Thứ Sáu, 20/08/2021 18:30

Thị trường ô tô đã thực sự “ngấm đòn” Covid-19?

Tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài đang đẩy thị trường ô tô Việt Nam vào đà lao dốc không phanh dù đã có được giai đoạn 3 tháng đầu năm gắng gượng vượt khó. Các chuyên gia kinh tế nhận định, ngành ô tô dường như đã bắt đầu thực sự “ngấm đòn” đại dịch.

Sức mua ô tô trên thị trường ngày càng giảm sâu do dịch bệnh Covid-19 kéo dài.

KIỆT SỨC VÌ COVID-19

Theo các con số thống kê của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), sức mua ô tô trên toàn thị trường vừa có 4 tháng liên tiếp sụt giảm mạnh và ngày càng cho thấy dấu hiệu giảm sâu.

Tháng 4/2021, tổng sức mua ô tô trên toàn thị trường bất ngờ chững lại và giảm nhẹ so với tháng liền kề trước đó, đạt 30.065 chiếc. Sang đến tháng 5, sức mua ô tô tiếp tục giảm với với tốc độ đi xuống nhanh hơn, chỉ còn đạt 25.585 xe bán ra thị trường. Đà xuống dốc có phần được hãm lại trong tháng 6 khi lượng xe bán ra thị trường đạt 23.587 chiếc. Tưởng chừng như đó sẽ là một tín hiệu khích lệ và con đường dốc xuống chỉ là đoạn ngắn. Tuy nhiên, sang đến tháng 7 thì “cỗ xe” thị trường ô tô lại có có cú đổ đèo không phanh khi sức mua sụt giảm rất sâu xuống còn vẻn vẹn 16.035 chiếc.

Đáng chú ý là trong suốt giai đoạn từ đầu năm cho đến hết tháng 7, các hãng xe vẫn luôn nỗ lực vượt khó bằng hình thức giảm giá và khuyến mại lớn nhằm lôi kéo người tiêu dùng ở lại thị trường. Những đợt giảm giá mạnh tay trên cả thị trường xe nhập khẩu lẫn lắp ráp trong nước đã giúp mặt bằng giá bán lẻ ô tô được kéo xuống rất thấp.

Theo đánh giá của giới kinh doanh ô tô, mặt bằng giá xe nói chung trên thị trường ở thời điểm tháng 7/2021 đã thấp tương đương với giai đoạn năm 2017, thời kỳ sức mua cũng sụt giảm mạnh do tâm lý chờ đợi xe nhập khẩu giá rẻ nhờ thuế suất 0% từ Thái Lan và Indonesia. Thậm chí, đại diện một số doanh nghiệp ô tô còn cho biết, với việc áp dụng các mức giảm giá sâu trong khi các loại thuế và chi phí doanh nghiệp vẫn giữ nguyên đang khiến cho không ít hãng xe phải chịu lỗ để duy trì hoạt động.

Chính bởi vậy, với tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài và thậm chí đang diễn biến phức tạp hơn, các doanh nghiệp ô tô đang phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ kéo dài.

Nhìn từ phương diện người tiêu dùng, bức tranh thị trường ô tô càng có chiều hướng xấu đi trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài và hàng loạt địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. Các hình thức giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và 17 của Chính phủ đang gần như đẩy thị trường ô tô vào trạng thái đóng băng.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, khó khăn của ngành ô tô giai đoạn này đã không chỉ còn đến từ việc các hoạt động giao thương bị ngưng trệ do giãn cách xã hội. Nhìn rộng hơn, thị trường ô tô Việt Nam hiện nay đang cho thấy những dấu hiệu rõ rệt về trạng thái “ngấm đòn” bởi đại dịch Covid-19.

Giai đoạn từ nửa cuối năm ngoái đến quý 1 năm nay, thị trường ô tô vẫn còn gắng gượng được nhờ nhu cầu mua sắm phương tiện của doanh nghiệp và người tiêu dùng cá nhân chưa bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài đã khiến các doanh nghiệp và người dân rơi vào cảnh khó khăn, các hoạt động sản xuất – kinh doanh ngưng trệ, thu nhập của người dân suy giảm nặng nề. Điều này gần như đương nhiên sẽ khiến việc mua sắm ô tô không còn là lựa chọn ưu tiên mà thay vào đó là các nhu cầu cơ bản để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống.

CẦN SỚM CÓ CÁC GIẢI PHÁP HỖ TRỢ

Nguy cơ “đóng băng’ của thị trường ô tô đang dần hiện hữu khi sức mua liên tiếp giảm sâu. Nhiều doanh nghiệp ô tô cho biết đang phải gánh chịu tình trạng thua lỗ kéo dài. Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, ngành ô tô Việt Nam đang rất cần đến những giải pháp hỗ trợ từ chính sách.

Trên thực tế, mới đây Chính phủ cũng đã chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu các giải pháp nhằm hỗ trợ ngành ô tô vượt qua khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19.

Sức mua ô tô trên thị trường ngày càng giảm sâu do dịch bệnh Covid-19 kéo dài.

Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trong đó, dự thảo nghị quyết có đề cập đến hai giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ ngành ô tô, bao gồm (1) giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước và (2) tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước (CKD).

Theo đánh giá, đây sẽ là những giải pháp hữu hiệu nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vượt qua khó khăn. Thực tế cũng cho thấy, chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô CKD áp dụng từ ngày 28/6/2020 cho đến hết ngày 31/12/2020 theo Nghị định 70/2020/NĐ-CP đã góp phần rất lớn giúp ổn định sức mua ô tô trên thị trường.

Bộ Tài chính cho biết, sau khi tổng kết việc thực hiện Nghị định số 70/2020/NĐ-CP, nhờ việc giảm 50% phí trước bạ cho ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng cuối năm ngoái, tổng số thuế, phí của doanh nghiệp ôtô đóng góp vào ngân sách đã tăng khoảng 11.200 tỷ đồng. Có thể thấy chính sách đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, kích thích nhu cầu mua xe ô tô của các tổ chức, cá nhân; đồng thời góp phần ổn định nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19.

Tuy nhiên, việc nghiên cứu thực hiện giải pháp áp dụng trở lại chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đang vấp phải những phản hồi từ khối doanh nghiệp ô tô nhập khẩu.

Mới đây, nhà nhập khẩu chính hãng Audi là Công ty TNHH Ô tô Á châu đã có văn bản góp ý về việc xây dựng nghị quyết của Chính phủ. Hãng xe này cho rằng việc chỉ hỗ trợ lệ phí trước bạ đối với các loại ô tô lắp ráp trong nước là có sự phân biệt đối xử. Trong khi đó, các nghĩa vụ đối với nhà nước và những khó khăn mà khối doanh nghiệp ô tô nhập khẩu phải thực hiện và đối mặt là tương đồng với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

Phản ứng tương tự cũng đã từng được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đưa ra hồi năm ngoái sau khi Nghị định 70/2020/NĐ-CP về hỗ trợ lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được ban hành.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, khi những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 mà các doanh nghiệp phải đối mặt là như nhau thì các chính sách hỗ trợ cũng cần được áp dụng toàn diện hơn.

An Nhi -

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Intel Vietnam ‘bay’ 140 tỉ đồng sau 30 ngày áp '1 cung đường - 2 địa điểm' (20/08/2021)

>   Tập đoàn Hoa Sen là “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2020 do Bộ Công thương phê duyệt (20/08/2021)

>   Làm gì khi làn sóng doanh nghiệp nhỏ và vừa phá sản? (20/08/2021)

>   Cấp thiết trợ lực doanh nghiệp: Không phải giảm giá điện hay chi phí, mà cần vaccine và chính sách (20/08/2021)

>   Bộ Công Thương nêu loạt giải pháp giải quyết ùn tắc tại cảng biển (20/08/2021)

>   Doanh nghiệp dệt may kiến nghị các giải pháp gỡ khó trước đại dịch (20/08/2021)

>   Xuất khẩu trong mùa dịch: Chông chênh mục tiêu cuối năm (19/08/2021)

>   'Khai tử' hãng hàng không Globaltrans Air (19/08/2021)

>   "Kiệt quệ" với Covid-19 và giá vật liệu: Doanh nghiệp nhà thầu xây dựng "xin" dừng, tính lãi suất vay ngân hàng 0% (19/08/2021)

>   Doanh nghiệp lo chi phí xuất khẩu tăng khi Trung Quốc áp quy định mới ở cửa khẩu Tân Thanh (19/08/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật