Evergrande sẽ không dẫn tới cuộc khủng hoảng như Lehman Brothers?
Rắc rối tại tập đoàn bất động sản nặng nợ Evergrande khó mà gây ra cú sụp giống như Lehman Brothers trong năm 2008, theo đánh giá từ các chuyên gia phân tích.
Giá cổ phiếu Evergrande niêm yết tại thị trường Hồng Kông giảm gần 90% kể từ tháng 7, khi Chính phủ Trung Quốc siết chặt kiểm soát đối với hoạt động đầu cơ trên thị trường bất động sản.
Evergrande nắm nhiều tài sản thực
Tuy nhiên, khi bàn về mức độ tác động của Evergrande tới thị trường tài chính quốc tế, giới phân tích đã chỉ ra một khác biệt lớn giữa cuộc khủng hoảng Evergrande và vụ sụp đổ Lehman Brothers: Evergrande có đất đai, còn Lehman Brothers chỉ nắm tài sản tài chính.
Evergrande gặp vấn đề về dòng tiền, nhưng những lời dự đoán về rủi ro lan truyền “có chút gì đó hơi thái quá”, ông Rob Carnell, Trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của ING, cho hay.
“Trên thực tế, đây không phải là một vụ như ngân hàng Lehman Brothers cũng chẳng phải là cú sụp của quỹ đầu cơ Long-Term Capital Management”, ông Carnell cho biết. “Evergrande không phải là một quỹ đầu cơ với trạng thái đòn bẩy nợ khổng lồ hay một ngân hàng với những tài sản tài chính đang rớt giá về 0. Evergrande là một công ty phát triển bất động sản nặng nợ, khoảng hơn 300 tỷ USD”.
Vị chuyên gia này dự báo nếu có được dòng tiền, Evergrande có thể hoàn thành các dự án đang dang dở, bán đi và trả nợ.
“Evergrande gặp rắc rối về thanh khoản, mặc dù nắm rất nhiều đất đai”, ông Larry Hu, Chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie, cho biết trong báo cáo. Ông Larry Hu lưu ý rằng tài sản là đất đai và các dự án phát triển nhà của Evergrande có trị giá trên 1,4 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 220 tỷ USD.
Cú sập của Lehman Brothers khiến các sản phẩm tài chính phái sinh như hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) và các nghĩa vụ nợ có thế chấp (CDO) giảm không phanh và kéo theo sự hoài nghi về “sức khoẻ” của các ngân hàng khác, ông Hu nhận định
“Tuy nhiên, khó có chuyện khủng hoảng Evergrande khiến giá đất lao dốc”, ông nói. “Xét cho cùng, giá đất vẫn minh bạch và ổn định hơn các tài sản tài chính. Điều này đặc biệt đúng ở Trung Quốc, vì các chính quyền địa phương là nguồn cung cấp đất duy nhất”.
“Kết quả là chính quyền địa phương có động lực mạnh mẽ để ổn định giá đất. Trong trường hợp xấu nhất, chính quyền thậm chí có thể mua lại đất như đã làm hồi năm 2014-2015”, ông Hu nói.
Sự kiểm soát từ Chính phủ Trung Quốc
Một điểm khác biệt lớn nữa giữa khủng hoảng Evergrande với vụ Lehman là mức độ kiểm soát lớn và tham gia nhiều của Chính phủ Trung Quốc trong lĩnh vực bất động sản.
“Các ngân hàng Trung Quốc và nhiều thực thể khác trước hết có vai trò là cánh tay của Chính phủ, sau nữa mới là vai trò trung gian”, các chuyên viên phân tích tại công ty nghiên cứu China Beige Book cho biết trong báo cáo. “Thậm chí những công ty tài chính phi Nhà nước ở Trung Quốc cũng bị kiểm soát ở một mức độ hiếm khi thấy ở các quốc gia khác. Khả năng phá sản của một công ty sẽ tuỳ thuộc vào Chính phủ”.
“Nếu Bắc Kinh nói cho vay, thì các ngân hàng của họ sẽ cho vay. Khi nào hoặc thậm chí khả năng lấy lại được tiền không là thứ yếu. Sẽ không có một câu chuyện như Lehman Brothers”, báo cáo nhận định.
Ngân hàng đầu tư huyền thoại của Mỹ sụp đổ cách đây 13 năm và trở thành khoảnh khắc biểu tượng của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Lehman Brothers bảo lãnh phát hành hàng chục tỷ USD chứng khoán đảm bảo bằng nợ dưới chuẩn trong bong bóng nhà đất ở Mỹ. Chính phủ Mỹ cuối cùng đã để mặc cho Lehman sụp đổ, nhưng chìa tay cứu các định chế tài chính khác.
Trong khi đó, Trung Quốc cho phép thị trường đóng một vai trò lớn hơn trong nền kinh tế trong những năm gần đây, thể hiện qua việc cho phép xảy ra một số vụ vỡ nợ của các doanh nghiệp quốc doanh. Tuy nhiên, về Evergrande, Bắc Kinh sẽ tỏ ra kiên nhẫn, với mục tiêu vừa giải quyết tình trạng doanh nghiệp quá liều lĩnh trong đầu tư, vừa duy trì sự ổn định của thị trường bất động sản, theo ông Hu của Macquarie.
“Lúc đầu, các nhà hoạch định chính sách sẽ chờ đợi, rồi sau đó họ sẽ can thiệp để đảm bảo một cuộc tái cơ cấu nợ có trật tự”, vị chuyên gia này nhận định. “Một cuộc giải cứu toàn diện khó mà xảy ra, và các cổ đông/chủ nợ có thể phải gánh tổn thất lớn. Nhưng Chính phủ sẽ đảm bảo rằng những căn hộ bán trước của Evergrande sẽ hoàn thành và được giao cho người mua nhà”.
Ông Hu cũng đề cập đến các đợt tái cơ cấu gần đây tại những doanh nghiệp khổng lồ khác của nước này như Anbang Insurance, Baoshang Bank, HNA Group và China Huarong Asset Management. “Hệ thống ngân hàng của Trung Quốc ghi nhận lợi nhuận hàng năm 1.9 ngàn tỷ Nhân dân tệ và nguồn vốn dự phòng 5.4 ngàn tỷ Nhân dân tệ. Do đó, có thể dễ dàng hấp thụ tổn thất mà Evergrande gây ra”, ông Hu phát biểu.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|