CNN: Mua sắm trực tuyến không còn miễn nhiễm với lạm phát
Xu hướng tăng giá hàng hóa giờ đã lấn sang cả mua sắm trực tuyến – một thị trường đã từng miễn nhiễm với lạm phát.
Thị trường thương mại điện tử từ lâu gần như miễn nhiễm với áp lực lạm phát. Trong giai đoạn từ 2015 – 2019, giá cả mua sắm trực tuyến trung bình qua mỗi năm đều giảm. Thế nhưng, đại dịch Covid-19 đã chấm dứt xu hướng từng được đáng cậy một thời đó.
Trong tháng 7/2021, giá cả mua sắm trực truyến tăng 3.1% so với cùng kỳ năm 2020, theo báo cáo gần đây của Tập đoàn công nghệ Adobe. Trong số 18 nhóm mặt hàng được đưa vào phân tích trong Chỉ số kinh tế số (DEI) của Adobe, 6 nhóm mặt hàng có xu hướng tăng giá trong tháng 7/2021. Trong số đó, giá quần áo, thuốc không kê đơn và sản phẩm thể thao tăng mạnh hơn.
Ông Austan Goolsbee, cựu Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng thời Chính quyền Obama, người đã giúp Adobe phát triển DEI, phát biểu trên kênh CNN: “Trước đại dịch tôi không hề nghĩ có tình trạng lạm phát trên thị trường thương mại điện tử mà chỉ có xu hướng giảm giá”.
Đây không phải là vấn đề chỉ xảy ra trong tháng 7 năm nay. Giá cả mua sắm qua mạng đã sớm rục rịch tăng sau khi đai dịch bùng phát hồi tháng 3/2020 và xu hướng đó vẫn tiếp diễn.
Theo phân tích của Adobe, giá cả hàng online đã tăng 2.3% trong giai đoạn 12 tháng tính đến kết thúc tháng 6/2021. Đà tăng tiếp tục diễn ra từ tháng 7 với mức tăng 3.1% so với cùng kỳ năm 2020.
Sự gia tăng này đã làm thay đổi hoàn toàn xu hướng lịch sử trước đại dịch. Trong giai đoạn từ 2015 – 2029, giá cả mua sắm trực tuyến đã giảm trung bình 3.9%/năm.
Tại sao xu hướng tăng này lại quan trọng?
Theo ông Goolsbee, tình trạng lạm phát nóng hơn trên thị trường internet có thể cho thấy rằng các báo cáo lạm phát hàng tháng sắp tới của Chính phủ Mỹ không có dấu hiệu giảm nhiệt.
Ông nói: “Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cần theo dõi sát những gì đang diễn ra trên thị trường trực tuyến”. Dù vậy, vị cựu Cố vấn Nhà trắng này cũng cho biết ông vẫn theo nhóm “tạm thời” khi tranh luận về lạm phát.
Giá cả trên thị trường thương mại điện tử giảm thường được xem là lý do chính để kéo lạm phát về mức bình thường. Chính vì thế, lạm phát giá mua sắm trực tuyến hiện đang là một vấn đề lớn.
Mua hàng qua mạng lâu nay thường rẻ hơn mua sắm tại cửa hàng. Thông qua các website mua bán hàng online, người mua có thể dễ dàng so sánh giá và chọn mua mặt hàng có mức giá tốt nhất. Trên thị trường này, người tiêu dùng thậm chí vẫn săn được hàng hiệu mà không cần phải rời khỏi ghế sofa của họ.
Theo báo cáo của Adobe, trong tháng 7/2021, giá quần áo tăng 15.3%; thuốc không kê đơn tăng 5.7%; đồ thể thao tăng 3.5%. Một số nhóm mặt hàng khác có khuynh hướng giảm như giá mua sắm máy tính giảm 7%; đồ chơi giảm 4% và đồ dùng văn phòng giảm 2.5%.
Dù vậy, đối với những nhóm mặt hàng nằm trong vùng giảm, xu hướng giảm lại không diễn ra nhanh như trước đây. Theo Adobe, giá cả mua sắm qua mạng các sản phẩm điện tử chỉ giảm 2% trong giai đoạn 12 tính đến hết tháng 7/2021. Trong giai đoạn từ 2015-2019, giá mặt hàng này đã giảm trung bình 9%/năm.
Adobe tiến hành theo dõi giá cả mua sắm trực tuyến từ năm 2014 nhưng chỉ mới bắt đầu công bố số liệu về lạm phát thương mại điện tử trong tháng 7 năm nay. Trước đây, gã khổng lồ công nghệ này chỉ chia sẻ dữ liệu này cho các cơ quan, đơn vị nhà nước.
“Giá cả mọi thứ đang tăng”
Vì sao lạm phát lại xâm nhập vào thị trường mua sắm online?
Đầu tiên, đừng nên bỏ qua khía cạnh thương mại điện tử. Sẽ hữu ích hơn cho việc đánh giá tình trạng lạm phát chung khi xem xét thêm giá cả online.
Ông Goolsebee cho rằng: “Giá cả mọi thứ đang tăng”.
Theo báo cáo của Chính phủ Mỹ, lạm phát bao gồm cả mua sắm trực tuyến gần đây đang rất nóng. Giá cả tiêu dùng tại Mỹ tăng 5.4% trong giai đoạn 12 tháng tính đến hết tháng 7/2021. Mức tăng này tương ứng với hồi tháng 6/2021- tháng có mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2008.
Kế đến, Adobe cho rằng, nguyên nhân dẫn đến lạm phát giá online là do những nút thắt trong chuỗi cung ứng. Đây cũng chính là nguyên nhân làm trì hoãn việc giao lô các hàng đồ nội thất và gây ra tình trạng thiếu hụt mọi thứ từ thép, gỗ xẻ cho đến chip máy tính trong những tháng gần đây. Sau trận càn quét của đại dịch Covid-19, khả năng cung đáp ứng cầu tăng cao đang gặp khó khăn nghiêm trọng.
Mặt cầu cũng là một vấn đề khác được đề cập đến trong lạm phát trên thị trường thương mại điện tử. Đại dịch đã khiến các cửa hàng truyền thống phải đóng cửa và nhiều người ngại đến các cửa hàng tạp hóa để mua sắm. Chính điều này đã thúc đẩy nhu cầu mua sắm trực tuyến – hình thức mua sắm từng tăng trưởng khá lâu trước đại dịch– càng tăng cao hơn.
Trò chơi đổ lỗi
Chủ tịch Fed Jerome Powell đã liên tục cho rằng lạm phát chỉ diễn ra "tạm thời" và sẽ giảm nhiệt khi nền kinh tế Mỹ mở cửa trở lại. Ông đề cập đến việc giá gỗ xẻ tăng đột ngột rồi giảm mạnh sau đó là một minh chứng. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed cũng thừa nhận rằng Fed cũng như nhiều nhà đầu tư khác có thể dự báo sai và lạm phát có thể kéo dài lâu hơn.
Trong khi đó, các CEO của BlackRock (BLK) và JPMorgan (JPM) gần đây cho rằng họ không nghĩ lạm phát diễn ra tạm thời.
Lạm phát đã trở thành đề tài tranh luận chính trị giữa 2 Đảng của Mỹ. Các thành viên Đảng Cộng hòa đã chỉ trích Đảng Dân chủ về việc tăng giá của hàng tạp hóa và đồ dùng học tập.
Ông Tom Emmers, Chủ tịch Ủy ban Quốc hội Đảng Cộng hòa Quốc gia (NRCC), gần đây cho rằng: “Các chính sách kinh tế liều lĩnh của Đảng Dân chủ đã khiến giá cả hàng loạt mặt hàng tăng mạnh. Sự gia tăng này đang khiến các bậc phụ huynh trên khắp cả nước như đang ngồi trên đống lửa khi con cái họ sắp bước vào năm học mới”.
Tuy nhiên, CNN trước đây từng đưa tin rằng, việc xem các gói kích thích Covid-19 là nguyên nhân duy nhất khiến giá cả tăng là một sai lầm.
Ông Goolsbee đã bác bỏ những chỉ trích về lạm phát và vẫn tin rằng giá cả sẽ sớm giảm nhiệt.
“Những người theo khuynh hướng lạm phát thường có một vấn đề là mỗi khi Chính quyền Đảng Dân chủ đề xuất làm điều gì đó thì họ lại cho rằng nguy cơ siêu lạm phát sắp xảy ra”, cựu thành viên Chính quyền Obama nói khi đề cập đến những cảnh báo tăng giá nhanh do gói kích thích năm 2009 và chương trình Obamacare.
Ông nói: "Họ đã sai lầm một cách có hệ thống hết lần này đến lần khác".
Khai Tâm (Theo CNN)
FILI
|