TP.HCM kiến nghị Thủ tướng hàng loạt thay đổi để duy trì sản xuất
TP.HCM đưa ra 4 nhóm giải pháp về duy trì sản xuất; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp 3 tại chỗ; hỗ trợ tài chính, tín dụng; và ứng dụng công nghệ thông tin để chống dịch.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa có công văn gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính về đề xuất giải pháp duy trì, ổn định sản xuất, chuỗi cung ứng an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
TP.HCM cho biết hoạt động và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Qua ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp và tình hình thực tế, UBND TP.HCM kiến nghị 4 nhóm giải pháp với Thủ tướng và các bộ, ngành.
TP.HCM lệ thuộc nguyên liệu từ các tỉnh
Đầu tiên là nhóm giải pháp duy trì, không để đứt gãy sản xuất hàng hóa, dẫn đến thiếu hụt lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu.
Hiện, tất cả nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất lương thực, thực phẩm tại TP.HCM đều lệ thuộc vào các tỉnh, nhất là 19 tỉnh, thành phía Nam. TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh đặt hoạt động sản xuất nông nghiệp là thiết yếu, ưu tiên, tạo mọi điều kiện duy trì sản xuất, không để đứt gãy nguồn cung thời gian tới.
Thành phố cho biết thời gian qua có tình trạng nông dân các tỉnh đã trồng trọt, thậm chí gần thu hoạch, nhưng phải phá bỏ giữa chừng vì nhận thấy không thể tiêu thụ sản phẩm. Nếu còn tiếp diễn, nguy cơ ngừng sản xuất sẽ khiến mùa vụ chậm trễ, ảnh hưởng cả chất và sản lượng sản xuất sản phẩm nông nghiệp, nguyên liệu cho ngành lương thực, thực phẩm.
Công tác vận chuyển, lưu thông hàng hóa chưa thống nhất giữa các địa phương. Ảnh: Phạm Ngôn.
|
Về công tác vận chuyển, lưu thông hàng từ vùng nguyên liệu về nhà máy và cung cấp ra thị trường, thành phố cho biết còn tình trạng chưa thống nhất phương thức kiểm soát phương tiện giữa các chốt kiểm soát của tỉnh, thành phố. Doanh nghiệp gặp khó do lưu thông hàng hóa chưa kịp thời.
Do đó, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh thực hiện nghiêm Công văn 1015 của Chính phủ về vận chuyển hàng hóa thiết yếu, chỉ kiểm tra phương tiện vận chuyển hàng hóa tại nhà máy, kho, không kiểm tra trên đường. Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế ban hành phương thức kiểm tra phương tiện vận chuyển người và hàng hóa lưu thông qua các chốt để thống nhất áp dụng.
Thành phố cho biết doanh nghiệp đang đối mặt với nguy cơ ngừng sản xuất do các nhà máy cung cấp nguyên, phụ liệu dừng hoạt động. Do đó, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng tạm thời cho phép doanh nghiệp thay đổi nguyên liệu, tỷ lệ mà chất lượng không đổi, và được sử dụng bao bì hiện tại để giảm chi phí sản xuất. Doanh nghiệp sẽ gửi báo cáo chi tiết cho cơ quan quản lý Nhà nước, cam kết không ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng kiến nghị ngành lương thực, thực phẩm được hỗ trợ vốn vay để thu mua, tăng dự trữ với nguồn nguyên, phụ liệu sản xuất. Mục đích là ổn định giá, cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng cho người dân. Ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp lương thực, thực phẩm, sản xuất vật tư tiêu hao phục vụ ngành y tế về miễn giảm lãi suất vay và cho vay mới với hạn mức tín dụng cao hơn; đẩy nhanh giải ngân khoản vay.
Thành phố đề nghị ngành ngân hàng chủ động nguồn vốn gắn với chương trình tín dụng ưu đãi. Đồng thời, điều chỉnh nâng hạn mức định giá tài sản thế chấp để tăng giá trị vốn vay lưu động từ 70% lên 85% nhằm giảm áp lực phải tìm thêm tài sản thế chấp.
Ứng dụng công nghệ thông tin chưa hiệu quả
Nhóm giải pháp thứ hai về tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp sản xuất theo mô hình 3 tại chỗ, một cung đường hai điểm đến (mô hình sản xuất 3T). Thành phố kiến nghị Thủ tướng ban hành Hướng dẫn thống nhất chung về tiêu chí bắt buộc phải tuân thủ để bảo đảm phòng, chống dịch trong tất cả lĩnh vực; cách thức kiểm tra, giám sát. Doanh nghiệp thực hiện mô hình 3T được hỗ trợ giảm chi phí như: Giảm giá điện sản xuất hoặc miễn giá điện sinh hoạt cho công nhân như khu cách ly, hỗ trợ xét nghiệm Covid-19 miễn phí cho công nhân, tiêm vaccine...
Nhóm giải pháp thứ ba là chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, tuy nhiên, TP.HCM kiến nghị một số thay đổi.
Cụ thể là kéo dài thời hạn áp dụng ít nhất đến hết quý I/2022 và có thể đến hết tháng 6/2022 (thay vì hết tháng 12/2021 như dự thảo). Với doanh nghiệp dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch thì nâng mức giảm VAT lên 50% (thay vì 30% như dự thảo). Nhằm mở rộng phạm vi doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ, thành phố kiến nghị điều chỉnh điều kiện về tổng doanh thu năm 2021 để được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 200 tỷ thành 300 tỷ.
TP.HCM kiến nghị giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp. Ảnh: Phạm Ngôn.
|
Thành phố kiến nghị giảm 30% tiền thuê đất năm 2021 cho người thuê đất gặp khó khăn; riêng doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng liên tục 2 năm 2020-2021 thì giảm 50%; doanh nghiệp được giảm 50% tiền thuê đất trong thời gian ngừng sản xuất, kinh doanh.
Thành phố cũng đề nghị doanh nghiệp được khấu trừ chi phí phòng, chống dịch Covid-19 trong các khoản nộp ngân sách để duy trì sản xuất. Doanh nghiệp 3T được ưu đãi, tăng mức hỗ trợ về vốn, về lãi. Doanh nghiệp du lịch được dùng mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước khi tham gia chương trình xúc tiến du lịch trong nước (theo Nghị định 46/2014/NĐ-CP).
TP.HCM đánh giá việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch chưa hiệu quả do quá nhiều ứng dụng với tên tương tự, chức năng trùng lấp, chồng chéo, không đồng bộ cơ sở dữ liệu; một số ứng dụng nhiều lỗi, dữ liệu chậm cập nhật và chỉ thật sự hiệu quả khi đa số người dân cài đặt, bật ứng dụng liên tục.
Do đó, thành phố kiến nghị hoàn thiện, khai thác hiệu quả các nền tảng ứng dụng công nghệ đang có như khai báo y tế điện tử, mã QR; cổng đăng ký, xác nhận tiêm chủng, hệ thống quản lý tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Các ứng dụng cần liên thông dữ liệu, sử dụng thống nhất giữa các địa phương để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Thu Hằng
ZING
|