Tòa án Mỹ không công nhận bằng sáng chế từ AI
Hàng loạt đơn đăng ký bằng sáng chế của AI (trí tuệ nhân tạo) bị bác bỏ vì tòa án Mỹ không thể công nhận máy tính là nhà phát minh như con người.
Có thể xem AI là nhà phát minh hay không?
|
Theo Bloomberg, Giáo sư Ryan Abbot thuộc Đại học Surrey (Anh) đã khởi động một dự án đặc biệt để giành quyền phát minh cho máy tính trên toàn thế giới. Nhóm của Abbot nhờ Stephen Thaler - người sáng lập công ty Imagination Engines tạo ra cỗ máy tên DABUS với mục đích chính là phát minh. Đến thời điểm hiện tại, phát minh của DABUS bao gồm một loại chai đựng nước và một thiết bị có khả năng tăng cường sự chú ý của người dùng. Sau đó, nhóm của Abbot nộp đơn xin cấp bằng sáng chế ở 17 khu vực pháp lý trên thế giới, trên đơn ghi DABUS là nhà phát minh.
Nỗ lực của Giáo sư Abbot được tòa án ở Nam Phi và Úc ủng hộ, nhưng văn phòng cấp bằng sáng chế tại Úc đang phản đối quyết định này. Còn ở Mỹ, thẩm phán Leonie Brinkema ở Alexandria, Virginia ra phán quyết rằng máy tính AI không thể được xem là "nhà phát minh" trên bằng sáng chế, dựa trên nội dung của đạo luật Sáng chế. Tòa phúc thẩm liên bang Mỹ cũng chỉ công nhận bằng sáng chế khi nhà phát minh là con người.
Văn phòng bằng sáng chế của Mỹ cũng từ chối đơn xin cấp bằng của Abbot. Cơ quan này cho rằng AI chưa đủ trình độ để trở thành nhà phát minh. Kate Gaudry - luật sư của công ty luật Kilpatrick Townsend & Stocktoncho cho biết Quốc hội Mỹ thậm chí còn không xem xét vấn đề này trong quá trình đại tu hệ thống bằng sáng chế năm 2011, vì những gì Abbot đề xuất nằm ngoài dự kiến của họ.
Nhóm của Abbott đang kháng cáo các quyết định của cơ quan cấp bằng sáng chế ở Mỹ, Anh và châu Âu nói chung. Giáo sư thuộc Đại học Surrey cho rằng AI đáp ứng đủ tiêu chuẩn trong đạo luật Sáng chế để được xem là nhà phát minh.
Hệ thống AI có thể bắt chước hoạt động trí óc của con người nhưng với tốc độ vượt trội hơn, hứa hẹn sẽ mở ra tương lai trong nhiều lĩnh vực, từ nghiên cứu dược phẩm cho đến xe tự lái.
Mai Anh
Thanh niên
|