Châu Âu có thể tiếp sức hồi phục kinh tế toàn cầu khi Mỹ và Trung Quốc gặp khó?
Mỹ và Trung Quốc đã lần lượt có những đóng góp, tiếp sức cho sự hồi phục kinh tế toàn cầu sau đại dịch. Liệu châu Âu có làm được điều tương tự trong thời gian tới?
Nền kinh tế châu Âu phục hồi mạnh hơn dự kiến sau khi các lệnh phong tỏa được nới lỏng vào đầu năm nay. Châu lục này cũng đã tránh được một số rủi ro lớn đang ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của Mỹ và Trung Quốc.
S&P Global Ratings đã nâng dự báo tăng trưởng châu Âu năm 2021 lên 5.1% so với mức cũ là 4.4%, với lý do sản lượng kinh tế, thị trường lao động và mức đầu tư doanh nghiệp được cải thiện nhanh chóng.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng có quan điểm tương tự. Tuần trước, họ cho biết đang kỳ vọng nền kinh tế khu vực đồng Euro (eurozone) sẽ tăng 5.3% trong năm nay, nghĩa là tăng 1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 5.
Về phần mình, S&P kỳ vọng châu Âu sẽ trở lại mức GDP trước khủng hoảng trước khi kết thúc năm nay, sớm hơn một quý so với dự báo trước đó.
Tăng trưởng kinh tế đã được củng cố bởi chiến dịch vắc-xin của Liên minh châu Âu (EU), dù khởi đầu chậm chạp nhưng hiện là một trong những chiến dịch thành công nhất thế giới. Theo số liệu chính thức, hơn 72% người lớn ở EU trên 18 tuổi đã được tiêm chủng đầy đủ, so với 66% người Mỹ trên 18 tuổi.
Phản ứng khẩn cấp với virus corona cũng đóng vai trò quan trọng. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đối phó cuộc khủng hoảng bằng chương trình mua trái phiếu lớn và các Chính phủ đã triển khai nhiều chương trình để đảm bảo người lao động vẫn được trả lương.
Kết quả là, người tiêu dùng châu Âu đã tích lũy được hơn 300 tỷ Euro (350 tỷ USD) dự trữ tiền mặt dư thừa trong thời kỳ đại dịch, theo S&P, và họ đang bắt đầu chi tiêu, giúp thúc đẩy sự phục hồi liên tục của các dịch vụ.
Đồng thời, các nước EU đang bắt đầu nhận được các khoản tài trợ khổng lồ và những khoản vay giá rẻ từ quỹ phục hồi trị giá 800 tỷ Euro (940 tỷ USD) của khối liên minh. Theo S&P, biện pháp kích thích này có khả năng góp phần làm cho GDP của khu vực đồng Euro tăng thêm 3.9% vào năm 2026.
Trong khi đó, Mỹ và Trung Quốc hiện phải đối mặt với những khó khăn đáng kể.
Việc triển khai vắc-xin vấp phải sự hoài nghi của một số người ở Mỹ, khiến tỷ lệ người đã tiêm ít nhất một liều của nước này thấp nhất trong nhóm G7. Tuần trước, OECD đã hạ mức dự báo tăng trưởng năm 2021 của Mỹ thêm 0.9 điểm phần trăm, xuống còn 6%.
Theo OECD, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8.5% trong năm nay. Tuy nhiên, theo dữ liệu khảo sát, tăng trưởng có thể bị khựng lại vào tháng 8, khi Chính phủ cố gắng dập tắt các đợt bùng phát virus corona mới. Một cuộc trấn áp sâu rộng về mặt quản lý đối với các doanh nghiệp tư nhân và sự sụp đổ của tập đoàn Evergrande có thể ảnh hưởng thêm đến hoạt động kinh tế của nước này.
Số phận của nhà phát triển bất động sản khổng lồ Evergrande vẫn bất ổn khi thời hạn chót đã qua nhưng không có thông tin cập nhật nào từ công ty này về việc liệu họ có kế hoạch trả gần 84 triệu USD tiền lãi cho những người nắm giữ trái phiếu của họ hay không.
Tại sao vụ việc này lại quan trọng? Evergrande hiện có tổng nợ phải trả khoảng 300 tỷ USD, và một số nhà phân tích lo ngại một sự sụp đổ hỗn loạn có thể châm ngòi cho khoảnh khắc "Lehman Bros" ở Trung Quốc bằng cách gây ra những cú sốc qua hệ thống tài chính và nền kinh tế. Bất động sản và các ngành liên quan chiếm khoảng 30% GDP của Trung Quốc.
Liệu châu Âu có thể cải thiện tình hình bằng cách làm tiếp những điều hai nước kia chưa hoàn tất không? Vẫn cần phải chờ xem.
Chỉ số Môi trường Kinh doanh Ifo của Đức đã giảm trong tháng 9, cho thấy sự phục hồi đang chậm lại ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu. IHS Markit cho biết hoạt động kinh doanh của khu vực đồng Euro "tăng trưởng với tốc độ giảm rõ rệt" trong tháng 9, phản ánh sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng và lo ngại về đại dịch.
Có thể cả Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu sẽ phải vật lộn suốt thời gian còn lại của năm, khiến các nhà hoạch định chính sách phải đưa ra một loạt quyết định khó khăn khi lạm phát tiếp tục tăng cao.
"Kết quả có thể xảy ra nhất là sự phục hồi toàn cầu tiếp tục - dù với tốc độ chậm hơn, lạm phát đạt đỉnh trong những quý tới trước khi giảm trở lại vào năm sau và các ngân hàng trung ương giảm hỗ trợ dần dần", chuyên gia kinh tế trưởng Neil Shearing của Capital Economics, dự báo trong bài viết gần đây.
Nhã Thanh (Theo CNN)
FILI
|