Rối loạn chuỗi cung ứng tại châu Âu
Tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu đầu và gián đoạn vận chuyển đang gây khó khăn cho hàng loạt doanh nghiệp tại châu Âu, trong đó có hãng nội thất Temahome của Pháp.
Tổng Giám đốc của hãng nội thất này buộc phải tìm những cách sáng tạo hơn để duy trì hoạt động sản xuất khi mà một nửa trong danh mục 600 sản phẩm của Công ty đã hết hàng vì thiếu nguyên vật liệu.
“Chúng tôi đang tìm mọi cách”, Phillipe Moreau, Tổng Giám đốc của hãng sản xuất bàn gỗ, kệ sách tại Pháp, cho hay. “Nếu bảng đen không có sẵn, chúng tôi sẽ chuyển sang bảng màu gỗ sồi hoặc màu trắng”.
Trên khắp thế giới, các nhà sản xuất mọi thứ từ tủ lạnh đến ô tô hay máy tính vẫn đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng logistics. Nguồn cung cấp đầu vào thiết yếu bị gián đoạn, đe dọa sự phục hồi kinh tế sau đại dịch và thúc đẩy lạm phát.
Cùng với đà tăng của nhu cầu tiêu dùng khi các nền kinh tế mở cửa trở lại, tình trạng thiếu hụt nguồn cung ở châu Âu đã đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong một thập kỷ. Đây có thể là một yếu tố có thể thôi thúc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải giảm quy mô chương trình kích thích 1.85 tỷ Euro trong tuần này.
Tỷ lệ doanh nghiệp sản xuất EU ghi nhận thiếu nguyên vật liệu
|
Nội thất là lĩnh vực mới nhất bị cuốn vào cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng và ngay cả gã khổng lồ nội thất như Ikea cũng bị ảnh hưởng. Hãng đồ nội thất của Thụy Điển này cho biết họ "không thể dự đoán" khi nào nguồn cung sẽ trở lại bình thường. Gần đây nhất, Anh cũng đang thiếu hụt tài xế xe tải.
“Chúng tôi không ngây thơ nghĩ rằng mọi chuyện sẽ trở lại bình thường trong vài tuần hoặc thậm chí vài tháng”, Henrik Elm, Nhà quản lý cung ứng toàn cầu Ikea, cho biết.
Cứ 3 nhà sản xuất tại EU thì có 1 nhà sản xuất cho biết họ bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nguồn cung, theo cuộc khảo sát hàng quý của Ủy ban Châu Âu. Đây cũng là tỷ lệ cao kỷ lục.
Trên bình diện toàn cầu, giá cước cao và tình trạng trì hoãn giao hàng vì thời tiết xấu và đóng cửa cảng biển châu Á do Covid-19 là những vấn đề đang gây lo ngại cho các doanh nghiệp.
Hoạt động vận tải hiện đang là “cơn ác mộng”, trong đó thậm chí “một linh kiện nhỏ từ châu Á có thể mất tới 3 tháng để vận chuyển”, ông Moreau của Temahome cho biết. “Chúng tôi đã vận chuyển 16 container tới Mỹ trong tháng 6-7/2021 và tới tháng 8, chúng vẫn chưa tới nơi. Thời gian giao hàng tới Mỹ đã tăng gấp đôi”.
Cước vận tải container tăng vọt
|
Chi phí vận tải cũng tăng mạnh. Tuyến đường giữa Trung Quốc và châu Âu, giá cước đã tăng gần 7 lần so với tháng 8/2020, theo dữ liệu từ Freightos.
Để giải quyết vấn đề trên, Ikea cho biết đã chuyển một phần sang vận chuyển bằng đường sắt. “Chúng tôi sẽ sử dụng đường sắt để vận chuyển từ Trung Quốc cho tới châu Âu để giải phóng công suất vận container và dùng công suất đó để vận chuyển thêm hàng sang Mỹ”, Công ty này cho biết.
Trong khi đó, ở Mỹ, nguồn cung gỗ xẻ thường được vận chuyển bằng xe tải qua các bang miền nam, nhưng hoạt động vận tải đã bị gián đoạn bởi cơn bão Ida trong tuần trước.
Tuy nhiên, giá gỗ xẻ toàn cầu đã giảm một nửa so với mức cao kỷ lục mà họ đạt được vào tháng 5, mặc dù vẫn cao hơn trước đại dịch. Các ngành khác thì kém may mắn hơn.
Tỷ lệ doanh nghiệp thiếu nguyên vật liệu ở từng ngành
|
Gần một nửa các nhà sản xuất cao su, máy móc và máy tính của EU và hầu hết các nhà sản xuất thiết bị điện đều ghi nhận tình trạng thiếu nguồn cung. Gần 60% các nhà sản xuất ô tô vẫn bị ảnh hưởng vì tình trạng thiếu chip.
Tại Đức, hoạt động sản xuất xe hơi đã giảm hơn 30% so với trước dịch Covid-19. Volkswagen lên kế hoạch tăng ca để giải quyết đơn hàng tồn đọng. Tuy nhiên, những đợt bùng phát biến thể Delta tại châu Á đã khiến các cảng và cơ sở sản xuất chất bán dẫn ở đó phải đóng cửa, từ đó gây cản trở kế hoạch của Volkswagen. Đó là một vấn đề chung trong toàn ngành xe hơi.
Matteo Tiraboschi, Phó Chủ tịch điều hành của công ty sản xuất hệ thống phanh xe hơi Brembo tại Ý, cho biết: “Nếu cần đặt hàng từ châu Á thì container lại không sẵn có để vận chuyển và điều này rõ ràng đang tạo ra khó khăn”. Tuy nhiên, Brembo ít bị tác động hơn các doanh nghiệp khác vì họ nhập một phần nguồn cung từ trong nước.
Trong khi đó, những công ty khác đang phải tìm cách để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Một cuộc khảo sát doanh nghiệp Đức của DIHK cho thấy 83% doanh nghiệp đều đề cập tới các vấn đề như giá nguyên liệu thô, sản phẩm trung gian và hàng hóa tăng mạnh và thời gian giao hàng bị trì hoãn trong tháng 8/2021.
Tình trạng này gây ra hậu quả kinh tế lớn hơn. Việc thiếu các nguyên vật liệu đầu vào đối với các công ty như Temahome đã kìm hãm xuất khẩu và tác động tiêu cực tới tăng trưởng khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Temahome bán hàng tới hơn 45 quốc gia trên thế giới.
Trong khi đó, khoảng cách giữa đơn đặt hàng và sản lượng sản xuất chạm mức cao nhất trong tháng 9/2021, theo cuộc khát PMI của IHS Markit. Điều này càng gây thêm áp lực lạm phát. Trong tháng 7/2021, chỉ số giá sản xuất (PPI) tại Eurozone tăng 12% so với cùng kỳ, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2001. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chạm mức đỉnh 3% trong tháng 8/2021.
Khi nào tình trạng gián đoạn cung ứng được giải quyết vẫn còn là câu hỏi mở và mỗi ngành cũng mỗi khác. Hãng xe VW tin rằng nguồn cung chip máy tính “vẫn còn rất biến động và thiếu hụt” cho tới hết quý 3/2021.
Trong khi đó, Ana Boata – Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô tại công ty bảo hiểm tín dụng Euler Hermes – tin rằng đến năm 2023, mọi thứ mới trở lại bình thường hoàn toàn. Theo Ana, điều này là kết quả của việc thiếu đầu tư cho mảng vận tải hàng hải trong 10 năm qua.
Morten Engelstoft, Tổng Giám đốc tại APM Terminals, cũng cảnh báo đà tăng mạnh của nhu cầu đang tạo ra “một vòng quay lẩn quẩn” và chỉ có cách hạ nhiệt nhu cầu mới có thể xoa dịu tình trạng gián đoạn.
Tỷ lệ nhà máy ghi nhận thiếu nguyên vật liệu trong tháng 8/2021
|
“Chúng ta vẫn còn chưa biết chuỗi cung ứng và đại dịch Covid-19 sẽ diễn biến ra sao, nhất là ở Trung Quốc, châu Âu và Mỹ”, Andreas Möller, phát ngôn viên của công ty sản xuất công cụ máy móc và công nghệ laser Trumpf tại Đức, cho hay. “Cả hai yếu tố này đang là gót chân achilles của chúng tôi”.
Vũ Hạo (Theo Financial Times)
FILI
|