Giải pháp nào để nối liền chuỗi cung ứng?
Đại dịch Covid-19 đã và đang khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, cung ứng, xuất khẩu hàng hóa.
Đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh nghiệp gặp khó khăn
Tại tọa đàm “Giải pháp đảm bảo chuỗi cung ứng thời Covid-19" tổ chức ngày 8/9, chia sẻ những thách thức mà các doanh nghiệp hàng hải và logistics đang phải đối diện giữa đại dịch COVID-19, ông Lê Quang Trung - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) - cho biết, khó khăn lớn nhất đó là phải đối phó với sự gián đoạn trong chuỗi cung cấp dịch vụ để duy trì hoạt động liên tục. Chưa kể, cước vận tải biển tăng phi mã và sự thiếu hụt, mất cân bằng container trên toàn thế giới cũng khiến doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn.
Đơn cử, giá cước xuất khẩu sang Mỹ đã tiếp tục tăng thêm 2000-3000USD từ ngày 15/6. So với cùng kỳ năm 2020, giá cước đã tăng tới 5 lần. Riêng giá cước hiện nay đã tương đương 60% tiền hàng hóa trong một cont đồ gỗ/furniture, chưa kể các chi phí logistics gia tăng khác (mức thông thưởng chỉ khoảng 15-20%).
Cước phí logistics tăng cao là một trong những khó khăn lớn của doanh nghiệp xuất nhập khẩu
|
Chưa kể, đại dịch cũng khiến vấn đề tổ chức sản xuất, bố trí nhân lực làm việc phù hợp mà vẫn phải đảm bảo an toàn, các quy định về phòng chống dịch rất khó khăn. Thời gian qua, các địa phương, đặc biệt là các địa phương phía Nam đã áp dụng các biện pháp phòng chống lây nhiễm quyết liệt như hạn chế di chuyển, hạn chế lưu thông giữa các vùng, yêu cầu cách ly bắt buộc… Đáng nói là mỗi địa phương lại đặt ra những quy định riêng, sự thiếu nhất quán và liên tục thay đổi trong các giấy phép vận tải hàng hóa… dẫn đến hậu quả là chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Đi kèm với đó là tình trạng thiếu hụt lao động, lái xe, thiếu công nhân tại hiện trường…
Đánh giá về hậu quả khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho rằng, khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy, sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Trước hết, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa do không có nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất. Doanh nghiệp không đáp ứng được đơn hàng đúng thời gian dẫn đến mất đơn hàng và các đối tác tiềm năng vào tay các đối thủ cạnh tranh.
Đồng thời, việc cung ứng hàng hóa bị thiếu hụt dẫn đến giá cả leo thang, đặc biệt là những sản phẩm thiết yếu cho sinh hoạt và phòng chống dịch. Một khi các doanh nghiệp không thể trụ nổi, an sinh xã hội và mục tiêu phát triển kinh tế của chính phủ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, giảm năng lực cạnh tranh, ảnh hưởng đến dòng vốn FDI và khả năng hội nhập của kinh tế Việt Nam.
Tăng sức cạnh tranh cho chuỗi cung ứng
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị đứt gãy khi nhiều địa phương có chính sách cứng nhắc, ông Đặng Vũ Thành - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, trong suốt thời gian dịch bệnh, đặc biệt là sau khi dịch bùng phát tại TP. HCM và một số tỉnh phía Nam, VLA đã chủ động làm việc với nhiều cơ quan quản lý nhà nước và nêu kiến nghị.
Cụ thể, kiến nghị bổ sung quy tắc vận tải an toàn, đề xuất ưu tiên tiêm phòng cho lao động lái xe, lao động đang thực hiện công tác tại cảng, kho, bãi, khai báo hải quan; Hỗ trợ nguồn bộ kit test nhanh kháng nguyên để doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp dịch vụ logistics chủ động xét nghiệm rà soát lao động của chính mình… Bên cạnh đó, VLA kiến nghị UBND TP Hà Nội thay đổi vị trí và phương án kiểm soát để đảm bảo sự lưu thông thông suốt trên tuyến quốc lộ 1A, kiến nghị tạo thuận lợi, hỗ trợ trong việc miễn, giảm thủ tục cấp QR code, giấy phép đi đường. ĐỒng thời, đề nghị không áp dụng các chính sách làm tăng chi phí logistics nói chung, như thu phí hạ tầng cảng biển ở TP.HCM từ 1/10.2021. Và giảm mức thu phí hạ tầng cảng biển của TP Hải Phòng.
Đề nghị các Hiệp hội ngành hàng và Hiệp hội VLA, Hiệp hội Đại lý Môi giới hàng hải Việt Nam, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cùng với VCCI cần có sự phối hợp, hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp thành viên trong việc trao đổi thông tin về tình hình thị trường giá cước, container rỗng và hoạt động nghiệp vụ để cùng là đối tác giải quyết với các hãng vận chuyển trong việc lưu cước, giá cước và giảm phụ phí hàng hải…
Về phía đoanh nghiệp, theo ông Lê Quang Trung, các địa phương cần thống nhất về quy định tạo thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa đối với xe vận tải (đặc biệt áp dụng với các xe chạy liên tỉnh – chạy trên trục quốc lộ quốc gia). Bộ Y tế cũng cần xem xét miễn giảm xét nghiệm COVID-19 cho lái xe, thay vào đó là áp dụng nguyên tắc vận tải an toàn phòng dịch lái xe ngồi yên trong cabin - không tiếp xúc khi giao nhận hàng hoá hai đầu, khi ra vào cảng. Đại diện Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cũng kiến nghị xóa bỏ yêu cầu xe vận tải phải có giấy đi đường trong khi đã có QR code.
Trước thực trạng tắc nghẽn hàng hóa xảy ra tại cảng Cát Lái trong thời gian vừa qua, ông Trung nêu kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải thực hiện giải pháp cần thiết để điều tiết giữa các khu vực cảng biển, đảm bảo hàng hoá được lưu thông thuận lợi trong bối cảnh năng lực/công suất của các cảng trong khu vực TP.HCM và lân cận còn chưa khai thác hết. Ví dụ, điều tiết các hãng tàu container về khu vực cảng đang còn dư công suất.
Về vấn đề giảm chi phí logistics, doanh nghiệp đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chủ trì giải quyết khó khăn trong việc các hãng tàu nước ngoài tăng giá cước vận chuyển cao liên tục làm ảnh hưởng đến sản xuất, xuất nhập khẩu. Ví dụ yêu cầu khai báo cước phí vận chuyển đường biển của các hãng tàu container nước ngoài, hạn chế việc tăng cước vận chuyển phi mã và thiếu kiểm soát như hiện nay. Đồng thời, không được tăng và có biện pháp giảm hoặc loại bỏ một số phụ phí trong 12 loại phụ phí đường biển. Đây là vấn đề cấp bách mà các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu của nước ta đang yêu cầu được giải quyết.
Về lâu dài, Chính phủ cần có quyết sách phát triển vận chuyển vận tải biển mang thương hiệu Việt Nam. Cụ thể là phát triển đội tàu container cỡ lớn kinh doanh tuyến xa như châu Mỹ, châu Âu, đáp ứng phần nào yêu cầu chuyên chở hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam, như đề xuất của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam.
Nêu quan điểm về biện pháp đảm bảo chuỗi cung ứng phát triển bền vững, lâu dài, ông Trần Thanh Hải cho rằng, môi trường kinh doanh luôn thay đổi và chuỗi cung ứng sẽ luôn cần thích ứng để đạt được hiệu suất tốt nhất có thể, hạn chế thấp nhất rủi ro.
“COVID-19 đã khiến doanh nghiệp nhận thức sâu sắc về vai trò của hoạt động logistics và quản lý chuỗi cung ứng đối với sự sống còn của doanh nghiệp. Tôi cho rằng hậu COVID-19 và xa hơn là trong tương lai, chuỗi cung ứng hàng hóa phải được tăng cường khả năng ứng phó với khủng hoảng để giảm thiểu tốt nhất những chấn thương bất ngờ”, ông Hải nhấn mạnh.
Về phía doanh nghiệp, cần chủ động lập kế hoạch, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, linh hoạt thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh vĩ mô và vi mô. Tích cực, chủ động hội nhập, tận dụng lợi thế từ các FTA để tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đặc biệt vai trò vaccine rất quan trọng nên cần ưu tiên, phổ cập tiêm chủng cho người lao động trong chuỗi cung ứng như lái xe, người làm thủ tục giao nhận, giao hàng nên ưu tiên để họ tham gia lưu thông, đảm bảo chuỗi cung ứng vẫn được vận hành trong điều kiện chống dịch.
Bảo Ngọc
Báo Công Thương
|