Thứ Ba, 14/09/2021 20:07

Thế khó của ngành dệt may và da giày

Theo HSBC, dịch bệnh diễn biến phức tạp đặt ra thách thức lớn cho Việt Nam, chủ yếu ở ngành da giày và dệt may do các tỉnh phía Nam đang là đầu mối sản xuất lớn của thế giới.

Báo cáo kinh tế định kỳ tháng 8 do HSBC mới công bố cho biết số liệu kinh tế tháng gần nhất đã phản ánh rõ nét sự ngưng trệ trong phục hồi kinh tế do tác động của dịch Covid-19.

Theo đó, đợt bùng dịch do biến chủng Delta đã dẫn đến việc siết chặt giãn cách ở TP.HCM và các tỉnh lân cận. Điều này khiến hoạt động tiêu dùng bị ảnh hưởng và động lực phát triển bên ngoài bị hụt hơi. Lần đầu tiên trong một năm, xuất khẩu suy giảm trong khi một số ngành đã xảy ra gián đoạn chuỗi cung ứng và sự đứt gãy về sản xuất.

Theo HSBC, tác động của đợt bùng dịch lần thứ 4 này nghiêm trọng hơn giai đoạn giãn cách xã hội cả nước trong 3 tuần hồi tháng 4/2020.

Thế khó của ngành dệt may và da giày ảnh 1
Dệt may và da giày là 2 ngành hàng bị ảnh hưởng nặng nhất bởi đợt dịch Covid-19 đang diễn ra. Ảnh: Nam Khánh.

Dệt may, da giày ảnh hưởng nặng nhất

Cụ thể, tiêu dùng cá nhân trong nước đã chịu ảnh hưởng khi khả năng đi lại của người dân bị hạn chế 60% so với trước dịch. Điều này đồng nghĩa với mức sụt giảm 40% của ngành bán lẻ so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt doanh số bán lẻ tháng 8 năm nay đã thấp hơn 10% so với tháng 4/2020.

Các chỉ số này tại các tỉnh, thành đang bị ảnh hưởng nặng bởi dịch còn tiêu cực hơn khi khả năng đi lại của người dân TP.HCM đã giảm gần 90% khiến doanh số bán lẻ giảm 51% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, HSBC cho rằng vấn đề quan trọng hơn là khả năng trụ vững của ngành sản xuất trong bối cảnh giãn cách kéo dài.

Theo đó, chỉ số PMI tháng 8 đã giảm xuống mức thấp nhất 16 tháng qua. Riêng sản xuất công nghiệp của TP.HCM đã sụt giảm 51% trong tháng 8, với ngành điện tử và dệt may bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Dữ liệu kinh tế cho thấy khó khăn lớn nhất đang là ngành da giày và dệt may vì khu vực Đông Nam Bộ hiện là một đầu mối gia công quan trọng của thế giới.

Thế khó của ngành dệt may và da giày ảnh 2
Nguồn: ITC, HSBC.

Hiện ngành da giày Việt Nam đang chiếm 15% thị phần thế giới, tăng gấp đôi trong một thập niên qua, bất chấp vị thế thống lĩnh của Trung Quốc đại lục với trên 30% thị phần.

Nike là ví dụ cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi 88/112 nhà máy của hãng tại Việt Nam đều nằm ở các tỉnh Đông Nam Bộ và chịu trách nhiệm sản xuất 50% sản phẩm giày, dép Nike trên toàn cầu.

Tương tự, Việt Nam cũng nằm trong nhóm quốc gia sản xuất dệt may lớn nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc đại lục và Bangladesh. Những đợt gián đoạn cung ứng có thể tác động mạnh đến người tiêu dùng tại Mỹ, chỉ riêng nước này đã chiếm gần một nửa lượng hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam.

Trong đó, riêng Adidas đang có khoảng 30% sản lượng sản xuất toàn cầu nằm ở Việt Nam.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hơn 30% nhà máy dệt may đang phải đóng cửa. Hai ngành này là nguyên nhân chính khiến xuất khẩu tháng 8 giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Chìa khóa vaccine

Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn đang xảy ra, HSBC cho rằng Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong thời gian tới.

Trong đó, các điều kiện nền tảng tốt sẽ giúp nhà đầu tư gạt bỏ những biến động ngắn hạn do dịch bệnh.

Hiện các nhà đầu tư Hàn Quốc đã bắt đầu mở rộng hoạt động tại Việt Nam với Samsung chuẩn bị mở rộng nhà máy điện thoại trong 6 tháng cuối năm nay nhằm tăng sản lượng điện thoại màn hình gập 47% lên 25 triệu chiếc.

Thế khó của ngành dệt may và da giày ảnh 4
Với tiến độ hiện nay, HSBC cho rằng Việt Nam có thể đạt tỷ lệ 70% dân số được tiêm đủ 2 mũi vaccine vào tháng 6/2022. Ảnh: Hoàng Giám.

Tương tự, LG Display cũng vừa được duyệt một khoản đầu tư bổ sung 1,4 tỷ USD cho nhà máy ở Hải Phòng để tăng sản lượng màn hình OLED mỗi tháng từ 9,6-10 triệu lên 13-14 triệu chiếc.

HSBC cũng cho rằng vaccine sẽ là chìa khóa để khôi phục sản xuất và chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Hiện cơ quan chức năng đã đặt mục tiêu trước ngày 15/9 phải hoàn tất tiêm cho toàn bộ đối tượng đủ điều kiện (từ 18 tuổi trở lên) ở TP.HCM và Hà Nội cùng 3 tỉnh thành khác.

Trong đó, TP.HCM nhiều khả năng là địa phương đầu tiên đạt được yêu cầu này khi tính đến ngày 5/9, 88% người dân đã được tiêm phòng, tạo điều kiện cho việc từng bước mở cửa từ trung tuần tháng 9.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có thay đổi chiến lược đối phó với dịch bệnh khi Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng kế hoạch phục hồi để sống chung với dịch Covid-19.

HSBC ước tính Việt Nam có thể nhận được tổng cộng 112 triệu liều vaccine vào cuối năm nay, đủ để tiêm 2 mũi cho hơn 56% dân số.

“Càng nhanh chóng tiêm đủ cho ít nhất 70% dân số, Việt Nam càng sớm mở cửa biên giới chào đón số đông du khách và nhà đầu tư nước ngoài. Và tỷ lệ này có thể đạt được vào quý II/2022”, HSBC nhấn mạnh.

Quang Thắng

ZING

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu sắt thép lập kỷ lục 1.5 tỷ USD nhờ thị trường Mỹ và châu Âu (15/09/2021)

>   Nếu làm chậm đường dây 500 kV, EVN có thể bị phạt hàng ngàn tỉ đồng (14/09/2021)

>   'Kiểm toán phát hiện sai phạm nhiều mà số vụ chuyển cơ quan điều tra lại ít' (14/09/2021)

>   Con dấu doanh nghiệp: Chương mới có phải là chương cuối? (14/09/2021)

>   Truy tố Tất Thành Cang và 19 đồng phạm trong sai phạm tại IPC, Sadeco (14/09/2021)

>   Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Không ban hành thêm giấy phép gây cản trở lưu thông hàng hóa (14/09/2021)

>   Quá khó để mở bán mang về (14/09/2021)

>   TP.HCM: Từ 16.9, shipper hoạt động liên quận, tiếp tục được xét nghiệm Covid-19 miễn phí (13/09/2021)

>   Từ 1/10, những phương tiện nào tự động được miễn phí đường bộ? (13/09/2021)

>   Tổng công ty Đường sắt được phép lỗ không quá 700 tỉ đồng (13/09/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật