Thứ Hai, 13/09/2021 08:43

Các tỉnh, thành phía Nam: Lên phương án phục hồi kinh tế trong điều kiện bình thường mới

Hiện nay, nhiều tỉnh thành phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, TP, Hồ Chí Minh… đang chuẩn bị các phương án mở cửa sau thời điểm 15/9 để phục hồi kinh tế trong bình thường mới.

Nới lỏng giãn cách, tính toán lộ trình mở cửa nền kinh tế

Tối 9/9, UBND tỉnh Bình Dương đã có công văn hỏa tốc gửi các sở ngành và địa phương về việc khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Trong đó, tỉnh này quyết định cho phép người dân đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin phòng Covid-19 sau 14 ngày được tham gia lưu thông. Tuy nhiên, người lao động cần có thêm giấy xác nhận làm việc tại doanh nghiệp để di chuyển từ nơi ở đến nơi sản xuất, khi đi qua các chốt kiểm soát. Những người chưa tiêm vắc xin và người tiêm mũi 1 dưới 14 ngày không được ra đường.

Đối với hộ kinh doanh, cửa hàng buôn bán thực phẩm, dịch vụ ăn uống, bán buôn hàng hóa phục vụ nhu cầu cho người dân, UBND tỉnh Bình Dương giao cho các địa phương căn cứ tình hình cụ thể để quyết định cho phép mở cửa trở lại. Đối với các vùng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục yêu cầu thực hiện các giải pháp khóa chặt “vùng đỏ, điểm đỏ”, nhanh chóng xét nghiệm sàng lọc, bóc tách F0.

Trong khi đó, tại Long An, từ ngày 7/9 vừa qua UBND tỉnh Long An đã quyết định các địa phương gồm thị xã Kiến Tường và các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ, Tân Trụ sẽ bắt đầu giảm mức độ giãn cách xã hội, thực hiện theo chỉ thị 15. Theo chỉ thị 15, các cơ sở dịch vụ nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống, giải khát sẽ được hoạt động trở lại nhưng chỉ bán mang về, không bán tại chỗ. Đối với các nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu; cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp, chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... cũng được hoạt động.

Các tỉnh, thành phía Nam đang rục rịch mở cửa một số hoạt động trở lại

Riêng với TP. Hồ Chí Minh, do tình hình dịch vẫn còn phức tạp nên các kế hoạch mở cửa kinh tế sau 15/9 đều gắn với thẻ xanh Covid. Nêu cụ thể phương án này, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho hay, TP. Hồ Chí Minh dự kiến thực hiện theo 3 giai đoạn phục hồi kinh tế. Trong đó, giai đoạn 1 (dự kiến từ 16/9 đến 31/10), cá nhân, lao động có “thẻ xanh Covid” có thể tham gia các hoạt động (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại). Cá nhân, lao động có “thẻ vàng Covid”, có xét nghiệm âm tính với Covd-19 được tham gia một số lĩnh vực cụ thể…; Giai đoạn 2 (dự kiến từ 31/10/2021 đến 15/1/2022), sẽ mở rộng các hoạt động được phép cho đối tượng có “thẻ xanh Covid”, gồm: trung tâm thương mại; trung tâm tập luyện thể dục thể thao; hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời; dịch vụ ăn uống có quy mô nhỏ và đảm bảo giãn cách theo quy định (dưới 20 người); Đến giai đoạn 3 (dự kiến sau 15/1/2022), Thành phố lên kế hoạch mở cửa tất cả các hoạt động của nền kinh tế. Đối với hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar, massage, bắt buộc người tham gia phải có “thẻ xanh Covid”.

Với tỉnh Đồng Nai, theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng, khi các tỉnh, thành lân cận đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để nới lỏng dần các biện pháp giãn cách sẽ tạo áp lực rất lớn cho tỉnh Đồng Nai bởi tỉnh chưa phủ hết mũi 1 vắc xin cho người dân từ 18 tuổi trở lên. “Nếu TP. Hồ Chí Minh mở cửa thì các địa phương lân cận cũng phải mở để tạo sự đồng bộ. Ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu là ưu tiên hàng đầu hiện nay trong công tác tiêm chủng vaccine. Ngành nào ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, người dân được thụ hưởng sẽ ưu tiên làm trước, trong đó có ngành y tế. Các đơn vị liên quan cần khẩn trương hoàn thành bản đồ An toàn Covid-19 và bản đồ tiêm chủng. Khi đưa vào sử dụng bản đồ phải cập nhật thông tin hằng ngày để người dân có thể sử dụng được ngay”- ông Cao Tiến Dũng cho biết.

Cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp

Theo các chuyên gia kinh tế, trước làn sóng dịch thứ 4 kéo dài từ cuối tháng 4/2021 tới nay hàng chục ngàn doanh nghiệp đã phải ngừng sản xuất, rời thị trường do không “trụ” được. Cùng với đó, việc thực hiện giãn cách xã hội cũng dẫn tới nhiều chuỗi cung ứng, sản xuất bị đứt gãy. Tại các địa phương là “tâm chấn” của đại dịch gồm TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… hầu như không một ngành hay lĩnh vực nào không chịu ảnh hưởng.

Đơn cử với ngành thủy sản, trong một khảo sát gần đây của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chỉ có 30 - 40% doanh nghiệp có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay, số còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất. Nguyên nhân do chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị dứt gãy, hoặc khó khăn trong vận chuyển; doanh nghiệp bị mất khách hàng do thời gian thực hiện giãn cách quá lâu, không đảm bảo tiến độ giao hàng. Đặc biệt là khó quy tụ lại lực lượng lao động như ban đầu do công nhân chưa được tiêm vaccine nên chưa thể đến cơ sở sản xuất, đã về quê, cách ly, hay đang điều trị Covid…

Tương tự với ngành hàng lúa gạo, ông Phan Văn Có - Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice chia sẻ rằng, chưa bao giờ doanh nghiệp lúa gạo lại rơi vào tình cảnh khó trăm bề như hiện nay. “Chúng tôi thiếu nhân lực nghiêm trọng và thiếu các phương tiện vận chuyển qua lại giữa các khu vực nên không thể thu mua lúa gạo, cũng không thể đóng hàng xuất khẩu bởi hệ thống đóng rút hàng tại cảng chưa hoạt động”- ông Có nói.

Ngoài khó khăn trên, theo ông Có, doanh nghiệp đã có nhiều hợp đồng xuất khẩu bị hủy, hàng tồn kho tăng cao nhưng chi phí bỏ ra mua hàng trước đó chưa thu hồi lại được, dẫn tới áp lực trả nợ ngân hàng trong thời gian tới là rất lớn.

Chính vì thế, trong lộ trình mở cửa trở lại, các tỉnh, thành phía Nam khẳng định đã có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gồm: hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ tổ chức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí và chăm lo đời sống người lao động; hỗ trợ mở rộng thị trường, hỗ trợ về thông tin, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, chính sách không thể cho đại trà các doanh nghiệp, mà phải dựa vào năng lực của từng doanh nghiệp. Đồng thời phải xem sự hấp thụ chính sách của doanh nghiệp như thế nào. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực thích ứng, phải phối hợp liên ngành, liên vùng trên cơ sở thống nhất cơ chế vận hành.

Mai Ca - Thanh Thanh

Báo Công Thương

Các tin tức khác

>   Tăng áp lực giải ngân vốn đầu tư công cuối năm (13/09/2021)

>   Thị trường ô tô ghi nhận doanh số giảm kỷ lục trong gần 7 năm qua (12/09/2021)

>   Chiến lược “Zero Covid” đổ vỡ, hàng không tính kế sống chung với dịch (12/09/2021)

>   Doanh nghiệp TP.HCM nóng lòng chờ mở cửa sau ngày 15/9 (12/09/2021)

>   Bí thư TP.HCM: Khẩn trương lên kế hoạch cho bình thường mới sau 15/9 (11/09/2021)

>   Sống chung với dịch: ‘Pháo đài’ đừng ‘chĩa' vào doanh nghiệp (11/09/2021)

>   Chuyên gia: TP.HCM không thể giãn cách mãi, phải thích nghi để mở lại (11/09/2021)

>   Top 5 sàn TMĐT đình đám Việt Nam gọi tên Bách hóa Xanh: Gấp 60 lần tên tuổi cùng ngành (11/09/2021)

>   Xây dựng kế hoạch để 'vực lại' ngành dệt may và da giày ngay sau đại dịch (11/09/2021)

>   Doanh nghiệp Âu - Mỹ mong Việt Nam tìm cách sống chung với Covid-19 (11/09/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật