Ngân hàng Nhà nước nói gì về gói 30.000 tỉ đồng cứu hàng không?
Ngân hàng Nhà nước sẽ “chốt” với các bộ, ngành để trình Chính phủ ban hành quyết định hỗ trợ ưu đãi lãi suất cho ngành hàng không.
Hàng không đang gặp trăm bề khó khăn bởi dịch Covid-19. ĐẬU TIẾN ĐẠT
|
Thông tin trên được Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết tại buổi làm việc với các bộ, ngành liên quan; tổ chức tín dụng và các hãng hàng không diễn ra hôm nay, 28.9.
Nội dung buổi làm việc nhằm tháo gỡ khó khăn liên quan tín dụng cho doanh nghiệp (DN) hàng không. Tại buổi họp, Hiệp hội hàng không đề xuất gói tín dụng khoảng 30.000 tỉ đồng với lãi suất thấp để cứu các hãng bay đang thua lỗ nặng nề, đối mặt nguy cơ phá sản.
Phó thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ, chưa khi nào hàng không lại khó khăn trăm bề như hiện nay. Máy bay phủ bạt ở sân bay, bản thân ông khi đi công tác nhìn cũng vô cùng xót ruột. Hiện tại, Chính phủ đã đưa ra gói tín dụng 4.000 tỉ đồng cho Vietnam Airlines (VNA).
Thống kê của NHNN thì dư nợ tín dụng hiện nay đối với các hãng bay khoảng 24.000 tỉ đồng. Số này chiếm tỷ lệ nhỏ so với dư nợ 9,8 triệu tỉ đồng của toàn nền kinh tế, và so với khoảng 3,5 - 4 triệu tỉ đồng dư nợ các DN đang gặp khó khăn bởi dịch Covid-19.
Tuy nhiên, ông Tú cũng cho rằng, ngành NH cũng là 1 ngành kinh tế, NH cũng là DN và các NH cũng rất khó khăn. “Điều hành vĩ mô của NHNN thời điểm này rất lo lắng, không phải ngay hôm nay mà là trung hạn trong mấy năm tới, khi nền kinh tế 2009 - 2010 do khủng hoảng tài chính tác động một số lĩnh vực, rồi bong bóng bất động sản và chứng khoản để lại nợ xấu 11% tổng dư nợ, NH giải quyết đến bây giờ vẫn chưa xong. Lúc đó, quy mô nền kinh tế có 2,7 triệu tỉ đồng, giờ lên tới 9,8 triệu tỉ đồng. Nếu như không đảm bảo được ổn định vĩ mô, giữ được giá trị đồng tiền, lạm phát vượt lên 7-8% thì bao nhiêu nỗ lực thời gian qua đổ sông đổ biển”, ông Tú nói.
Việc lạm dụng quá chính sách tiền tệ quốc gia, theo ông Tú, sẽ phải trả giá đắt nếu lạm phát không kiểm soát được. Tiền cứ bơm ra thì không ai dám chắc lạm phát có tăng cao trong vài năm tới hay không. Đặc biệt chính sách tiền tệ luôn có độ trễ.
Ngân hàng Nhà nước đồng ý với đề xuất giảm lãi suất, bơm tiền cứu các hãng bay. NGỌC THẮNG
|
Nhìn ở góc độ tích cực hơn, Phó thống đốc NHNN đánh giá hàng không là lĩnh vực vẫn còn nhiều tín hiệu lạc quan. Sau khi hết dịch, bay trở lại thì dòng tiền quay về bù đắp lại rất nhanh. Trong khi một số lĩnh vực kinh tế khác có khi 5 - 7 năm mới gượng dậy được, vì gần như kiệt quệ hết, toàn bộ vốn liếng tài sản đều là tiền vay.
Kết luận phiên họp, ông Tú khẳng định hàng không là lĩnh vực đặc biệt liên quan tới an toàn bay, tới an ninh quốc gia… Do đó, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo tạo điều kiện cho các hãng vay vốn NH. Ông Tú đề nghị các thương mại chủ động cho vay ưu tiên. Nếu việc cơ cấu lại nợ từ nay đến 30.6.2022 mà diễn biến còn khó khăn, thì sẽ tiếp tục điều chỉnh các thông tư để hỗ trợ tiếp.
“Các NH chủ động quyết định mạnh dạn cho các hãng vay tín chấp. Nhu cầu vay vốn hàng không khá lớn để họ hồi phục, nếu cần tăng hạn mức tín dụng, NHNN sẽ nới bổ sung. Sau đây các bộ, ngành và NHNN sẽ phối hợp đề xuất gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho ngành hàng không để trình lên Chính phủ sớm”, ông Tú nói, và cho rằng hàng không bay được thì khả năng hồi phục nhanh, nên thống nhất hỗ trợ lớn. Gói tín dụng 30.000 tỉ đồng đề xuất, cộng với 24.000 tỉ đồng dư nợ hiện tại, theo ông Tú, cũng không phải là quá lớn.
Tiêu Phong
Thanh niên
|