Vietstock Weekly 16-20/08/2021: Đà tăng sẽ còn tiếp tục
Trong khung thời gian tuần, VN-Index có tuần thứ 3 liên tiếp tăng điểm sau khi phục hồi từ đường Middle. Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch tiếp tục cải thiện và nằm trên mức trung bình 20 tuần.
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN 09-13/08/2021
Trong phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index tăng mạnh và tạo cây nến xanh có thân lớn hơn những cây nến trước đó. Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình 20 phiên cho thấy dòng tiền vẫn đang khá ổn định. Những tín hiệu này cho thấy tình hình vẫn đang tích cực.
Đà tăng này tiếp tục diễn ra trong phiên tiếp theo khi VN-Index kết phiên với cây nến xanh và khối lượng giao dịch vẫn đang duy trì trên mức trung bình 20 phiên.
Tuy nhiên, sau 2 phiên tăng điểm, VN-Index liên tục xuất hiện rung lắc khi tạo 2 cây nến có thân nhỏ và bóng trên dài (long upper shadow). Điều này chứng tỏ bên bán đang chiếm được ưu thế ở vùng giá cao.
Ở phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đóng cửa với mẫu hình nến Hammer. Hình ảnh bóng dưới dài (long lower shadow) xuất hiện tại vùng hỗ trợ 1,320-1,340 điểm (đường SMA 50 ngày và ngưỡng Fibonacci Projection 23.6%) thể hiện lực mua đã xuất hiện trở lại tại đây.
Trong khung thời gian tuần, VN-Index có tuần thứ 3 liên tiếp tăng điểm sau khi phục hồi từ đường Middle. Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch tiếp tục cải thiện và trở lại nằm trên mức trung bình 20 tuần.
Trong tuần tới, nếu đà tăng này tiếp tục diễn ra thì kháng cự tiếp theo của chỉ số sẽ là vùng 1,380-1,400 điểm (ngưỡng Fibonacci Projection 38.2%). Thêm vào đó, khối lượng giao dịch cần duy trì trên mức trung bình 20 phiên để đà tăng được bền vững.
PHÂN TÍCH KỸ THUẬT
Phân tích Xu hướng và Dao động giá
VN-Index - Giữ vững được vùng hỗ trợ 1,320-1,340 điểm
Trong phiên giao dịch ngày 13/08/2021, VN-Index đóng cửa với mẫu hình nến Hammer. Hình ảnh bóng dưới dài (long lower shadow) xuất hiện tại vùng hỗ trợ 1,320-1,340 điểm (đường SMA 50 ngày và ngưỡng Fibonacci Projection 23.6%) chứng tỏ bên mua hoạt động mạnh tại đây và giúp chỉ số tăng điểm trở lại.
Nếu hỗ trợ này vẫn được giữ vững thì chỉ số có thể tiến lên test ngưỡng Fibonacci Projection 38.2% (tương đương vùng 1,380-1,400 điểm).
Tuy nhiên, chỉ báo Stochastic Oscillator đã cho tín hiệu bán tại vùng quá mua (overbought). Nếu tín hiệu này tiếp tục duy trì và chỉ báo rơi xuống dưới mức 80 thì rủi ro điều chỉnh sẽ tăng cao. Khi đó, vùng 1,320-1,340 điểm vẫn sẽ là hỗ trợ quan trọng.
Trong khung thời gian tuần, VN-Index tiếp tục có tuần thứ 3 tăng điểm liên tiếp sau khi vượt đường Middle của Bollinger Bands. Khối lượng giao dịch tăng cao vượt mức trung bình 20 tuần chứng tỏ dòng tiền đang được cải thiện.
Chỉ báo MACD và chỉ báo Stochastic Oscillator đã tạm ngưng đã giảm. Nếu tín hiệu mua xuất hiện trở lại ở những chỉ báo này thì tình hình sẽ khả quan hơn.
HNX-Index - Test thành công vùng 320-330 điểm
Trong phiên giao dịch ngày 13/08/2021, HNX-Index rơi về test vùng đỉnh cũ đã bị vượt qua của tháng 07/2021 (tương đương vùng 320-330 điểm). Lực mua xuất hiện tại hỗ trợ này đã giúp chỉ số tăng trưởng tích cực trở lại.
Mục tiêu mà chỉ số đang hướng đến trong thời gian tới sẽ là vùng 360-370 điểm (theo nguyên lý đối xứng trong phân tích kỹ thuật).
Khối lượng giao dịch vẫn duy trì trên mức trung bình 20 phiên chứng tỏ nhà đầu tư đang giao dịch rất sôi động. Khối lượng cần được duy trì ổn định ở mức cao để chỉ số có thể tăng trưởng bền vững.
Phân tích Dòng tiền
Biến động của dòng tiền thông minh: Chỉ báo Negative Volume Index của VN-Index hiện đang nằm trên đường EMA 20 ngày. Nếu trạng thái này tiếp tục duy trì trong những phiên tới thì rủi ro sụt giảm bất ngờ (thrust down) sẽ được giảm thiểu.
Biến động của dòng tiền từ khối ngoại: Khối ngoại bán ròng trong phiên giao dịch ngày 13/08/2021. Nếu nhà đầu tư nước ngoài duy trì hành động này trong những phiên tới thì khả năng thị trường lao dốc sẽ tăng lên.
Bộ phận Phân tích Kỹ thuật, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|