỏm chờ 'giấy thông hành' vắc xin
TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Long An, và Đồng Nai đang được Bộ Y tế thúc giục hoàn thành mũi 1 vắc xin trước 15.9. Đây là tiền đề quan trọng bước vào “bình thường mới”, nhiều tỉnh khác cũng đang thấp thỏm chờ vắc xin.
Doanh nghiệp tại nhiều tỉnh ngoài các vùng dịch lớn cũng mong muốn sớm được tiêm vắc xin để yên tâm sản xuất. Ảnh: Ngọc Thắng
|
“Nằm yên thở khẽ” chờ vắc xin
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, dự kiến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vắc xin (không tính nguồn COVAX), trong đó tháng 9 lượng vắc xin về nhiều nhất, với hơn 20 triệu liều.
Bộ Y tế cũng dự kiến sẽ thí điểm việc đi lại với người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Những tín hiệu tích cực này đang thắp lên hy vọng cho nhiều doanh nghiệp đang trong trạng thái “nằm yên thở khẽ” chờ vắc xin.
Theo thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia, tính đến chiều 6.9, mới 22 triệu liều vắc xin được tiêm trên cả nước. Chỉ 3 triệu người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin. Cũng theo thống kê, lượng vắc xin được phân bổ cao nhất là TP.HCM với 31,54% (9,11 triệu liều), Hà Nội chiếm 14,93% (4,31 triệu liều), các vùng dịch phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Long An cũng nhận được số vắc xin phân bổ từ 5 - 8% của cả nước. Điều này hoàn toàn dễ hiểu xét theo mức độ nguy cơ và ưu tiên phân bổ vắc xin để dập dịch.
Song với nhiều địa phương là công xưởng sản xuất khác, lượng vắc xin phân bổ được rất thấp, xấp xỉ trên dưới 1% cả nước, tương ứng 100.000 - 300.000 liều vắc xin.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu của Tổng công ty Dệt may Bắc Giang (LGG), khi Bắc Giang bùng dịch, doanh nghiệp này đã đóng cửa 20 ngày (từ 19.5 đến 11.6) mới hoạt động trở lại, nhưng tới nay cũng chỉ được 70% nhân công, số còn lại vẫn đang phải cách ly.
Là doanh nghiệp chuyên cung ứng hàng may mặc cho nhiều khách hàng lớn như GAP, Walmart, Vals, theo bà Hương, “thiệt hại thì nhiều, quá nhiều chi phí tăng thêm, trong khi bị trượt giao hàng nhiều, có những đơn hàng bị phạt quá hạn phải trả tiền”. Trong thời điểm dịch, doanh nghiệp nhận được nhiều hỗ trợ của tỉnh, hơn 4.000 công nhân đã được tiêm mũi 1 ngay từ 30.5. Song sau hơn 3 tháng, quá thời hạn tiêm, doanh nghiệp vẫn đang phải chờ để được tiêm mũi 2 dù đã có nhiều công văn đề nghị.
“Nhà máy, các khu nghiệp có vài nghìn đến cả trăm nghìn công nhân, nếu được tiêm đủ 2 mũi sẽ tạo miễn dịch cộng đồng tốt hơn. Dịch trong các tỉnh miền nam căng thẳng nên được ưu tiên phân bổ vắc xin trước, nhưng thực tế chỗ nào cũng cần vắc xin”, bà Hương nói, và cho biết mỗi tuần DN vẫn phải xét nghiệm cho công nhân 2 lần. Trước đây, xét nghiệm 300.000 đồng/mẫu gộp, giờ đã giảm khá nhiều, song vẫn là gánh nặng rất lớn cho doanh nghiệp. Những chi phí này sẽ được giảm rất nhiều nếu công nhân được tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
Vắc xin để cứu cả con tôm, cả nông dân lẫn doanh nghiệp
Nhiều doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu thủy sản cũng đề xuất cần sớm tiêm vắc xin để khôi phục lại hoạt động của các nhà máy chế biến thủy sản, vực dậy giá tôm, “cứu” cả nông dân, lẫn doanh nghiệp, bởi nếu cứ chờ đợi đến khi hết dịch thì tất cả cùng nhau xếp hàng chờ “chết”.
Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú, cho rằng cần phải mạnh dạn áp dụng các biện pháp để khôi phục sản xuất của ngành thủy sản, không thể kéo dài mãi tình trạng công nhân thất nghiệp, doanh nghiệp có đơn hàng nhưng không xuất khẩu được như hiện nay.
Ông Quang dẫn chứng nhà máy của doanh nghiệp này tại Cà Mau có tỉ lệ tiêm vắc xin cho công nhân đạt 94,52%, còn nhà máy tại Hậu Giang đạt gần 28%. Nhưng ở Cà Mau, số lao động được phép đi làm chỉ có 1.649/6.757 công nhân; tại Hậu Giang chỉ có 1.300/5.800 công nhân; cộng cả hai nhà tỉ lệ công nhân đi làm chưa đến 24%. Các nhà máy chế biến thủy sản hiện nay phải hoạt động cầm chừng hoặc phải đóng cửa dừng hoạt động nguyên liệu sản xuất dồn ứ, giá xuống thấp.
Cụ thể, với tôm thẻ chân trắng loại 60 con/kg ở thời điểm ngày 24.7, Minh Phú mua của nông dân là 110.000 đồng/kg nhưng đến ngày 30.8, giá chỉ còn 89.000 đồng/kg. Khảo sát các địa lý bên ngoài, giá mua còn tiếp tục giảm thêm từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Ở mức giá này, nông dân nuôi tôm đang lỗ nặng nhưng nếu cho phép các nhà máy chế biến hoạt động tối đa công suất sẽ nhanh chóng vực dậy được giá tôm.
“Doanh nghiệp cần sản xuất, người lao động nếu đã được tiêm vắc xin thì phải được đi làm thì mới nhanh chóng vực dậy, khôi phục sản xuất. Công nhân cư trư ở “vùng xanh” đi làm ở “nhà máy xanh” đảm bảo kiểm soát chặt chẽ phòng dịch Covid-19 và chúng tôi sẵn sàng xét nghiệm thường xuyên, liên tục từ 3 - 5 ngày/lần để đảm bảo phòng dịch”, ông Quang nói.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư thủy sản Nam miền Trung (tỉnh Bình Thuận) phản ánh hiện ở nhiều nơi giá tôm xuống đến 50.000 đồng/kg, giá thấp, thậm chí bán không được dẫn đến tái sản xuất của người nông đân rất khó khăn. Doanh nghiệp khó đi lại thị không mua được hàng. Trực tiếp tham gia tham gia vào thị trường sản xuất mỗi ngày, các doanh nghiệp đều thấy việc tái sản xuất đang rất gian truân và hệ lụy kéo dài không biết đến khi nào.
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Anh, việc thiếu vắc xin chưa có đủ để tiêm cho toàn bộ người dân sẽ còn kéo dài nhưng đối với những người đã được tiêm, tiêm đủ 2 mũi thì cần phải có cách ứng xử khác, làm sao để vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất, chứ không phải là cách làm bất cập như hiện nay.
“Tôi đã tiêm vắc xin đủ 2 mũi nhưng đi tỉnh để xúc tiến sản xuất, thu mua thì cũng bị đi cách ly 7 ngày, vậy tiêm vắc xin rồi cũng như chưa tiêm là chưa đúng, rất bất cập. Phải làm rõ công dụng của việc tiêm mũi 1, mũi 2 và để có căn cứ tạo điều kiện cho người tiêm đủ 2 mũi vắc xin được giao thương bình thường thì mới khôi phục, thúc đẩy được tăng trưởng sản xuất”, ông Hoàng Anh nói.
297 hành khách Việt Nam có "hộ chiếu vắc xin" khởi hành từ Nhật Bản đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) ngày 4.9. Ảnh: Lã Nghĩa Hiếu
|
“Thẻ thông hành xanh”
Cuối tháng 7, đầu tháng 8, Vietnam Airlines đã thực hiện thành công 2 chuyến bay thử nghiệm “hộ chiếu vắc xin” đi Nhật Bản và Anh. Cuối tuần trước, chuyến bay “hộ chiếu vắc xin” đầu tiên cũng hạ cánh tại sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh).
Cục Hàng không cũng đã dự kiến đề xuất Bộ GTVT cho nối lại các đường bay nội địa, một trong những điều kiện là hành khách tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Không chỉ áp dụng trong hàng không, mới đây, Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) đề xuất Chính phủ thực hiện chương trình thí điểm thẻ thông hành xanh (Vietnam Green Travel Pass) thay cho hộ chiếu vắc xin tại Việt Nam, mục tiêu sớm mở lại các công việc kinh doanh, đi lại trong nước, tiến tới xuất cảnh, nhập cảnh.
Thẻ thông hành xanh có thể là mã QR trên điện thoại thông minh hoặc in ra trên giấy, áp dụng cho những đối tượng không chỉ tiêm đủ vắc xin, mà cả những F0 đã khỏi bệnh, những người có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước.
Theo Cục phó Cục Hàng không Võ Huy Cường, khái niệm về “hộ chiếu vắc xin” cần được hiểu là một phần mềm ghi nhận tình trạng của một người, có thể là âm tính sau xét nghiệm PCR, hai là tiêm đủ vắc xin, 1 hoặc 2 liều theo nhà sản xuất; ba là bệnh nhân đã khỏi Covid.
Hiện nay, ở Việt Nam có cả ba đối tượng như vậy, nhưng cách ứng xử và thực hiện chưa có gì khác biệt. Ví dụ, phi công và tiếp viên đã tiêm 1 mũi vắc xin, không may mắc virus SAR-CoV-2, đã khỏi bệnh, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về việc họ có được phép quay trở lại đi làm không? Bởi theo quy định, bệnh nhân khỏi bệnh không được tiêm vắc xin vì đã có kháng thể, ít nhất 6 - 7 tháng sau mới được tiêm.
Dù vậy, ông Cường cũng bày tỏ kỳ vọng, từ nay đến 30.9, nếu giảm bớt được số ca lây nhiễm trong cộng đồng, tiến tới bỏ giãn cách và tỷ lệ tiêm vắc xin ngày càng cao, Việt Nam có thể từng bước quay trở lại khôi phục các chuyến bay nội địa thường lệ. Sau đó, khi có hộ chiếu vắc xin, từng bước mở lại hoạt động đi lại quốc tế… Song vấn đề mấu chốt nhất vẫn là phải đủ vắc xin cũng như đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.
Phan Hậu
Thanh niên
|