Tăng áp lực giải ngân vốn đầu tư công cuối năm
Giải ngân vốn đầu tư công tính đến hết tháng 8/2021 mới đạt 40,6% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch được đặt ra. Giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng cuối năm ngày càng áp lực khi dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp...
Áp lực giải ngân vốn đầu tư công tăng mạnh trong 4 tháng cuối năm.
|
Tính đến hết 31/8/2021, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt là 187.285,01 tỷ đồng, đạt 40,6% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao, giảm so với cùng kỳ năm 2020 (46,41%). Trong đó, vốn trong nước đạt 44,7% (cùng kỳ năm 2020 là 50,02%), vốn nước ngoài đạt 7,94% (cùng kỳ năm 2020 đạt 21,26%).
VẪN CÒN NHỮNG ĐIỂM NGHẼN
Theo ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, mặc dù địa phương đã rất nỗ lực triển khai đồng loạt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhưng nhiều vướng mắc liên quan tới quy định pháp luật đã cản trở dòng vốn đổ vào các dự án đầu tư, bao gồm cả dự án trọng điểm, có quy mô lớn, tác động lan tỏa tới nền kinh tế.
Cụ thể, theo ông Cao Tường Huy, việc thực hiện quy định tại Khoản 2 Điều 52 Luật Đầu tư công rất khó áp dụng trên thực tế do việc lập, trình phê duyệt chủ trương đầu tư tất cả các dự án trong kế hoạch trung hạn 5 năm tại thời điểm đầu của 5 năm kế hoạch là rất khó. Đồng thời mức vốn của dự án tại thời điểm phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ không còn phù hợp khi triển khai thực hiện ở các năm sau, đặc biệt là những năm cuối của kế hoạch.
Từ thực tiễn triển khai tại tỉnh Quảng Ninh, đã có các tình huống dự án phải điều chỉnh ở nhiều mức độ khác nhau. Tuy nhiên, vấn đề là việc xác định những trường hợp điều chỉnh dự án nào đòi hỏi phải thực hiện đồng thời quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.
“Do đó, tỉnh Quảng Ninh đề nghị bổ sung khoản mới trong Điều 34 Luật Đầu tư công, quy định rõ các trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư như: thời gian thực hiện, mục tiêu, phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư dự án... Việc bổ sung nội dung này sẽ giúp làm rõ các trường hợp cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư, giúp các đơn vị có nhu cầu điều chỉnh dự án trong quá trình triển khai hạn chế vi phạm quy định của Luật”, ông Huy nhấn mạnh.
Cũng vướng mắc trong công tác điều chỉnh chủ trương đầu tư, đại diện TP. Hà Nội cho biết, Luật Đầu tư công chưa nêu rõ điều khoản chuyển tiếp đối với việc điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án nhóm A (trước đây được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư), sau khi Luật Đầu tư công năm 2019 có hiệu lực thì được giao thẩm quyền xuống HĐND, nhưng chưa có hướng dẫn điều khoản chuyển tiếp như thế nào.
Do đó, Hà Nội đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư là của HĐND TP. Hà Nội.
Ngoài ra, Hà Nội đề xuất, cần thiết có quy định để phân cấp ủy quyền trong đầu tư công nhằm đẩy mạnh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện một số dự án đầu tư công thuộc nhiệm vụ chi của Thành phố đã và đang được thực hiện bằng ngân sách cấp huyện.
Không chỉ vậy, theo ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, quá trình triển khai dự án tại Hà Nội trong nhiều năm qua bị kéo dài còn do vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Tại một số dự án (Xây dựng đường Vành đai 1 Hoàng Cầu - Voi Phục; Tuyến đường số 3, số 5 vào trung tâm Khu đô thị mới Tây Hồ Tây; Tuyến đường số 8 Khu đô thị Bắc Cổ Nhuế - Chèm), người dân còn có kiến nghị về giá đất, cơ chế đối với đất có nguồn gốc đất nông nghiệp các hộ dân đã sinh hoạt ổn định lâu năm, vấn đề quy hoạch, quỹ nhà tái định cư chưa hoàn thành, không nhận tiền bồi thường, không đồng thuận phương án bồi thường gây ảnh hưởng đến mặt bằng thi công…
“Để nhanh chóng giải quyết vướng mắc, Hà Nội đề nghị được tách giải phóng mặt bằng, tái định cư thành dự án riêng để đẩy nhanh cấu phần khác trong tổng thể dự án chung”, ông Tuấn đề xuất:
SẼ LÀM RÕ NHIỀU VẤN ĐỀ
Không chỉ là những vướng mắc liên quan tới chủ trương và điều chỉnh chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, đầu tư công hiện còn có những vướng mắc liên quan tới xây dựng, đấu thầu, điều khoản ký kết với nhà tài trợ... Vì vậy, để đẩy nhanh dòng vốn đầu tư công vào nền kinh tế, những điểm nghẽn liên quan tới quy định pháp luật cần phải được tháo gỡ.
Về nội dung công tác báo cáo chủ trương đầu tư, hiện nay, trong luật quy định chưa nêu rõ giao thẩm quyền xuống cơ quan chuyển môn hoặc UBND cấp huyện – những cơ quan trực tiếp phê duyệt các thiết kế về dự toán. Vì vậy, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, thành viên Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong dự án đầu tư tại bộ ngành, địa phương, Tổ công tác sẽ có báo cáo với các cấp có thẩm quyền để bổ sung thêm các đơn vị chuyên môn giúp địa phương linh hoạt hơn trong quản lý.
“Trước mắt chưa sửa được thì các địa phương thực hiện đúng quy định hiện hành, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ, Quốc hội sửa đổi những nội dung trên”, Thứ trưởng Đông cho biết. Liên quan đến dự án nhóm A, hiện nay thẩm quyền được giao xuống cho HĐND, quy định chưa rõ. “Đây là vướng mắc mà chúng tôi ghi nhận”, ông Đông nhấn mạnh.
Trước đây, Luật Đầu tư nước ngoài năm 2000, 2005, việc cấp giấy Chứng nhận đầu tư nước ngoài được phân cấp từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư xuống Sở Kế hoạch và Đầu tư, ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế và có điều khoản chuyển tiếp rất rõ. Theo đó, thẩm quyền đã chuyển cho cấp dưới thì cấp đó sẽ điều chỉnh luôn dự án đó.
Tuy nhiên, Luật Đầu tư công chưa lường trước được điều này, nên ông Đông cho biết: “Chúng tôi ghi nhận và sẽ sửa đổi để có điều khoản chuyển tiếp nói rõ hơn theo tinh thần, đã phân cấp rồi thì phân cấp cả điều chỉnh dự án, chứ như bây giờ, dù phân cấp rồi, nhưng cứ điều chỉnh lại phải báo cáo lại, thì không ý nghĩa”.
Về thẩm quyền quyết định đầu tư dự án của chủ tịch UBND cấp tỉnh, đề xuất có thể phân cấp cho chủ tịch UBND cấp huyện hoặc cấp phó hoặc cơ quan chuyên môn. Đây là đặc thù cho các thành phố lớn, không chỉ Hà Nội, mà còn TP.HCM. “Do vậy, chúng tôi ghi nhận và sẽ báo cáo cơ quan thẩm quyền bổ sung về nội dung này trong thời gian sớm nhất”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nêu rõ.
Riêng với nội dung giải phóng mặt bằng, ông cho biết, mới đây Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư. Như vậy, về chủ trương, việc tách riêng giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư được chấp thuận. Vấn đề hiện nay là cách thức xử lý như thế nào.
Để hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ về giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ đề ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tập trung thực hiện tốt 5 nhóm giải pháp.
Một là, hoàn thành việc phân bổ, giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2021 cho các dự án dự kiến khởi công mới và các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trước ngày 15/9/2021.
Hai là, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế theo nhiệm vụ được giao và yêu cầu thực tế, đảm bảo yêu cầu về thời gian, chất lượng, khả thi.
Ba là, thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công, đẩy nhanh và nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư các dự án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền về cắt giảm kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2021 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 30/9/2021 có tỷ lệ ngân dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách trung ương được giao từ đầu năm để điều chuyển cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác.
Bốn là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư công như thẩm định dự án đầu tư có cấu phần xây dựng, triển khai kiểm soát chi vốn trong nước và đơn rút vốn của các nhà tài trợ bằng chứng từ điện tử…
Năm là, đẩy mạnh hoạt động của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương và Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng đề án thí điểm về tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư.
|
Anh Nhi -
VnEconomy
|