Tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp trong cao điểm dịch COVID-19” do Tạp chí Hải quan tổ chức ngày 18/8, ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) chia sẻ, do yêu cầu cấp bách chống dịch từ tháng 5/2021 đến nay, nhiều hoạt động không thiết yếu bị tạm dừng, nhiều khu vực bị phong tỏa đã làm ảnh hưởng đến hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu của DN. Hoạt động lưu thông vận chuyển hàng hóa cũng gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, đình trệ sản xuất là rất cao. Các đơn vị hải quan cũng chịu ảnh hưởng.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Hải quan, Cục Giám sát quản lý về hải quan đã tham mưu, đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho hoạt động XNK đảm bảo chuỗi cung ứng không bị gián đoạn.
Theo đó, Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn hướng dẫn chấp nhận cho doanh nghiệp được nộp bản scan một số chứng từ thuộc hồ sơ hải quan theo quy định phải nộp bản chính như: Giấy phép hoặc giấy chứng nhận kiểm tra nhà nước về chất lượng để DN có thể thực hiện ngay thủ tục thông quan hàng hóa và nộp bổ sung các bản chính sau khi hàng hóa được thông quan.
Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo hải quan địa phương thành lập các tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để đảm bảo kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, trong đó có việc cho phép Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn được vận chuyển hàng hóa đang ùn ứ tại Cảng Cát Lái đến các khu vực cảng biển, cảng cạn khác trên địa bàn TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai để giải tỏa tình trạng quá tải...
Với mặt hàng nông sản, nhất là hoa quả xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới đường bộ, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo hải quan các tỉnh thành phố biên giới phía bắc đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa, giải phóng hàng nhanh...
Hải quan địa phương cũng không xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp doanh nghiệp chậm làm thủ tục hải quan, làm thủ tục hải quan không đúng thời hạn theo quy định do doanh nghiệp không thể nhận hàng trong tình huống bất khả kháng...
Đại diện hải quan một số địa phương ở tâm dịch (Bình Dương, Đồng Nai...) cũng chia sẻ việc linh hoạt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm bảo đảm không để gián đoạn các chuỗi cung ứng, trong đó chú ý tới việc đơn giản tối đa thủ tục...
Nhấn mạnh yêu cầu linh hoạt tháo gỡ nhanh vướng mắc cho DN, ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo hải quan các địa phương và luôn bám sát tháo gỡ. Với những vướng mắc phát sinh tại chỗ chưa giải quyết được, chỉ cần qua email (thư điện tử), ứng dụng trên điện thoại Zalo, Viber, các đơn vị nghiệp vụ của Tổng cục sẽ hướng dẫn ngay cho các địa phương trong thời gian lâu nhất là 3 tiếng đồng hồ.
Với các vấn đề ngoài thẩm quyền, Tổng cục Hải quan sẽ khẩn trương trao đổi với các bộ ngành, gỡ vướng nhanh cho DN xuất nhập khẩu.
Bên cạnh tháo gỡ khó khăn cho DN, để thích ứng với tình hình giãn cách, ngành hải quan đang triển khai đồng bộ các biện pháp làm việc ít tiếp xúc như tư vấn người nộp thuế qua hệ thống hải quan điện tử, giảm thiểu việc tiếp xúc.
Việc kiểm tra thực tế, xác nhận cũng bảo đảm thuận tiện cho DN và tuân thủ nghiêm việc chống dịch, giảm thấp nhất thủ tục, từ đó giảm gánh nặng giúp DN hoạt động thông suốt, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng.
Với các trường hợp cần công văn giấy tờ hoặc kiểm tra thực tế, cần bố trí vị trí riêng tách biệt với khu vực nghiệp vụ, hạn chế tiếp xúc. Tránh kiểm tra ở nhiều địa điểm, tránh chỗ đông người, các công chức hải quan được trang bị đủ thiết bị tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch đi đôi với các giải pháp hỗ trợ DN mà Chính phủ đã chỉ đạo, ông Đào Duy Tám cho biết.