Bí thư Nguyễn Văn Nên nói về yêu cầu cấp thiết của việc mở cửa kinh tế
"Khi tình hình đã cơ bản kiểm soát, nguy cơ đã giảm dần, TP.HCM sẽ thực hiện kế hoạch, chiến lược phục hồi kinh tế. Trong đó, TP từng bước mở cửa nền kinh tế", Bí thư TP.HCM nói.
Phát biểu kết luận Hội nghị lần thứ 8 mở rộng của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM tối 14/9, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế tại TP.HCM sau 15/9 rất quan trọng, không chỉ với TP.HCM mà còn tác động đến cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Đây là cơ sở pháp lý để TP.HCM chuyển sang giai đoạn “bình thường mới”, từng bước thực hiện “mục tiêu kép” do Chính phủ đề ra.
Mở cửa nền kinh tế từng bước, thận trọng
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết thành phố sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết 86 của Chính phủ và các công điện của Thủ tướng. Thành phố tiếp tục xét nghiệm diện rộng theo tinh thần “thần tốc” như kế hoạch đề ra.
Đặc biệt, ưu tiên hàng đầu của TP.HCM là tiếp tục điều trị để giảm tử vong. Hiện tại, số ca tử vong vẫn cao, các trung tâm hồi sức điều trị cho bệnh nhân nặng còn nhiều.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên. Ảnh: Thu Hằng
|
Về kế hoạch sau 15/9, Thành ủy TP.HCM thống nhất cao với đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND TP.HCM và đánh giá cao kế hoạch, chiến lược trong dự thảo.
Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh mục tiêu tối thượng của TP.HCM là bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân. Vì thế, khi tình thế buộc phải áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt, luôn luôn phải tính đến yếu tố làm ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và “sức khỏe” nền kinh tế.
Tuy nhiên, khi tình hình đã cơ bản kiểm soát được, nguy cơ đã giảm dần, TP.HCM sẽ thực hiện kế hoạch, chiến lược phục hồi kinh tế. Trong đó, TP từng bước mở cửa nền kinh tế. Đây là yêu cầu cấp thiết.
"Đây không chỉ là trách nhiệm của TP.HCM đối với khu vực, đối với cả nước mà còn là trách nhiệm trong quá trình đóng góp vào chuỗi cung ứng toàn cầu", ông nói.
Bí thư Nguyễn Văn Nên khẳng định mở cửa lại nền kinh tế là trách nhiệm của TP.HCM. Ảnh: Phạm Ngôn
|
Phương châm của TP.HCM là không quá chậm so với yêu cầu của thực tiễn đặt ra khi có cơ hội nhưng không được chủ quan, nôn nóng, thực hiện từng bước thận trọng, chắc chắn, không mở cửa nếu chưa an toàn.
Bí thư Nên nhấn mạnh tinh thần vừa làm, vừa rút kinh nghiệm bởi những việc TP.HCM đã và đang làm chưa có tiền lệ. Nhiều nước trên thế giới vẫn căn cứ vào tình hình dịch bệnh mà có giải pháp, phương châm phù hợp.
Ông đánh giá cao quyết tâm của huyện Cần Giờ, Củ Chi và quận 7 khi cam kết bảo đảm được các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn; đồng thời xúc tiến ngay hoạt động mở cửa đón khách du lịch trong thời gian tới. Riêng quận 7 có điều kiện không giống huyện Cần Giờ và Củ Chi nên cần thận trọng hơn, có thời gian chuẩn bị chắc chắn hơn.
Ngoài 3 địa phương này, nhiều địa phương khác đang ấp ủ để từng bước thực hiện các biện pháp nới lỏng giãn cách.
Hội nghị thống nhất lộ trình 3 giai đoạn phục hồi kinh tế mà Ban Cán sự đảng UBND TP.HCM trình. Trong đó, giai đoạn 1 từ ngày 1/10/2021 đến 31/10/2021, giai đoạn 2 từ ngày 1/11/2021 đến 15/1/2022, giai đoạn 3 từ sau 15/1/2022. Tất cả các giai đoạn này sẽ tùy thuộc vào diễn biến dịch trên địa bàn.
Dự kiến 14 chiến lược để trở lại “bình thường mới”
Thành ủy TP.HCM thống nhất với 11 nội dung chiến lược trong kế hoạch mà UBND TP.HCM trình tại hội nghị. Cụ thể là các chiến lược về y tế và giãn cách xã hội; phục hồi kinh tế; an sinh xã hội; đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa lương thực thực phẩm cho người dân; công tác đảm bảo các vấn đề xã hội cho nhân dân; công tác huy động các nguồn lực; ứng dụng khoa học công nghệ; giáo dục đào tạo; chăm sóc sức khỏe tinh thần; công tác thông tin truyền thông; đối ngoại, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.
Thường vụ Thành ủy TP.HCM giao thêm 2 chiến lược về công tác dân vận trong tình hình mới và chiến lược tăng cường xây dựng, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở. Bí thư Nguyễn Văn Nên gợi ý thêm chiến lược công tác tư tưởng trong tình hình mới.
UBND TP.HCM sớm ban hành các chính sách với các doanh nghiệp khi phục hồi kinh tế; thu hút mọi nguồn lực xã hội vào lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống y tế.
Bí thư Nên lưu ý trong chiến lược y tế phải nêu lên đặc điểm dân số, điều kiện sống, điều kiện tiếp cận y tế của người dân trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, thành phố cần quan tâm cơ chế phòng bệnh, yếu tố lao động, nhà ở trong từng khu vực hiện nay…
“Nhiều nơi khi phòng, chống dịch Covid-19 phát hiện bất cập rất đáng lo ngại. Đây là những nơi đối diện với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn nếu xuất hiện dịch bệnh với chủng mới”, ông cảnh báo.
Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM đặc biệt lưu ý trong công tác phòng, chống dịch đã bộc lộ ra những điểm yếu mà TP.HCM cần khắc phục sớm đối với hệ thống y tế. Chiến lược cần đánh giá, rà soát để sắp xếp lại hệ thống y tế cơ sở.
Bí thư TP.HCM đề nghị mở một cơ chế cho tất cả người dân đều có thể tiếp cận hệ thống y tế thuận tiện, công bằng. Hiện nay, những bệnh nhân mắc các loại bệnh khác, không phải Covid-19, đang gặp khó khăn khi tiếp cận y tế, thuốc men khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội. Các bệnh viện, trạm xá, phòng khám tư phải mở cửa để hoạt động nhanh nhất có thể.
Ông đặc biệt lưu ý việc cấp bách thứ hai trong chiến lược y tế những ngày tới là hạn chế tử vong và củng cố nhân lực của ngành.
Gói an sinh thứ 3 phải định ra tiêu chí phù hợp, lên danh sách cụ thể và có hội đồng xét duyệt, đảm bảo tính pháp lý, công bằng. Việc chi hỗ trợ phải công khai, minh bạch. Đây cũng là cách để bảo vệ cán bộ cơ sở.
“Dịch Covid-19 với chủng Delta đã làm đảo lộn cuộc sống, là sự kiện chưa từng có, trong đời chưa gặp và đang thách thức tất cả chúng ta, không từ một ai. Khi tình thế cấp thiết, buộc chúng ta gần như không còn chọn lựa nào khác, phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt”, Bí thư Nên chia sẻ.
TP.HCM đang ở trong giai đoạn rất quan trọng khi diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước, nhất là các tỉnh, thành thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn phức tạp. Mọi quyết định cho hướng đi, phương pháp của TP.HCM đều khó khăn.
“Khi đưa ra quyết định dù tăng cường hay giảm bớt thì cũng phải nghĩ tới quyền lợi và nghĩa vụ của người dân, sao cho công bằng và đảm bảo tính pháp lý, thực tiễn và vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người”, Bí thư Nguyễn Văn Nên quán triệt.
TP.HCM phát hiện 189.000 F0 trong 7,4 triệu mẫu xét nghiệm
Qua 3 giai đoạn xét nghiệm, TP.HCM đã lấy 7,4 triệu mẫu, phát hiện 189.000 F0 và tổ chức thu dung, phân loại, phát thuốc điều trị kịp thời. Thành phố cũng tập trung chuyển trọng tâm điều trị xuống cơ sở, thành lập 512 trạm y tế lưu động, bổ sung tăng cường trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc điều trị…
Đặc biệt, TP.HCM đã mở lại 2 điểm tập kết trung chuyển hàng hóa ở chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn nhằm bổ sung nguồn hàng cung ứng cho thành phố và nối lại chuỗi cung ứng từ 37 tỉnh, thành trong cả nước.
3 quận huyện gồm quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ cơ bản đạt tiêu chí kiểm soát dịch bệnh. Nhiều quận huyện đang tiến tới ngưỡng tiêu chí kiểm soát dịch. Trên 60% địa bàn dân cư, tổ dân phố đã trở thành “vùng xanh”, “cận xanh”.
|
Thu Hằng
ZING
|