Góc nhìn 08/09: Thị trường có thể ở trạng thái "xanh vỏ, đỏ lòng"?
Theo MBS, về kỹ thuật, xu hướng phục hồi của thị trường vẫn không thay đổi sau phiên điều chỉnh 07/09, với áp lực chốt lời từ nhóm cổ phiếu smallcap, thị trường có thể ở trạng thái “xanh vỏ, đỏ lòng” trong các phiên sắp tới kể từ 08/09 và ngưỡng thử thách đối với thị trường có thể ở khu vực 1,360 điểm.
Thị trường có thể tiếp tục điều chỉnh?
CTCK Yuanta Việt Nam: Áp lực chốt lời mạnh dần về cuối phiên khiến đà tăng của chỉ số thu hẹp đáng kể . Chỉ số VNI-Index đóng cửa giảm 0.33% dừng tại 1341.9 điểm. Chỉ số HNX-Index ngược chiều tăng 0.25% neo tại 346.48 điểm; Chỉ số Upcom-Index tăng nhẹ dừng tại 94.7 điểm. Giá trị giao dịch khớp lệnh đạt 31,497 tỷ đồng.
Mặc dù tăng điểm nhưng trình trạng phân hoá mạnh vẫn đi kèm. Điểm tích cực là nhóm Ngân hàng diễn biến khởi sắc như TPB (+4.6%), VPB (+3.9%), TCB (+1.4%), CTG (+1.9%), BID (+1.5%)…Ở chiều ngược lại, VRE (-3.2%), PDR (-3.5%), POW (-2.8%), BVH (-2%), GAS (-1.9%)…có sự điều chỉnh đáng chú ý. VN30-Index ghi nhận 17 mã giảm và 11 mã tăng cho thấy số mã giảm chiếm ưu thế trong phiên 7/9.
Áp lực bán cũng xuất hiện ở nhiều nhóm ngành tăng mạnh vừa qua như Dược phẩm (VMD, DMC, DVN), Phân bón (DPM, DCM), Mía đường (SBT, QNS)…
Khối ngoại bán ròng gần 803 tỷ đồng toàn thị trường trong đó VHM (354 tỷ), SSI (247 tỷ), VIC (88 tỷ) dẫn đầu ở chiều bán ròng. Ở chiều ngược lại, họ mua ròng mạnh tại VCB (45 tỷ), MBB (37 tỷ), DCM (32 tỷ).
Yuanta cho rằng thị trường có thể sẽ điều chỉnh ở phiên kế tiếp khi áp lực bán chốt lời ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ tăng lên. Đồng thời, Yuanta cho rằng thị trường điều chỉnh là hợp lý, nhất là nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đang ở trạng thái quá mua. Điểm tích cực là dòng tiền có dấu hiệu dịch chuyển vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cho thấy dòng tiền vẫn chưa có dấu hiệu rút ra khỏi thị trường. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý vẫn trong vùng lạc quan và chưa có dấu hiệu rủi ro cao cho thấy chiến lược ngắn hạn vẫn là tập trung vào xu hướng ở từng cổ phiếu.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức TĂNG. Do đó, Yuanta khuyến nghị các NĐT ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.
Thị trường có thể hồi phục nhưng NĐT nên tránh mua đuổi
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): Thị trường điều chỉnh trong phiên 7/9 với thanh khoản trên mức trung bình. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 4.49 điểm (-0.33%) xuống 1,341.9 điểm; HNX-Index tăng 0.85 điểm (+0.25%) lên 346.48 điểm. Khối lượng khớp lệnh trên hai suy giảm so với phiên trước nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên với 1.018 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị khớp lệnh đạt 29,291 tỷ đồng. Độ rộng thị trường là tiêu cực với 241 mã tăng, 71 mã tham chiếu, 454 mã giảm. Thị trường giao dịch với sắc xanh trong phần lớn thời gian phiên 7/9, nhưng áp lực bán gia tăng từ khoảng 14h trở đi khiến thị trường kết phiên trong sắc đỏ. Nhiều cổ phiếu lớn như BVH (-2%), GAS (-1.9%), FPT (-1.5%), HPG (-1%), MSN (-1%), SAB (-0.3%), VIC (-1.2%), MWG (-0.6%), PNJ (-0.3%), POW (-2.8%), VRE (-3.2%)… đồng loạt giảm đã tác động tiêu cực tới thị trường. Đà giảm cũng lan rộng trên nhiều nhóm ngành như bất động sản, xây dựng, dầu khí, thép, khu công nghiệp, dược phẩm… Điểm sáng phiên 7/9 là nhóm ngân hàng với nhiều mã ngược dòng tăng giá, giúp thị trường không giảm sâu, có thể kể đến như ACB (+1.4%), BID (+1.5%), CTG (+1.9%), EIB (+4.2%), MBB (+1.2%), NVB (+9.7%), HDB (+1.3%), VPB (+3.9%), TCB (+1.4%)… Bên cạnh đó, một số cổ phiếu ngành chứng khoán cũng giao dịch tích cực như VND (+2.8%), VIX (+6.7%), SSI (+0.7%), VCI (+4.9%), HCM (+1.3%), SHS (+3.1%)…
VN-Index (-0.33%) điều chỉnh sau năm phiên hồi phục liên tiếp với thanh khoản khớp lệnh giảm nhẹ so với phiên trước đó nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy áp lực bán ra trong phiên 7/9 là tương đối mạnh. Khối ngoại bán ròng phiên thứ 7 liên tiếp trên hai sàn với hơn 800 tỷ đồng tạo thêm áp lực lên thị trường.
Trên góc nhìn kỹ thuật, với phiên điều chỉnh nhẹ 7/9 và vùng hỗ trợ 1,335-1,340 điểm (MA20-50) vẫn được giữ vững thì khả năng thị trường hồi phục kỹ thuật là vẫn còn. Dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 8/9, VN-Index có thể hồi phục trở lại nếu như vùng hỗ trợ trong khoảng 1,335-1,340 điểm (MA20-50) được giữ vững. Những nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể tiếp tục canh những phiên hồi kỹ thuật để giảm tỷ trọng. Nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao tiếp tục đứng ngoài và quan sát thị trường, tránh mua đuổi ở thời điểm hiện tại.
VN-Index có thể xuất hiện nhịp bứt phá vượt 1,350 điểm
CTCK Ngân hàng Vietcombank (VCBS): VN-Index diễn biến khá tích cực trong ngày, với việc bứt phá lên trên ngưỡng cản tâm lý 1,350 điểm, nhưng lực cung mạnh ngay sau đó đã khiến chỉ số không thể giữ vững mốc này. Dù nhóm cổ phiếu Ngân hàng (VPB, TCB…) đều ghi nhận mức tăng khá tích cực và góp phần lớn vào đà tăng của chỉ số chung nhưng lực cầu trên thị trường vẫn là không đủ mạnh mẽ để giữ lại sắc xanh của VN-Index vào cuối phiên và chỉ số VN-Index đóng cửa giảm 4.49 điểm (-0.33%) về mức 1,341.90, trong khi HNX-Index tăng 0.25% và đạt mức 346.48. Thanh khoản thị trường đạt khoảng 28,800 tỷ VND giá trị giao dịch trên cả ba sàn.
Chỉ số VN-Index giảm điểm nhẹ tuy nhiên vẫn bảo toàn mốc 1,340 điểm cho thấy tâm lý nhà đầu tư không quá bi quan ở thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, một số chỉ số chứng khoán lớn trong khu vực cũng hồi phục tăng điểm tích cực và nhiều khả năng cũng phần nào củng cố tâm lý nhà đầu tư trong những phiên giao dịch sắp tới.
Dưới góc nhìn kỹ thuật, chỉ số vẫn nằm trên đường trung bình động 20 ngày cho thấy đà tăng ngắn hạn tạm thời chưa bị đảo ngược. Do đó, VCBS tiếp tục duy trì quan điểm đưa ra ở những phiên trước, theo đó nhà đầu tư có thể chờ đợi VN-Index xuất hiện nhịp bứt phá vượt 1,350 với thanh khoản tích cực để tìm kiếm cơ hội giải ngân mới, trong đó trọng tâm vẫn là các nhóm ngành thu hút được dòng tiền trong thời gian gần đây như nhóm ngân hàng, bất động sản, dịch vụ tài chính,...
Thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng?
CTCK Tân Việt (TVSI): VN-Index giảm 4.49 điểm tương ứng mức giảm 0.33% so với phiên giao dịch trước đó. Thị trường 7/9 giao dịch nghiêng hẳn về số mã giảm điểm. Tổng 3 sàn có 359 mã xanh so với 602 mã đỏ. Thanh khoản giao dịch khớp lệnh thị trường phiên 7/9 tăng mạnh so với mức bình quân và đạt giá trị 25,732 tỷ đồng, tiếp tục duy trì trên mức bình quân.
VN-Index tạo cây nến Bearish Enguffling giảm điểm nhưng vẫn duy trì thành công trên vùng hỗ trợ MA(20) cho thấy thị trường thuần túy đang gặp áp lực điều chỉnh thông thường sau nhiều phiên tăng giá. Đà giảm điểm đến từ việc chốt lời các mã cổ phiếu midcaps và các nhóm ngành tăng mạnh trong thời gian giao dịch vừa qua. Trong phiên giao dịch 7/9 thị trường thu hẹp đà giảm nhờ lực đỡ của nhóm ngân hàng nhưng việc khối lượng giao dịch không đồng thuận với xu hướng giá cho thấy nhóm ngân hàng chưa xác nhận tăng trở lại. VN-Index vẫn đang trong một xu hướng hồi phục sau khi đã điều chỉnh và tạo đáy ngắn hạn xong với vùng kháng cự ngắn quanh 1,345 – 1,350 điểm chưa thể vượt qua. Hỗ trợ mạnh của thị trường là vùng quanh đáy ngắn hạn khu vực 1,300 điểm. Đường MACD đã cắt lên lại đường tín hiệu, ủng hộ xu hướng tăng giá dự báo vẫn sẽ tiếp tục trong các phiên giao dịch tới.
TVSI đánh giá rằng VN-Index vẫn tiếp tục xu hướng tăng giá trong trung và dài hạn. Trong ngắn hạn, VN-Index đang là một nhịp hồi phục trở lại sau khi xác nhận tạo đáy ngắn hạn quanh vùng 1,300 điểm. Xu hướng chính vẫn là đi ngang vùng biên độ rộng 1,300 – 1,375 điểm..
Có thể giải ngân vào các nhóm ngành ít bị ảnh hưởng dịch bệnh
CTCK Agribank (Agriseco): VN-Index tiếp tục xu hướng tăng với sự hồi phục của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giảm sâu trước đó. Thanh khoản tăng cao đồng thuận với sự lan tỏa tăng giá trên đa số các nhóm ngành, tâm lý thị trưởng hưng phấn. Hỗ trợ ngắn hạn của VN-Index ở 1,300 điểm và kháng cự ở vùng 1,400 điểm. Đa số các cổ phiếu vốn hóa lớn đã có nhíp điều chỉnh sâu và tiếp cận vùng hỗ trợ, nếu các cổ phiếu này chuyển sang nhịp hồi phục kỹ thuật thì sẽ có đóng góp đáng kể vào điểm số của VN-Index trong ngắn hạn. Bên cạnh đó các nhóm ngành được dự báo tăng trưởng như thép, vật liệu xây dựng, cảng biển, chứng khoán... sẽ là động lực chính cho VN-Index đạt mốc 1,400 điểm ngay trong tháng 9/2021.
Đối với danh mục trung dài hạn có thể giải ngân vào các nhóm ngành ít bị ảnh hưởng dịch bệnh và có kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ chính sách kích thích kinh tế như cảng biển và vận tải biển, thép và vật liệu xây dựng, công nghệ, hóa chất...
Áp lực chốt lời có thể khiến chỉ số VN-Index quay đầu giảm điểm
CTCK Asean (Aseansc): Áp lực bán tăng mạnh đã khiến chỉ số VN-Index quay đầu giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 07/09, kết thúc chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp. Nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ tăng nóng những phiên gần đây cũng đã quay đầu giảm giá. Trong khi đó, nhóm ngân hàng vẫn tăng khá tốt và là lực kéo giúp thị trường không giảm quá sâu.
Aseansc dự báo trong phiên giao dịch 08/09 tới, áp lực chốt lời có thể khiến chỉ số VN-Index quay đầu giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1,335-1,340 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1,325-1,330 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Duy trì nhịp tích lũy quanh ngưỡng 1,350 điểm
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Sau phiên bứt phá 06/09, thị trường giao dịch giằng co trong hầu hết cả ngày và điều chỉnh nhẹ vào cuối phiên 07/09. Dòng tiền đầu tư thoát khỏi thị trường khi chỉ có 3/19 nhóm ngành tăng điểm so với phiên trước. Các ngành hạn chế đà giảm của thị trường là Ngân hàng, Dịch vụ tài chính, Du lịch và giải trí. Độ rộng thị trường chuyển sang trạng thái tiêu cực với thanh khoản giảm nhẹ so với phiên trước cho thấy tâm lý cẩn trọng trước ngưỡng kháng cự 1,350 điểm. Trong khi đó, khối ngoại bán ròng mạnh tại sàn HOSE trong khi mua ròng tại sàn HNX. Phiên điều chỉnh nhẹ 07/09 có thể khiến thị trường duy trì nhịp tích lũy quanh ngưỡng 1,350 điểm trong ngắn hạn.
Thị trường có thể ở trạng thái “xanh vỏ, đỏ lòng”
CTCK MB (MBS): Thị trường chứng khoán trong nước có phiên điều chỉnh sau chuỗi tăng 5 phiên liên tiếp dưới áp lực chốt lời từ nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, dòng tiền có sự dịch chuyển sang nhóm bluechips, trong đó nổi bật là nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Thanh khoản thị trường giảm so với phiên 06/09 nhưng vẫn ở mức cao, giá trị khớp lệnh ở sàn HOSE đạt 25,732 tỷ đồng. Sau kỳ nghỉ lễ dài ngày, thị trường trở lai giao dịch với mức thanh khoản khá cao, bình quân mỗi phiên đạt 26,000 tỷ đồng so với mức 20,800 tỷ đồng ở tuần trước kỳ nghỉ lễ.
Thị trường có sự dịch chuyển dòng tiền từ nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ sang nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán,… sau chuỗi tăng dài ngày từ nhóm cổ phiếu này. Nhóm cổ phiếu ngân hàng có dấu hiệu tạo đáy thành công và đã giảm bình quân khoảng 15% kể từ đỉnh trong khi nhóm midcap và smallcap đều đã vượt đỉnh, trong đó đặc biệt là nhóm smallcap đã vượt đỉnh khá xa. Về kỹ thuật, xu hướng phục hồi của thị trường vẫn không thay đổi sau phiên điều chỉnh 07/09, với áp lực chốt lời từ nhóm cổ phiếu smallcap, thị trường có thể ở trạng thái “xanh vỏ, đỏ lòng” trong các phiên sắp tới kể từ 08/09 và ngưỡng thử thách đối với thị trường có thể ở khu vực 1,360 điểm.
Tránh mua đuổi
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Trên góc nhìn kỹ thuật, với phiên điều chỉnh nhẹ 07/09 và vùng hỗ trợ 1,335-1,340 điểm (MA20-50) vẫn được giữ vững thì khả năng thị trường hồi phục kỹ thuật là vẫn còn. SHS dự báo trong phiên giao dịch tiếp theo 08/09, VN-Index có thể hồi phục trở lại nếu như vùng hỗ trợ trong khoảng 1,335-1,340 điểm (MA20-50) được giữ vững. Những nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể tiếp tục canh những phiên hồi kỹ thuật để giảm tỷ trọng. Nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao tiếp tục đứng ngoài và quan sát thị trường, tránh mua đuổi ở thời điểm hiện tại.
Vẫn ở mức trung tính
CTCK Mirae Asset: Nếu như phiên 06/09 chứng kiến sự thăng hoa của nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, thì phiên 0709 phần lớn các cổ phiếu này đã “trả lại” cho thị trường. Diễn biến trong phiên của VN-Index chủ yếu nằm trong vùng xanh quanh mốc tham chiếu, tuy nhiên bị ảnh hưởng chủ yếu từ nhóm Ngân hàng, khi gần như tất cả cổ phiếu nhóm này đều dậy sóng và kéo thị trường tránh một phiên giảm sâu.
Diễn biến đáng chú ý nhất phiên 07/09 trái ngược hoàn toàn với phiên 06/09 khi ghi nhận 294 mã giảm và 125 mã tăng. Ngoại trừ nhóm Ngân hàng và Chứng khoán ngược dòng thị trường, các nhóm ngành còn lại đều giảm điểm: ở mức tương đối có Bất động sản, Thép, ở mức sâu có Dầu khí, Thủy sản và Xây dựng. Khối ngoại tăng đà bán ròng với giá trị gần 800 tỷ, trong đó VHM (353 tỷ) và SSI (247 tỷ) bị bán mạnh nhất. Phiên giao dịch 07/09 giảm nhẹ khiến các điểm số kỹ thuật đi ngang. Điểm số kỹ thuật theo thang điểm của Mirae Asset đang ở mức +2 (trung tính).
Minh Hồng
FILI
|