Thứ Ba, 07/09/2021 13:26

Chuyên gia: Chi phí Hà Nội xét nghiệm 100% người dân mua được 6 triệu liều vắc xin

Các chuyên gia dịch tễ đều cho rằng, quyết định xét nghiệm diện rộng cho 100% người dân là thiếu khoa học, thậm chí, chi phí bỏ ra để lấy mẫu có thể mua được 6 triệu liều vắc xin.

Các chuyên gia cho rằng việc lấy mẫu diện rộng tại Hà Nội là thiếu khoa học, lãng phí. Đậu Tiến Đạt

Về quyết định lấy mẫu đối với 100% người dân toàn thành phố của UBND TP.Hà Nội, TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng “đây là quyết định không có kiến thức khoa học, thiếu hiệu quả và lãng phí kinh khủng”.

Ông Nga ước tính, chi phí mà Hà Nội bỏ ra để lấy mẫu xét nghiệm cho 100% người dân toàn thành phố (khoảng 8 triệu người) có thể mua được 6 triệu liều vắc xin.

Cụ thể, tính trung bình lấy mẫu test nhanh và cả PCR khoảng 300.000 đồng/mẫu tính cho 8 triệu người dân, cộng thêm chi phí rất lớn cho quần áo lấy mẫu, găng tay bảo vệ, nước sát khuẩn cũng như công sức của cán bộ y tế. Trong khi vắc xin chỉ khoảng 500.000 - 600.000 đồng/liều.

Chuyên gia này cũng quan ngại về thời gian dự kiến xét nghiệm cả thành phố chỉ trong 6 ngày (từ 6 - 12.9), trong khi chưa có sự chuẩn bị trước, chưa có phương án kỹ càng, mục đích làm gì cũng không rõ ràng.

“Nguy cơ rõ nhất là việc lấy mẫu sẽ không chuẩn, do đội ngũ lấy mẫu không hoàn toàn là nhân viên y tế được đào tạo chuyên môn. Áp lực thời gian quá gấp thì việc xét nghiệm kết quả cũng khó chính xác hết, nếu dương tính giả thì còn đỡ, âm tính giả rất nguy hiểm, vì người nhiễm rồi lại không phát hiện ra”, ông Nga nói, chưa kể áp lực lấy mẫu lớn, không kịp sát trùng, thay găng tay, nguy cơ lây lan từ chính người lấy mẫu và người dân là rất lớn.

Mới hơn 3.000 F0, sao phải xét nghiệm cả thành phố?

BS - TS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu y khoa Woolcock tại Việt Nam, cho rằng Hà Nội không cần xét nghiệm diện rộng. Lý do, các đợt xét nghiệm diện rộng vừa qua cho thấy dịch đang tập trung tại một số khu vực chứ không lan tràn khắp thành phố, nên không cần lãng phí nhân lực, vật lực cho đợt xét nghiệm toàn thành phố.

“Các ca bệnh được phát hiện chủ yếu qua xét nghiệm người ho, sốt tới cơ sở y tế khám chữa bệnh, từ đó xét nghiệm F1 của họ. Từ kết quả này có thể thấy, cần tăng cường hệ thống xét nghiệm cho người ho sốt, đưa xét nghiệm đến gần người dân hơn bằng cách xét nghiệm miễn phí tại các nhà thuốc. Hay cung cấp kit xét nghiệm miễn phí tại các khu dân cư cho người ho, sốt và người có biểu hiện. Như vậy sẽ hiệu quả hơn là xét nghiệm dàn trải”, bà Thu Anh đánh giá.

Chuyên gia này cũng cho rằng, đội ngũ người đi lấy mẫu rất lớn, đào tạo trong thời gian ngắn chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm. Có rất nhiều bài toán đặt ra nhưng chưa thấy thành phố có lời giải.

Thứ nhất, Hà Nội buộc phải đào tạo một số lượng người lấy mẫu lớn trong thời gian ngắn, mới giải quyết được bài toán đủ người lấy mẫu. Nhưng còn bài toán tổ chức lấy mẫu sao cho không tụ tập đông người, nguy cơ lây lan dịch bệnh thì vẫn chưa giải quyết được?

Thứ hai, bài toán số lượng mẫu quá nhiều, bảo quản ở đâu, làm sao để cả chu trình nhuần nhuyễn, không nhầm lẫn giữa các mẫu. Bài toán không đủ máy xét nghiệm, không đủ hệ thống, nhân lực để trả kết quả… Trường hợp xét nghiệm phát hiện nhiều ca dương tính thì phương án giải quyết ra sao?

Cùng quan điểm này, một chuyên gia dịch tễ có kinh nghiệm cho biết, ông thấy khó hiểu với quyết định xét nghiệm 100% người dân của thành phố. Lý do, theo ông, hiện nay các vùng ngoại thành Hà Nội nguy cơ không cao, không cần thiết phải lấy mẫu. Việc lấy mẫu xét nghiệm nên tập trung vào các khu vực nguy cơ cao ở nội thành. Hơn nữa, hiện nay, nhân lực lấy mẫu xét nghiệm cũng không đủ để thực hiện nhiệm vụ này, bởi một phần nhân lực đang thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19.

“Cả thành phố tới nay mới có 3.500 bệnh nhân F0, số lượng dương tính mỗi lần lấy mẫu diện rộng trước đó cũng rất thấp, không cần thiết phải xét nghiệm diện rộng lãng phí như thế”, chuyên gia này cho hay.

F0 phát hiện qua xét nghiệm diện rộng rất thấp

Theo Sở Y tế Hà Nội, kết quả lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng có trọng điểm theo Kế hoạch 203/KH-UBND ngày 1.9 của UBND TP.Hà Nội, tính từ 1.9 đến 18 giờ ngày 6.9, Hà Nội đã lấy được 759.945 trên 1 triệu mẫu, đạt 75,99% kế hoạch. Đã có 299.132 mẫu có kết quả, trong đó 299.129 mẫu âm tính và 3 mẫu dương tính.

Trước đó, kết quả triển khai thực hiện lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng đợt 2 tại các khu vực có yếu tố nguy cơ tại các quận, huyện, thị xã, tính đến 18 giờ ngày 22.8, đã lấy được 803.233 mẫu. Kết quả, phát hiện 54 ca dương tính tại 6 quận, huyện.

Mai Hà

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Người tiêm mũi 1 Moderna, mũi 2 có thể thay thế bằng vaccine nào? (07/09/2021)

>   Những thói quen ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc tại nhà (08/09/2021)

>   Áp sàn vé máy bay từ 320.000 đồng, hết thời vé 0 đồng? (07/09/2021)

>   Khẩu trang vải có ngăn được nCoV lây lan? (07/09/2021)

>   Thủ tướng giao Bộ Công an có chế tài xử lý việc hủy đơn ‘đi chợ hộ’ (07/09/2021)

>   Chủ tịch UBND TP.HCM: "Tiếp tục giãn cách đến 15/09" (06/09/2021)

>   Bộ Y tế nói gì về cấp phép vắc xin Nanocovax? (06/09/2021)

>   Ngày 06/09, Việt Nam ghi nhận thêm 12,481 ca mắc mới, riêng TPHCM có 7,122 ca (06/09/2021)

>   Sẽ thí điểm cho đi lại bình thường với người tiêm 2 mũi vắc xin (06/09/2021)

>   TP.HCM và 3 tỉnh phía nam được phân bổ 45% tổng lượng vaccine (06/09/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật