VDSC: VN-Index tháng 8 sẽ dao động trong trong khoảng 1,260-1,370 điểm
Sau khi xuất hiện nhiều phiên điều chỉnh trong tháng 7/2021, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (HOSE: VDS) cho rằng thị trường chứng khoán tháng 8 sẽ tích lũy đi lên nhưng VDS vẫn lo ngại đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong tháng 7/2021, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng trở lại lần đầu tiên kể từ tháng 1/2020 với tổng giá trị mua ròng là 3,602 tỷ đồng (tương đương 155 triệu USD). Theo quan điểm của VDS, động thái của các nhà đầu tư nước ngoài là dễ hiểu khi thị trường Việt Nam có tiềm năng phục hồi mạnh mẽ sau khi kiểm soát dịch Covid-19. Do đó, VDS kỳ vọng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có những động thái tích cực hơn trong thời gian tới.
Nguồn: VDS
|
Không chỉ chịu ảnh hưởng từ khối ngoại, VDS kỳ vọng thị trường sẽ phản ứng tích cực với triển vọng kinh tế phục hồi vào năm 2022, nhờ việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng tại TPHCM. Cụ thể, VDS tin rằng 70% công dân trên tổng 9 triệu dân TPHCM sẽ được tiêm ít nhất một mũi vaccine vào tháng 8.
Bên cạnh tiêm chủng vaccine, việc thắt chặt cách ly đã cho thấy hiệu quả ban đầu khi số ca nhiễm Covid-19 hằng ngày có xu hướng giảm kể từ mức cao nhất vào ngày 27/07 với 10,774 ca. Nếu mọi chuyện thuận lợi, dịch bệnh sẽ dần được kiểm soát và các hoạt động kinh tế được đẩy mạnh trong quý 4/2021.
Tuy nhiên, kỳ vọng phục hồi sẽ gặp thách thức khi tình trạng giãn cách hiện tại kéo dài và các hoạt động của nền kinh tế không thể tái khởi động như dự kiến vào quý 4/2021, điều này sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường.
Trong tháng 8 này, VDS kỳ vọng các cổ phiếu liên quan ngành tiêu dùng sẽ hỗ trợ VN-Index, dựa trên triển vọng kết quả kinh doanh quý 3/2021 mạnh mẽ từ nhu cầu cao của người dân với các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm trong thời gian giãn cách. Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản, câu chuyện phát hành riêng lẻ của các cổ phiếu vốn hóa vừa và bán cổ phiếu quỹ có thể dẫn dắt thị trường vào giai đoạn cuối quý 3 và quý 4/2021. Đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng, VDS cho rằng đà tăng mạnh như 6 tháng đầu năm 2021 khó lặp lại do nền cao của cùng kỳ năm trước và dự kiến tăng trưởng của nhóm này sẽ chậm lại trong quý 3/2021. VDS vẫn giữ quan điểm trung lập với nhóm cổ phiếu dầu khí khi đà tăng mạnh của giá dầu trong nửa đầu năm 2021 dự kiến sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2021. Ngoài ra, VDS tiếp tục thận trọng với các cổ phiếu trong nhóm du lịch và giải trí do tác động mạnh mẽ của dịch bệnh Covid-19. Nhìn chung, VDS kỳ vọng VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1,260-1,370 điểm.
Đối với chiến lược đầu tư trong tháng 8, VDS cho rằng với việc thu nhập quý 2/2021 của nhiều doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ và thị trường trải qua một tháng giảm điểm đã khiến định giá trở về mức hấp dẫn hơn. Ngoài ra, VDS tin rằng thị trường chứng khoán có thể được củng cố hơn nữa bởi lượng tiền mặt dồi dào sẵn có của các nhà đầu tư cá nhân, dường như vẫn hiện hữu trên thị trường chứng khoán do việc phong tỏa đã cản trở dòng tiền chảy qua các kênh đầu tư khác. Điều này một phần được chứng minh bằng sự phục hồi của thị trường trong nửa cuối tháng 7, mặc dù có sự gia tăng số lượng lớn các ca nhiễm Covid-19 mới và kéo dài thời gian phong tỏa. Hơn nữa, tin tức về các lô vaccine được đưa về Việt Nam hàng tuần có thể củng cố thêm tâm lý thị trường.
Theo danh sách của VDS, ba ngành đã gần như hoàn thành và vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm, đó là Thép (98%), Bảo hiểm (101%) và Phân bón (197%). Trong khi 10/19 ngành nhìn chung ghi nhận thu nhập tốt hơn mong đợi, tuy nhiên, điều này không có nghĩa là kết quả từ các ngành còn lại kém hơn mong đợi. Ngược lại, một số công ty còn có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong 6 tháng cuối năm 2021.
Nguồn: VDS
|
Mặc dù có những dự đoán tích cực về triển vọng thị trường chung trong thời gian tới nhưng VDS cho rằng tỷ lệ sinh lời sẽ có sự phân hóa đáng kể giữa các ngành, do những ảnh hưởng không đồng đều từ việc giãn cách đối với các doanh nghiệp. Cụ thể, VDS kỳ vọng các công ty có hoạt động xuất khẩu những loại hàng hóa/dịch vụ với tiềm năng tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm và các công ty cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho vận tải quốc tế sẽ mang lại hiệu suất vượt trội. Điều này dựa trên kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại chủ chốt của Việt Nam sẽ tăng trở lại trong thời gian tới. Các nước này hiện đã có tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao, và điều này cho phép họ mở cửa nền kinh tế rộng rãi hơn. Ngoài ra, các lĩnh vực khác như ngành tiêu dùng thiết yếu cũng được dự kiến sẽ hoạt động tốt do nhu cầu đối với thực phẩm đóng gói tăng vọt sau khi diễn ra phong tỏa trong thời gian dài.
Thượng Ngọc
FILI
|