Bài cập nhật
Góc nhìn 15/09: Hạn chế lướt sóng?
Theo MBS, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục dao động trong xu hướng đi ngang trong vùng 1,330-1,350 điểm. Nhà đầu tư hạn chế lướt sóng, tích lũy cổ phiếu được hưởng lợi từ việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.
VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co trong vùng 1,330 – 1,350 điểm
CTCK Yuanta Việt Nam: Thị trường tiếp tục có phiên điều chỉnh với chỉ số VNI-Index đóng cửa giảm 0.13% dừng tại 1,339.7 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 0.34% neo tại 347.86 điểm; Chỉ số Upcom-Index mất 0.26% dừng tại 95.01 điểm. Giá trị giao dịch khớp lệnh sụt giảm so với phiên liền trước khi đạt hơn 22,819 tỷ đồng.
Áp lực bán tiếp tục hiện hữu ở các nhóm ngành như Ngân hàng (CTG (-2%), HDB (-1.6%), ACB (-1.3%), VPB (-1.4%), Chứng khoán (SSI (-2.5%), HCM (-3.4) … Ngược lại, SAB (+2.8%), VRE (+1.4%), MSN (+3.8%) là mã trụ cột hỗ trợ cho chỉ số khỏi nhịp giảm sâu.
Dòng tiền tập trung vào nhóm cô phiếu vốn hoá nhỏ đặc biệt là các mã Bất động sản như TDH, HQC, QCG, VPH, DC4…tăng hết biên độ.
Khối ngoại bán ròng hơn 567 tỷ đồng toàn thị trường trong đó HPG (198 tỷ), VCB (178 tỷ), MSN (90 tỷ) dẫn đầu ở chiều bán ròng. Ở chiều ngược lại, THD (130 tỷ), VIC (51 tỷ), VND (50 tỷ) dẫn đầu ở chiều mua ròng.
Yuanta cho rằng chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co trong vùng 1,330 – 1,350 điểm. Đồng thời, dòng tiền có thể sẽ tiếp tục phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt là nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ vẫn đang thu hút dòng tiền trong bối cảnh dòng tiền chưa sẵn sàng quay trở lại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý vẫn duy trì trong vùng lạc quan và Yuanta đánh giá rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp cho nên chiến lược thích hợp trong ngắn hạn là nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức TĂNG. Do đó, Yuanta khuyến nghị các NĐT ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu hoặc mua mới.
Nhà đầu tư nên tránh mua đuổi
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): Kết thúc phiên 14/9, VN-Index giảm 1.73 điểm (-0.13%) xuống 1,339.7 điểm. Độ rộng trên sàn HOSE tiêu cực với 212 mã tăng, 48 mã tham chiếu, 239 mã giảm giá. HNX-Index giảm 1.19 điểm (-0.34%) xuống 347.86 điểm. Độ rộng trên sàn HNX là tích cực với 206 mã tăng, 35 mã tham chiếu, 94 mã giảm. Thanh khoản khớp lệnh trên hai sàn trong phiên 14/9 suy giảm so với phiên trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 phiên với khối lượng khối lệnh 857 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị khớp lệnh 21,146 tỷ đồng. Trong phiên 14/9, hầu hết các nhóm ngành chủ chốt trên thị trường như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, khu công nghiệp, dầu khí, thép, dược phẩm… đều giảm. Tuy nhiên, vẫn có một số Bluechips giữ vững đà tăng, có thể kể tới GAS (+0.5%), FPT (+0.9%), MSN (+3.8%), REE (+0.6%), VCB (+0.2%), BHN (+6.9%), SAB (+2.8%), HVN (+6.9%), VRE (+1.4%), GVR (+0.8%)… giúp cho thị trường chỉ giảm nhẹ. Dòng tiền đầu cơ tiếp tục tìm đến nhóm cổ phiếu có liên quan tới công ty Louis, tất cả cổ phiếu như TGG (+7%), BII (+9.8%), SMT (+9.9%), APG (+7%), DDV (+14.9%) đều đóng cửa ở mức giá trần và trắng bên bán. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu than giao dịch rất tích cực; trong đó có 6/8 cổ phiếu tăng trần là TDN, THT, TC6, HLC, MDC, TVD.
Phiên giao dịch 14/9 có diễn biến khá giống với phiên giao dịch trước đó với việc các chỉ số đều tăng điểm trong phần lớn thời gian nhưng áp lực bán về chiều khiến các chỉ số này đống loạt giảm nhẹ. Thanh khoản phiên 14/9 suy giảm so với phiên trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy áp lực bán trên thị trường đã có sự suy giảm. Khối ngoại bán ròng phiên thứ 13 liên tiếp trên hai sàn với khoảng 600 tỷ đồng cũng phần nào tạo áp lực lên thị trường. Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đang trong khoảng giằng co và sẽ cần sự bứt phá trong thời gian tới để bắt đầu một xu hướng mới. Dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 15/9, VN-Index có thể tiếp tục biến động giằng co với ngưỡng kháng cự gần nhất quanh 1,350 điểm và vùng hỗ trợ trong khoảng 1,325-1,335 điểm (MA20-50). Những nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể tiếp tục canh những phiên hồi kỹ thuật để giảm tỷ trọng. Nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao tiếp tục đứng ngoài và quan sát thị trường, tránh mua đuổi ở thời điểm hiện tại.
VN-Index đang trong xu hướng đi ngang quanh vùng 1,330 – 1,350 điểm
CTCK Tân Việt (TVSI): VN-Index giảm 1.73 điểm tương ứng mức giảm 0.13% so với phiên giao dịch trước đó. Thị trường phiên 14/9 giao dịch vẫn nghiêng về số mã tăng điểm. Tổng 3 sàn có 513 mã xanh so với 460 mã đỏ. Thanh khoản giao dịch khớp lệnh thị trường phiên 14/9 lại giảm trở lại so với mức bình quân và chỉ đạt giá trị 18,006 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 692.21 triệu cổ phiếu giảm gần 10% so với phiên giao dịch 13/9 và ngang bằng mức bình quân giao dịch 10 phiên.
VN-Index tạo cây nến pinbar giảm điểm thứ ba liên tiếp đi kèm khối lượng giao dịch giảm trở lại cho thấy mặc dù lực bán vẫn đang mạnh nhưng đà bán đã suy yếu. Thị trường giảm điểm phiên giao dịch 14/9 vẫn chủ yếu tập trung tại nhóm cổ phiếu VN30 và đặc biệt là ở nhóm ngân hàng. Điểm tiêu cực của thị trường vẫn là việc nhóm dẫn dắt đà tăng mạnh giai đoạn trước đó là ngân hàng và chứng khoán đang đồng thuận giảm điểm trong các phiên gần đây, đi kèm đà giảm của các mã vốn hóa lớn tạo tâm lý rất xấu về mặt chỉ số. Tuy nhiên, thị trường vẫn có nhiếu nhóm ngành vẫn duy trì đà tăng điểm tích cực hay đang có tín hiệu tăng giá trở lại sau các nhịp điều chỉnh ngắn. TVSI cho rằng thị trường vẫn đang trong xu thế đi ngang vùng biên độ 1,330 – 1,350 điểm và nhóm cổ phiếu nên tập trung vẫn là nhóm cổ phiếu midcaps.
TVSI đánh giá rằng VN-Index vẫn tiếp tục xu hướng tăng giá trong trung và dài hạn. Trong ngắn hạn, VN-Index đang trong xu hướng đi ngang quanh vùng biên độ 1,330 – 1,350 điểm..
Có thể xuất hiện nhịp hồi nhẹ nhờ lực cầu bắt đáy
CTCK Agribank (Agriseco): Thị trường duy trì sắc xanh trong phiên sáng, tuy nhiên mốc 1,350 điểm đang cho thấy đây là vùng cản khá khó khăn của chỉ số khi áp lực nguồn cung một lần nữa xuất hiện quanh vùng giá này. Nhóm dẫn dắt gồm ngân hàng, chứng khoán, thép là tâm điểm của áp lực bán phiên 14/9; thống kê cho thấy trong 10 mã tác động tiêu cực nhất lên chỉ số thì có 06 mã ngành ngân hàng. Trên đồ thị ngày xuất hiện 3 cây nến đỏ thân hẹp, cùng với đó chỉ số đang đi sát theo đường MA20 và mức thanh khoản khá thấp, báo hiệu xu hướng tích lũy trong ngắn hạn sẽ tiếp diễn. Agriseco Research nhận định phiên 15/9 có thể xuất hiện nhịp hồi nhẹ nhờ lực cầu bắt đáy quanh đường hỗ trợ MA20. Ngoài ra, thị trường trong các phiên cuối tuần cũng được kỳ vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ dòng vốn ngoại khi kỳ review các chỉ số ETF kết thúc. Nhà đầu tư có thể kiên trì nắm giữ cổ phiếu, đối với những mã có triển vọng lợi nhuận tăng trưởng trong Quý III như bất động sản, cảng biển, khu công nghiệp có thể giải ngân thêm tại các nhịp điều chỉnh.
Có quán tính giảm điểm
CTCK Asean (Aseansc): Thị trường phiên 14/09 vẫn chưa thoát khỏi xu hướng đi ngang tích lũy trong ngắn hạn, khi đóng cửa giảm nhẹ với thanh khoản ở mức trung bình. Phiên 14/09 cũng chứng kiến sự suy yếu của nhiều nhóm cổ phiếu như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, xây dựng, điện,… Aseansc dự báo trong phiên giao dịch 15/09 tới, VN-Index có thể sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1,330-1,335 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1,320-1,325 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Nhà đầu tư đang giao dịch khá thận trọng
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Xu hướng giao dịch giằng co tiếp tục trong phiên 14/09 với kết quả điều chỉnh nhẹ vào cuối phiên. Dòng tiền đầu tư co cụm vào 1 số ngành nhất định khi chỉ có 6/19 nhóm ngành tăng điểm so với phiên 13/09. Các ngành hạn chế đà giảm của thị trường là: Du lịch giải trí (Hàng không), Thực phẩm và đồ uống, Công nghệ thông tin. Độ rộng thị trường duy trì trạng thái tiêu cực với thanh khoản suy giảm so với phiên trước. Trong khi đó, khối ngoại bán ròng tại sàn HOSE và mua ròng tại sàn HNX. Thanh khoản suy yếu cùng với việc VN-Index vận động trong biên độ hẹp cho thấy các nhà đầu tư đang giao dịch khá thận trọng khi hợp đồng tương lai tháng 9 đáo hạn vào ngày 16/09 và các quỹ ETF cơ cấu lại danh mục.
Tiếp tục duy trì vị thế trung hạn
CTCK KB Việt Nam (KBSV): VN-Index trải qua nhịp hồi phục đầu phiên trước khi suy yếu và đảo chiều giảm điểm giằng co về cuối phiên 14/09. Thanh khoản có phần gia tăng trong hai phiên giảm điểm, cho thấy áp lực phân phối và rủi ro xuất hiện nhịp điều chỉnh sâu hơn trong các phiên tới kể từ 15/09. Mặc dù vậy, tín hiệu phân phối mạnh chưa xuất hiện và cơ hội có thêm nhịp hồi phục sau đó của chỉ số vẫn được duy trì chừng nào điểm đỡ quan trọng quanh 1,320 (+-5) vẫn được giữ vững.
KBSV khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục duy trì vị thế trung hạn và linh hoạt áp dụng chiến lược trading 2 chiều cho 1 phần nhỏ tỷ trọng, mua khi chỉ số giảm về hỗ trợ và bán khi chỉ số tăng chạm kháng cự.
Điểm số kỹ thuật suy giảm dần
CTCK Mirae Asset: Tiếp diễn xu hướng gần đây, phiên 14/09 VN-Index chứng kiến nhóm cổ phiếu Mid & Penny tiếp tục điều chỉnh sâu so với thị trường. Trong khi đó, nhờ vào một số cổ phiếu Blue chip như 3 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất là VCB, VHM, VIC đóng cửa ở mức tham chiếu, hay SAB (tăng 2.8%) và MSN (tăng 3.8%) đã giúp thị trường có phiên giao dịch gần như đi ngang.
Phiên giao dịch giảm nhẹ khiến các điểm số kỹ thuật suy giảm dần. Điểm số kỹ thuật theo thang điểm của Mirae Asset đang ở mức +4 (Khả quan).
Hạn chế lướt sóng
CTCK MB (MBS): Thị trường chứng khoán trong nước điều chỉnh sang phiên thứ 2 liên tiếp với cùng kịch bản yếu dần về cuối phiên 14/09. Dòng tiền ở nhóm VN30 trong xu hướng giảm ở mức thấp kể từ đầu năm, trong khi đó nhóm smallcap tiếp tục tìm đỉnh cao mới.
Thị trường vẫn dao động đi ngang nhưng phần lớn cổ phiếu bị thiệt hại, đặc biệt ở nhóm bluechips. Ngược dòng thị trường là nhóm smallcap vẫn đang đi tìm đỉnh cao mới, dòng tiền đầu cơ ở nhóm này vẫn khá sôi động. Về kỹ thuật, ngưỡng 1,350 điểm cũng là mức hồi về mức cản Fibonacci 61.8% nên thị trường có sự thận trọng. Thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục dao động trong xu hướng đi ngang trong vùng 1,330-1,350 điểm. Nhà đầu tư hạn chế lướt sóng, tích lũy cổ phiếu được hưởng lợi từ việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.
Cân nhắc giảm tỷ trọng
CTCK VCBS: Áp lực bán gia tăng nhanh chóng trên toàn thị trường khi chỉ số không thể vượt qua mốc 1,350 điểm đang cho thấy dòng tiền chưa sẵn sàng nhập cuộc trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ như hiện tại. Dưới góc nhìn kỹ thuật, đường trung bình động 20 ngày (tương ứng vùng điểm 1,330-1,335 điểm) tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ mạnh cho chỉ số trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, một số chỉ báo động lượng đã chững lại đà giảm có thể sẽ kích hoạt nhịp hồi phục của chỉ số trong một vài phiên tới kể từ 15/09.
VCBS tiếp tục bảo lưu quan điểm đã đưa ra ở các phiên trước, theo đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục để bảo vệ thành quả đầu tư và quay trở lại giải ngân khi thị trường chung có diễn biến khởi sắc hơn. Trong khi đó, nhà đầu tư trung - dài hạn vẫn có thể cân nhắc tích lũy dần những cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tốt trong nửa cuối năm 2021 khi giá rơi về mức chiết khấu hợp lý.
Minh Hồng
FILI
|