Miếng dán vắc xin hứa hẹn cách chủng ngừa Covid-19 không gây đau, hiệu quả cao
Một nhóm nhà khoa học đã phát triển cách chủng ngừa không dùng kim thông thường, không gây đau mà lại tạo ra phản ứng miễn dịch tốt hơn, có thể được áp dụng thay cho việc tiêm vắc xin Covid-19.
Miếng vắc xin in 3D do các nhà nghiên cứu từ Đại học Stanford và Đại học Bắc Carolina (Mỹ) tạo raCtvnews.ca
|
Cụ thể, các nhà nghiên cứu từ Đại học Stanford và Đại học Bắc Carolina (Mỹ) cho hay một miếng dán vắc xin in 3D của họ có thể tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn nhiều so với việc tiêm bằng kim thông thường, theo Đài CTVNews ngày 26.9.
Theo nghiên cứu mới của họ, được đăng trên chuyên san Proceedings, miếng vắc xin làm bằng polymer có kích cỡ 1 cm2 và chứa 100 kim in 3D, chỉ bằng 1 micrômét (µm). Những cây kim này dài 700 µm, chỉ đủ để tiêm và đưa vắc xin vào da.
Khi tiến hành thử nghiệm trên chuột, nhóm nghiên cứu phát hiện miếng vắc xin nói trên tạo ra phản ứng miễn dịch cao hơn 20 lần so với việc tiêm vắc xin bằng kim thông thường sau 3 tuần và cao hơn 50 lần sau một tháng.
Việc tiêm vắc xin bằng kim thông thường đưa vắc xin vào cơ hoặc một lớp mô nằm dưới da. Trong khi đó, da có nhiều tế bào miễn dịch nên vắc xin được đưa vào da thường có hiệu quả hơn, theo các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, việc đưa vắc xin vào da khó có thể được thực hiện bằng kim thông thường và có thể khiến người nhận tiêm bị đau.
Các nhà nghiên cứu cho rằng các miếng vắc xin có kim siêu nhỏ như trên có thể giải quyết những vấn đề này, cho phép tiến hành việc đưa vắc xin vào da một cách dễ dàng và không gây đau.
Những cây kim siêu nhỏ in 3D có thể được điều chỉnh để dùng cho việc tiêm các vắc xin phòng ngừa cúm, bệnh sởi, viêm gan hoặc Covid-19. Bước kế tiếp của nhóm nghiên cứu là tích hợp vắc xin Covid-19 mRNA của Pfizer và Moderna vào các miếng vắc xin làm bằng polymer nói trên.
Văn Khoa
Thanh niên
|