Doanh nghiệp nói gì về 4 phương án sản xuất an toàn của TPHCM?
Ngoài 2 phương án "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường - 2 địa điểm", doanh nghiệp tại TPHCM có thể tổ chức theo phương án "3 tại chỗ theo kíp"- luân phiên theo kíp hoặc "4 xanh"- nhân lực xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh.
Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn ( APT) tại Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc hiện cũng đang sản xuất theo phương án “3 tại chỗ - Ảnh: VGP/Băng Tâm
|
Đây là những giải pháp nhằm duy trì sản xuất được Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong báo cáo tại buổi họp trực tuyến của Chính phủ sơ kết thực hiện Chỉ thị 16 hôm 15/8.
Cụ thể, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, Thành phố đưa ra 4 phương án để doanh nghiệp tiếp tục tổ chức sản xuất an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch.
Với phương án 1, sẽ tiếp tục thực hiện phương án “3 tại chỗ” hoặc phương án “3 tại chỗ theo kíp” linh hoạt (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ luân phiên theo kíp sản xuất).
Phương án 2, tiếp tục thực hiện “1 cung đường - 2 địa điểm” hoặc phương án “1 cung đường - 2 địa điểm” linh hoạt (người lao động chỉ lưu thông trên một cung đường nối 2 địa điểm là nơi làm việc và nơi lưu trú tập trung).
Trong khi đó, phương án 3 sẽ gồm cả 2 mô hình “3 tại chỗ” và “1 cung đường - 2 địa điểm”. Và phương án 4 sẽ tổ chức hoạt động theo phương châm “4 xanh”, gồm: Nhân lực xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh.
Vẫn duy trì “3 tại chỗ” nhưng linh hoạt
Sau 5 tuần thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” trong điều kiện phòng dịch, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) đóng tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, TPHCM, cho biết hiện người lao động đã quen và không muốn đổi sang phương án mới.
Để duy trì hoạt động, ông Nguyễn Đặng Hiến cho rằng việc sàng lọc mầm bệnh trong công nhân là yếu tố quyết định. Doanh nghiệp này thực hiện xét nghiệm nhanh hằng tuần cho tất cả công nhân đang tham gia “3 tại chỗ”. Với nhóm nguy cơ cao như tài xế, công nhân bốc xếp thì công ty thực hiện xét nghiệm 2 lần/tuần. Dù việc này phát sinh chi phí rất nhiều nhưng ông Hiến khẳng định đây là phương án hiệu quả với đặc thù của doanh nghiệp.
Về kinh nghiệm sau 5 tuần duy trì “3 tại chỗ”, Tổng Giám đốc Bidrico chia sẻ, ngay sau tuần đầu tiên, đã xuất hiện tình trạng bất ổn tâm lí ở một số công nhân. Những người này rất dễ trở thành “vết dầu loang” ảnh hưởng đến tâm lí của người nhiều khác.
“Họ lên mạng và thấy những thông tin tiêu cực, rồi thêm người thân gọi điện giục về quê. Họ lo sợ nếu ở lại nhà máy thì sẽ lây nhiễm lẫn nhau... Từ một người hoang mang mà nỗi sợ lan cho cả bộ phận. Nhưng lúc này, chúng tôi không thể ép buộc họ ở lại, chỉ khiến cho tình hình càng thêm căng thẳng”, ông Hiến chia sẻ.
Bidrico đã áp dụng chế độ nghỉ phép 7 ngày hoặc 11 ngày cho những công nhân muốn về nhà. Trong 7 ngày, công nhân về nhà 4 ngày, 3 ngày còn lại là thời gian cách ly và xét nghiệm trước khi quay lại nhà máy. Chế độ nghỉ phép 11 ngày cũng tương tự như vậy.
Với cách làm này, trong gần 400 người đang sản xuất “3 tại chỗ”, chỉ có 21 người đăng kí về phép. Ông Hiến cho rằng việc linh động chế độ nghỉ phép cũng như một dạng đổi kíp nhưng không làm giảm công suất làm việc của cả nhà máy. “Nếu tổ chức “3 tại chỗ theo kíp” thì doanh nghiệp phải chia theo từng nhóm, như vậy lực lượng lao động trong từng ca sẽ bị giảm đi. Vậy nên, nếu tiếp tục giãn cách xã hội thì chúng tôi vẫn duy trì phương án “3 tại chỗ” như hiện tại cùng với chế độ cắt phép cho những công nhân có nhu cầu”, ông Hiến cho biết.
Trong khi đó, ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT) đóng tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, cho biết, doanh nghiệp có thể sẽ chuyển từ phương án “3 tại chỗ” sang phương án "4 xanh".
“Chúng tôi chưa quyết định ngay vì vẫn phải tính toán lại một cách thận trọng và an toàn”, ông Dũng nói và cho biết, doanh nghiệp đứng chân tại địa bàn đang có diễn biến dịch bệnh phức tạp, do vậy, chính doanh nghiệp phải bảo đảm được yếu tố phòng dịch an toàn nhất. Đó là môi trường nhà xưởng an toàn, người lao động được tiêm đủ vaccine và an toàn về sức khỏe, còn “cung đường xanh” và “nơi ở xanh” không nằm ở sự quyết định của doanh nghiệp.
Dễ thở với phương án “4 xanh”
Đánh giá phương án thứ 4 - “4 xanh” có thể "dễ thở" hơn với các doanh nghiệp nhưng ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư kí Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho rằng cần phải có hướng dẫn thật cụ thể về tiêu chí “4 xanh”. Nếu có hướng dẫn cụ thể hơn thì các doanh nghiệp thuộc HAWA có thể sẽ chuyển sang phương án “4 xanh” trong một tháng giãn cách sắp tới.
Trước đó, HAWA cũng đã kiến nghị với Sở Công Thương TPHCM về phương án sản xuất này. “Tôi cho rằng UBND TPHCM đã có sự lắng nghe nhưng chưa kịp xây dựng quy trình áp dụng”, ông Phương thông tin và cho biết HAWA sẽ tổ chức toạ đàm trực tuyến với các hội viên để thảo luận thật kĩ cách làm cho phù hợp, vẫn bảo đảm sản xuất an toàn mà giảm áp lực cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, với phương án này, ông Phương cho rằng cần thống nhất chủ trương giữa TPHCM và Bình Dương, Đồng Nai. Bởi vì theo ông Phương, nhiều doanh nghiệp có trụ sở tại TPHCM nhưng nhà máy đặt ở Bình Dương và Đồng Nai hoặc nhà máy ở TPHCM giáp ranh với 2 tỉnh trên nên người lao động có thể đang cư trú ở các tỉnh. Do vậy, việc công nhận “cung đường xanh” giữa các địa phương này phải được quy định rõ để không gây khó cho doanh nghiệp.
Cũng sẵn sàng chuẩn bị chuyển trạng thái của công ty sang phương án “4 xanh”, ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean với 3 nhà máy ở TP. Thủ Đức (TPHCM) và Đồng Nai, Bình Dương cũng đặt vấn đề về tính đồng bộ trong triển khai phương án “4 xanh”.
“Thành phố phải thống nhất chủ trương này đến từng phường vì vấn đề hiện nay nằm ở khâu giám sát tại các địa bàn. Dù đáp ứng các điều kiện “4 xanh” nhưng công nhân có qua được các chốt, trạm kiểm dịch tại các phường, các quận không?”, ông Việt băn khoăn.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí-Điện TPHCM cũng nêu vấn đề, khi doanh nghiệp áp dụng “4 xanh”, công nhân đi lại từ nơi ở đến nhà máy nhiều hơn, lộ trình công tác trở thành lộ trình đi làm. Trong khi nếu vẫn kiểm tra giấy thông hành tại các chốt như hiện nay thì vừa gây ùn tắc vừa tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm. Doanh nghiệp nào đáp ứng các tiêu chí “4 xanh” thì việc quản lý lộ trình của công nhân nên được thực hiện bằng mã QR và việc này có thể giao cho doanh nghiệp chủ động, vì theo ông Tống, hơn ai hết, chủ doanh nghiệp luôn muốn người lao động của mình đi đúng lộ trình, bảo đảm an toàn để duy trì sản xuất.
Đối với Việt Thắng Jean, ông Việt cho rằng trước hết, cần tuyên truyền cho công nhân nhận thức được việc chủ động phòng ngừa, chấp hành tuyệt đối các biện pháp phòng dịch và sau đó, mỗi người phải cam kết đi đúng lộ trình.
Theo ông Việt, nếu có hướng dẫn cụ thể, thống nhất chủ trương triển khai đến từng phường thì công ty của ông cũng như nhiều doanh nghiệp trong Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM có thể khôi phục dần công suất hoạt động. Hiện nay, Việt Thắng Jean đang duy trì khoảng 30% công suất, có thể tăng 50% ngay trong tháng 9 và giữ nhịp độ này cho những tháng còn lại của năm 2021 nếu chuyển trạng thái sang “4 xanh”.
Do điều kiện cư trú của công nhân chưa bảo đảm 100% “nơi ở xanh” nên doanh nghiệp vẫn thuê địa điểm làm nơi lưu trú tập trung cho công nhân. “Với nhà máy ở TP. Thủ Đức thì còn khoảng 10% công nhân đang ở nhà trọ, công ty vẫn phải tổ chức nơi ở tập trung và đưa đón đến nhà máy”, ông Việt cho biết.
Nhật Quang
FILI
|