Doanh nghiệp TP.HCM nóng lòng chờ mở cửa sau ngày 15/9
Các doanh nghiệp tại TP.HCM đang gấp rút chuẩn bị kế hoạch từng bước tái khởi động sản xuất kinh doanh sau khoảng thời gian “đóng băng” hơn 100 ngày.
Chiều 10/9, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị tiếp thu ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp, hoàn thiện dự thảo kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế sau 15/9.
Chủ tịch UBND TP nhận định mục tiêu vừa chống dịch hiệu quả, kịp thời vừa nhanh chóng khôi phục kinh tế là bài toán khó, đòi hỏi lãnh đạo, chính quyền TP phải tập trung nghiên cứu và đưa ra nhiều giải pháp phù hợp.
Trao đổi với chúng tôi, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp TP.HCM cho rằng ngày 15/9 được xem là điểm giới hạn của cả người dân lẫn các doanh nghiệp.
Ông Dũng cho rằng ngày 15/9 là thời điểm phù hợp để TP.HCM từng bước "mở cửa" trở lại bởi lúc này nhận thức của người dân, doanh nghiệp về việc phòng chống dịch Covid-19 đã được nâng cao. "Đồng thời, việc gấp rút phủ 2 mũi vaccine cũng dần tạo được sức phòng vệ với virus cho người dân", ông chia sẻ.
Các doanh nghiệp mong chờ đến ngày 15/9 để được tái hoạt động sản xuất. Ảnh: Thạch Thảo.
|
Doanh nghiệp không thể chờ mãi
Ngoài ra, theo lãnh đạo HUBA, năng lực hệ thống y tế của thành phố được củng cố liên tục trong thời gian qua cũng là cơ sở để TP.HCM dần mở cửa trở lại.
"Đặc biệt, đối với doanh nghiệp, việc sản xuất trong quý IV là một thị trường khác biệt với 3 quý trước. Do đó việc cho phép mở cửa, tái hoạt động sản xuất sau 15/9 như chiếc phao cứu doanh nghiệp, nếu để chậm sẽ mất cơ hội", ông nhận định.
Ông Dũng cho biết hiện các doanh nghiệp đang bắt tay vào xây dựng kế hoạch phục hồi. "Về nguồn lao động, bên cạnh đẩy mạnh tiêm đủ 2 mũi vaccine cho người lao động, cũng phải tìm cách đưa người lao động đã về các địa phương trở lại làm việc", ông nói.
Đồng thời các doanh nghiệp cũng đang gấp rút xây dựng phương án sản xuất an toàn, xây dựng các kịch bản từng giai đoạn, số lượng lao động, cách thức hoạt động như thế nào. Song song với đó cũng phải tìm cách huy động nguồn vốn khi nguồn lực này dần cạn kiệt.
Tuy nhiên ông Dũng cho rằng hiện nay nền tảng công nghệ xác nhận đã tiêm vaccine chưa đồng bộ, cập nhật đủ sẽ khiến công tác cấp thẻ xanh vaccine trước 15/9 gặp khó.
Doanh nghiệp đang gấp rút hoàn thành mũi 2 vaccine cho người lao động. Ảnh: Duy Hiệu.
|
"Nhiều người đã tiêm mũi 2 nhưng sổ sức khoẻ điện tử mới cập nhật mũi 1, thậm chí chưa cập nhật. Chưa kể nhiều F0 tự chữa tại nhà cũng rất khó để có giấy tờ chứng minh bản thân đã nhiễm Covid-19 và khỏi bệnh", ông Dũng nêu vấn đề.
Chính vì vậy, theo lãnh đạo HUBA, thời gian tới có khả năng người dân TP.HCM sẽ đổ xô đi xét nghiệm kháng thể Covid-19. Do đó người dân và chính quyền cần lường trước được vấn đề này.
Về nguyên tắc cơ bản, ông Dũng cho biết các doanh nghiệp được hoạt động sau ngày 15/9 phải đáp ứng được yêu cầu ở trong vùng xanh, là doanh nghiệp xanh và có người lao động xanh.
Mở lại từng bước
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP may Sài Gòn 3, Chủ tịch Hiệp Hội Dệt may thêu đan TP.HCM - cũng cho biết hiện nay các doanh nghiệp dệt may đang rất mong chờ đến ngày 15/9 để có thể trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh tương đối bình thường.
Ông cho biết các doanh nghiệp thuộc hiệp hội đang lên kế hoạch hoạt động từng bước, từ 30% đến 50% về lực lượng lao động lẫn dây chuyền sản xuất. Cụ thể, thời gian đầu sẽ từ 30% số lao động và 2-3 chuyền sản xuất dần dần sẽ nâng lên 50% và 4-5 chuyền.
"Làm từng bước và giữ an toàn để hạn chế rủi ro", lãnh đạo hiệp hội nhấn mạnh. Theo ông, rất khó mở lại hoạt động sản xuất 100% ngay từ đầu vì phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
"Điều doanh nghiệp lo lắng nhất thời điểm này là làm sao lên kế hoạch hoạt động an toàn và giao đơn hàng đúng hẹn", ông Phạm Xuân Hồng chia sẻ.
Các doanh nghiệp đang lên kế hoạch hoạt động từng bước, từ 30% đến 50% về lực lượng lao động lẫn dây chuyền sản xuất.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp Hội Dệt may thêu đan TP.HCM.
|
"Các doanh nghiệp cũng đang kết hợp với địa phương, Sở Công Thương để tăng cường tiêm vaccine cho người lao động. Đây là điều kiện quan trọng hàng đầu giúp doanh nghiệp có thể tái sản xuất an toàn", ông nói thêm.
Ông Hồng dự báo sau ngày 15/9, lực lượng lao động của từng doanh nghiệp sẽ đạt khoảng 50%, còn các doanh nghiệp có thể phục hồi sản xuất lại khoảng 70-80%.
Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM cũng cho rằng việc cấp thẻ xanh cho người lao động đang là vấn đề lo lắng của nhiều doanh nghiệp. "Có tới hàng trăm nghìn người lao động thì khó có thể xử lý, cấp thẻ xanh trong thời gian ngắn như vậy", ông nói.
Vẫn nhiều nỗi lo về lao động
Bà Nguyễn Thị Xuân Mãi, Giám đốc Công ty Công nghệ Môi trường WEPAR (quận Tân Phú, TP.HCM), cho biết vấn đề thiếu hụt nhân sự của doanh nghiệp là một trong những khó khăn lớn nhất nếu hoạt động trở lại sau thời gian giãn cách. Một lượng lớn công nhận của công ty này đã trở về quê dẫn đến khó tuyển dụng lao động trong thời gian gần.
Đại diện công ty chuyên về dịch vụ, thương mại sửa chữa ôtô tại TP Thủ Đức cho biết hơn 50% nhân sự công ty đã về quê sau khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16. Số nhân sự vẫn trụ lại thành phố thì tỷ lệ đã tiêm vaccine mũi một chỉ khoảng 30%.
"Với số lượng nhân sự khó có thể trở lại TP.HCM kịp ngày 15/9, cộng với số chưa được tiêm vaccine khá lớn, nếu công ty vẫn quyết định mở lại hoạt động thì nhân sự tham gia chỉ khoảng hơn 20%", vị này nói.
Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng để chuẩn bị hoạt động sau ngày 15/9, bên cạnh nguồn vốn, lao động các đơn vị còn gặp khó trong vấn đề lưu thông của lao động.
Thiếu hụt nhân sự sẽ là vấn đề lớn với các doanh nghiệp TP.HCM và phía Nam sau ngày 15/9. Ảnh: Hoàng Hà.
|
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) - cho biết tình trạng thiếu hụt lao động đã diễn ra khá lâu và khi bùng phát dịch bệnh lại càng trầm trọng hơn. Ở những khu vực bị cách ly, phong tỏa, công nhân không đi làm được càng thiếu hụt lao động. Do đó, khi muốn tái khởi động sản xuất thì doanh nghiệp phải tuyển dụng thêm, mất nhiều thời gian.
Ngoài ra, ông Phương cho rằng sau ngày 15/9, cần có sự đồng bộ khi quyết định "mở cửa" cho các doanh nghiệp tái hoạt động. "Hiện ngành nghề nào cũng quan trọng chứ không phải ngành nghề sản xuất hàng thiết yếu", ông nêu quan điểm.
Ngoài ra, ông cho rằng khi quay trở lại hoạt động chính quyền nên cho doanh nghiệp chủ động phòng chống dịch, vì hơn ai hết doanh nghiệp phải biết cách bảo vệ nguồn lực an toàn để đảm bảo sản xuất, kinh doanh không bị đứt gãy.
Theo ông Chu Tiến Dũng, sau ngày 15/9 số lao động quay trở lại sản xuất còn phụ thuộc vào số lao động có thẻ xanh Covid-19 và cách tổ chức sản xuất trong điều kiện có kiểm soát.
"Hiện nay cần có những cơ chế khẩn cấp, thống nhất và đồng bộ về các chính sách. Đồng thời ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để thay đổi các giao dịch trực tiếp, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp", ông Dũng đề xuất.
Thanh Thương
Zing.vn
|