Thứ Sáu, 20/08/2021 09:43

Bộ Công Thương nêu loạt giải pháp giải quyết ùn tắc tại cảng biển

Bộ Công Thương vừa có văn bản về việc xin ý kiến dự thảo Thông tư quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển.

Vừa qua, Cảng Cát Lái đã rơi vào tình trạng quá tải, hàng hóa ùn ứ

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã ký văn bản hỏa tốc số 4988/BCT-XNK trả lời công văn số 8823/BTC-TCHQ ngày 6/8/2021 của Bộ Tài chính về việc xin ý kiến dự thảo Thông tư quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển (dự thảo Thông tư).

Về cơ bản, Bộ Công Thương nhất trí với dự thảo Thông tư. Tuy nhiên, việc ùn tắc hàng hóa tại cảng biển không chỉ do nguyên nhân của hàng hóa nhập khẩu và khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 mới xảy ra.

Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho các cảng biển tránh việc ùn tắc hàng hóa xảy ra không chỉ do khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, Bộ Công Thương đề nghị sửa tên Thông tư thành: “Thông tư quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa ùn tắc tại cảng biển."

Đồng thời, đoạn cuối của phần căn cứ, đề nghị sửa đổi nội dung cho phù hợp với việc sửa đổi tên Thông tư nêu trên thành: “Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa ùn tắc tại cảng biển.”

Song song với đó, sửa đổi điều 1 thành: “Thông tư này quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa ùn tắc tại cảng biển, đồng thời bổ sung đối tượng là Doanh nghiệp chủ hàng.”

Về cơ sở xác định hàng hóa ùn tắc tại cảng biển, Bộ Công Thương cho rằng, cơ sở xác định hàng hóa ùn tắc tại cảng biển là sản lượng hàng hóa tồn bãi đạt ngưỡng sức chứa thiết kế tối đa cho phép của cảng biển đã được doanh nghiệp kinh doanh cảng biển công bố.

Đồng thời, có văn bản của doanh nghiệp kinh doanh cảng biển về việc sản lượng hàng tồn bãi đạt ngưỡng sức chứa thiết kế tối đa cho phép của cảng biển được Chi cục Hải quan quản lý kiểm tra, xác nhận đồng ý cho áp dụng thực hiện Thông tư này.

Tại khoản 1 Điều 5 “Doanh nghiệp kinh doanh cảng biển nơi hàng hóa vận chuyển đi,” đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm b thành: Chỉ thực hiện vận chuyển hàng hóa khi có sự chấp thuận của hãng tàu/đại lý hãng tàu hoặc chủ hàng đã xác lập quyền sở hữu hàng hóa với hãng tàu/đại lý hãng tàu và kế hoạch vận chuyển hàng hóa đã được Chi cục Hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đi phê duyệt.

Toàn bộ lô hàng, thuộc cùng một vận tải đơn, cùng thuộc một chủ hàng về cùng một cảng biển, cảng cạn, ICD để lưu giữ hàng hóa. Đồng thời, sửa đổi điểm c thành: “Có văn bản thông báo cho Chi cục Hải quan quản lý kiểm tra về việc sản lượng hàng hóa tồn bãi đạt ngưỡng sức chứa thiết kế tối đa cho phép của cảng biển và xác nhận đủ điều kiện áp dụng Thông tư này.”

Bên cạnh đó, sửa đổi điểm e thành: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc sau thời gian thực hiện việc vận chuyển hàng hóa cần chuyển cửa khẩu, báo cáo quyết toán tình hình thực hiện việc vận chuyển hàng hóa (theo mẫu số 02 ban hành kèm Thông tư này).”

Bộ Công Thương cũng đề nghị cân nhắc bỏ nội dung quy định tại các điểm d, e, g tại khoản 1 Điều 5 bởi hướng dẫn tại điểm đ khoản 1 Điều 5 Thông tư này đã cơ bản đáp ứng đầy đủ nội hàm các quy định của điểm d, e, g.

Hơn nữa, việc báo cáo được thực hiện qua giao thức hải quan điện tử sẽ giảm được các bước quy trình thực hiện cho các đơn vị liên quan và phù hợp với thực tiễn do khoảng cách về địa lý giữa điểm đi và điểm đến.

Tại Điều 6 về trách nhiệm của hãng tàu/đại lý hãng tàu, Bộ Công Thương đề nghị bổ sung nội dung: “Trường hợp chủ hàng đã hoàn tất thủ tục nhận hàng, xác nhận quyền chủ sở hữu hàng hóa với hãng tàu/đại lý hãng tàu, chủ hàng và doanh nghiệp kinh doanh cảng biển sẽ quyết định địa điểm cảng, ICD vận chuyển hàng hóa đến, sau khi được cơ quan hải quan phê duyệt đủ điều kiện áp dụng thông tư này. Chi phí vận chuyển phát sinh do các bên tự thỏa thuận."

Bộ Công Thương lý giải theo thông lệ, hàng hóa chuyển cảng đích là trách nhiệm của hãng tàu với chủ hàng, nên việc vận chuyển về cảng đích do hãng tàu hoặc tổ chức được hãng tàu ủy quyền thực hiện, khi hàng hóa được vận chuyển đến cảng đích và chủ hàng hoàn tất thủ tục xác nhận quyền chủ sở hữu với hãng tàu thì hãng tàu mới hết trách nhiệm trên hợp đồng vận chuyển.

Theo quy định của Thông tư này, trường hợp chủ hàng hoàn tất thủ tục xác nhận quyền chủ sở hữu hàng hóa với hãng tàu thì hãng tàu đã hết trách nhiệm, nên trách nhiệm thực hiện thủ tục hải quan và vận chuyển đến cảng, ICD để lưu giữ chờ thông quan theo Thông tư này sẽ do chủ hàng hoặc tổ chức được chủ hàng ủy quyền thực hiện.

Vì vậy, đề nghị làm rõ và bổ sung hướng dẫn đối với trường hợp nêu trên, chủ hàng phải cung cấp thêm chứng từ là Lệnh Giao hàng của hãng tàu và Giấy ủy quyền cho tổ chức đại diện thực hiện thủ tục hải quan và vận chuyển, trong hồ sơ Đề nghị vận chuyển về cảng, ICD chờ làm thủ tục thông quan cho cơ quan hải quan xét duyệt mà không cần ý kiến của hãng tàu.

Bộ Công Thương cũng đề nghị bỏ điểm b khoản 2 Điều 7 vì hàng hóa được vận chuyển bằng hình thức vận chuyển độc lập, nên khi hàng hóa đã tập kết đầy đủ tại điểm đến, cơ quan hải quan điểm đến xác nhận hàng hóa đã đến điểm đến bằng nghiệp vụ BIA trên hệ thống hải quan điện tử.

Tại khoản 3 Điều 7, nhằm hỗ trợ việc vận chuyển nhanh, kịp thời xếp dỡ hàng hóa lên tàu, giải phóng hàng hóa và tàu nhanh chóng, đề nghị sửa đổi, bổ sung thành: “Đối với hàng hóa container xuất nhập khẩu, trung chuyển còn nguyên niêm phong của hãng vận chuyển thuộc đối tượng quy định tại Điều 50 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại điểm 3 khoản 28 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Bộ Tài chính, khi thực hiện theo hình thức vận chuyển độc lập giữa các cảng thuộc cùng khu vực giám sát của cùng chi cục Hải quan quản lý thì không thực hiện niêm phong hải quan."

Bởi theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Bộ Tài chính, hàng hóa khi thực hiện theo hình thức vận chuyển độc lập giữa các cảng thuộc cùng khu vực giám sát của cùng chi cục Hải quan quản lý vẫn phải niêm phong hải quan trước khi vận chuyển.

Tại Điều 8 “Hiệu lực thị hành, Bộ Công Thương đề nghị làm rõ nội dung tại khoản 2. Đồng thời đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 thành: “Trong quá trình thực hiện, trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc có liên quan, cơ quan hải quan, người khai hải quan và các đơn vị tổ chức có liên quan báo cáo phản ánh cụ thể về Bộ Tài chính để được xem xét, giải quyết.”

Tại mục 3 Phụ lục 1, ở cột “Biển kiểm soát phương tiện vận tải vận chuyển hàng hóa,” đề nghị chỉ thể hiện loại hình vận chuyển là thủy hay bộ.

Trong hoạt động vận tải chỉ có thể biết chính xác tên phương tiện, biển kiểm soát phương tiện vận chuyển sau khi cơ quan hải quan phê duyệt hàng hóa đủ điều kiện vận chuyển và trong quá trình xếp, dỡ hàng hóa lên phương tiện sẽ có những phát sinh liên quan đến kỹ thuật vận hành của phương tiện nên có sự thay đổi. Vì vậy, đề nghị chỉ thực hiện giám sát theo tuyến đường, thời gian vận chuyển và kẹp chì hải quan, hãng vận chuyển./.

Uyên Hương

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp dệt may kiến nghị các giải pháp gỡ khó trước đại dịch (20/08/2021)

>   Xuất khẩu trong mùa dịch: Chông chênh mục tiêu cuối năm (19/08/2021)

>   'Khai tử' hãng hàng không Globaltrans Air (19/08/2021)

>   "Kiệt quệ" với Covid-19 và giá vật liệu: Doanh nghiệp nhà thầu xây dựng "xin" dừng, tính lãi suất vay ngân hàng 0% (19/08/2021)

>   Doanh nghiệp lo chi phí xuất khẩu tăng khi Trung Quốc áp quy định mới ở cửa khẩu Tân Thanh (19/08/2021)

>   Kiểm toán chỉ ra nhiều sai sót của tập đoàn, tổng công ty Nhà nước (19/08/2021)

>   Nhập siêu: “Gam màu xám” trong bức tranh xuất nhập khẩu (19/08/2021)

>   Nguy cơ đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu (19/08/2021)

>   TPHCM đề xuất miễn phí xét nghiệm COVID-19 cho các doanh nghiệp (19/08/2021)

>   Ngành hải quan triển khai giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp (18/08/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật