Chứng khoán Tuần 09-13/08/2021: Chật vật nhưng vẫn có tuần tăng điểm
Trong phiên cuối tuần, VN-Index có lúc giảm sâu hơn 15 điểm nhưng đã có pha lội ngược dòng đầy ấn tượng về cuối phiên. Qua đó giúp VN-Index tăng nhẹ 4 điểm để kết thúc tuần ở mức 1,358.05 điểm. Khối lượng giao dịch trung bình tuần qua cải thiện mạnh mẽ trên cả hai sàn cho thấy đây là tuần giao dịch hết sức sôi động của VN-Index.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 09-13/08/2021
Giao dịch: Trong phiên cuối tuần, VN-Index tăng nhẹ 0.3% lên mức 1,357.05 điểm; HNX-Index tăng tốt hơn ở mức 0.79%, đạt mức 336.96 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index tăng tổng cộng 1.16% và HNX-Index tăng khá mạnh 3.53%.
Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt hơn 704 triệu cổ phiếu/phiên, tăng mạnh 13.42%. Sàn HNX còn ấn tượng hơn nữa khi đạt trung bình gần 150 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 23.79%.
Khóa học Online
PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NÂNG CAO
💡 Khai giảng: 16/8/2021
💡 Ưu đãi lên đến: 50%++
Hotline: 0908 16 98 98
👉 ĐĂNG KÝ NGAY
|
VN-Index hứng khởi khi khởi đầu với phiên giao dịch tăng tích cực 1.37% với sắc xanh lan tỏa khắp thị trường. Đây cũng là phiên tăng mạnh nhất trong cả tuần, VN-Index ở các phiên giao dịch còn lại giao dịch khá thận trọng với phiên tăng giảm nhẹ đan xen nhau. Diễn biến này của thị trường có thể do tác động từ việc các tổ chức uy tín như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng HSBC, Ngân hàng Standard Chartered... hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam. Khối ngoại trong tuần qua có tới 4/5 phiên bán ròng trên cả hai sàn HOSE. Ở phiên cuối tuần, VN-Index giao dịch khá khó lường khi có thời điểm giảm mạnh hơn 15 điểm tuy nhiên sau đó chỉ số đã bật tăng mạnh mẽ để kết phiên ở mức 4 điểm tăng, qua đó giúp giữ được đà tăng cả tuần cho thị trường.
Trong tuần qua, VHM, VPB, VNM và VCB là 4 cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất, khi đóng góp tổng cộng hơn 10 điểm tăng cho VN-Index. Trong khi đó, VIC, NVL và SAB có ảnh hưởng tiêu cực nhất nhưng cũng chỉ góp khiêm tốn ở mức 4 điểm giảm.
Nhóm chế biến thủy sản có tuần tăng điểm mạnh mẽ ở mức 6.98% khi hàng loạt cổ phiếu thủy sản trong ngành đồng loạt bật tăng. Dù nhiều thông tin có phần thiếu lạc quan về triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp thủy sản trong nửa còn lại năm 2021, các cổ phiếu thủy sản lớn như VHC tuần qua tăng tới 7.89%, ANV tăng 8.33% hay FMC tăng 5.86%. Tuy nhiên, nổi bật nhất là MPC với mức tăng hơn 10%. Lý do là vì MPC ghi phải thu thuế chống bán phá giá tại thời điểm cuối tháng 06/2021 hơn 336 tỷ đồng trong khi đầu năm không ghi nhận khoản này. Đây là số tiền thuế chống bán phá giá mà Mseafood - Công ty con của MPC được hoàn lại.
Nhóm bất động sản cũng là một trong những nhóm đáng chú ý dù chỉ tăng nhẹ 0.8%. Trong nhóm này tuần qua chứng kiến sự phân hóa rõ rệt giữa mã tăng và giảm giá. Mã cổ phiếu VHM tăng mạnh 5.36%. Trong khi đó, các cổ phiếu bất động sản lớn khác như BCM, NVL lại quay đầu giảm nhẹ quanh mức 2%. Đáng chú ý, cổ phiếu DIG tăng mạnh 17.04% với nhiều phiên bứt phá mạnh mẽ trong tuần qua. Trong phiên giao dịch ngày 13/08/2021, giá cổ phiếu DIG đã vượt lên trên mức giá cao nhất lịch sử (tính theo dữ liệu điều chỉnh). Khối lượng giao dịch cũng ở mức rất cao và liên tục nằm trên mức trung bình 20 phiên gần nhất cho thấy dòng tiền thị trường đang bơm mạnh vào DIG.
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 2,231 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại bán ròng gần 2,153 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng hơn 78 tỷ đồng trên sàn HNX.
Cổ phiếu tiêu biểu trong tuần qua là TGG và DPM
TGG tăng 39.22%: Cổ phiếu TGG liên tục tăng mạnh từ giữa tháng 7/2021 sau khi kết quả kinh doanh tích cực trong quý 2/2021 được công bố. Đà tăng của TGG dường như vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt khi cổ phiếu này có tới 5 phiên giao dịch tăng kịch trần trong tuần qua.
DPM tăng 19.83%: Giá nông sản không ngừng tăng cao trong thời gian qua, cùng với đó là thời tiết canh tác thuận lợi đã giúp công ty phân bón DPM có thể giữ cho mình biên lợi nhuận cao cho các sản phẩm phân bón. Nhờ vậy, cổ phiếu DPM thu hút nhiều sự chú ý của nhà đầu tư và tăng mạnh 19.83% trong tuần qua với khối lượng giao dịch tăng cao đột biến.
Cổ phiếu giảm giá mạnh trong tuần qua là EVS
EVS giảm 23.40%: EVS có tuần sụt giảm mạnh với 4/5 chìm sâu trong sắc đỏ. Sau khi có giai đoạn tăng trưởng nóng từ mức giá quanh mức 8,000 đồng/cp lên mức cao nhất 35,700 đồng/cp, EVS đã không tránh khỏi nhiều phiên điều chỉnh mạnh do áp lực chốt lời lớn của nhà đầu tư.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
Bộ phận Phân tích Kinh tế & Chiến lược Thị trường, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|