Nới lỏng thêm tiền tệ với công cụ dự trữ bắt buộc?
Nhiều doanh nghiệp mong mỏi, Ngân hàng Nhà nước có động thái sử dụng công cụ chính sách tiền tệ để nới lỏng tiền tệ, ví dụ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc vừa để “bơm” tiền vào nền kinh tế, vừa giảm chi phí vốn cho ngân hàng nhằm giảm lãi suất cho vay...
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất – kinh doanh, nhiều doanh nghiệp mong mỏi, Ngân hàng Nhà nước có động thái sử dụng công cụ chính sách tiền tệ để nới lỏng thêm tiền tệ, ví dụ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc vừa để “bơm” tiền vào nền kinh tế, vừa giảm chi phí vốn cho ngân hàng nhằm giảm lãi suất cho vay.
TIỀN GỬI TỔ CHỨC KINH TẾ TĂNG CAO
Thống kê mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lượng tiền gửi từ dân cư tăng thấp kỷ lục, trong khi lượng tiền từ doanh nghiệp lại tăng cao. Tổng tiền gửi của dân cư đến cuối tháng 6 là gần 5,3 triệu tỷ đồng, tăng 2,94%; tiền gửi của tổ chức kinh tế đạt hơn 5,1 triệu tỷ đồng, tăng 4,78% so với cuối năm 2020.
Diễn biến trên hoàn toàn trái ngược so với bình quân các năm trước, khi tăng trưởng tiền gửi của dân cư thường lớn hơn nhiều so với các tổ chức kinh tế. Trong khi tăng trưởng tín dụng 6 tháng đạt 5,1%.
Nguyên nhân bởi các doanh nghiệp đang khó khăn trong việc kinh doanh, do thị trường co hẹp lại, giao thương bị hạn chế, doanh nghiệp không thể đầu tư mua nguyên vật liệu để sản xuất hàng hóa.
Vì thế, tiền bán hàng thu về, tiền vốn phải tạm giữ trong ngân hàng, không thể chuyển thành dòng tiền kinh doanh. Điều này phần nào có thể ảnh hưởng đến năng lực, lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm nay.
Ở chiều ngược lại, rủi ro dịch bệnh cùng với nhu cầu tích trữ không chỉ là thực phẩm mà còn cả tiền mặt, đã ảnh hưởng lên số dư tiền gửi của khách hàng cá nhân.
Các chuyên gia kinh tế của Standard Chartered vừa đưa ra dự báo, các lĩnh vực tập trung vào thị trường trong nước, như bán lẻ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất nếu làn sóng dịch Covid-19 hiện tại kéo dài. Đại dịch đã gây ra những ảnh hưởng lên nền kinh tế trong nước khi lĩnh vực du lịch bị co hẹp, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và nhu cầu từ thị trường quốc tế suy yếu. Mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 dự kiến là 6,5%, giảm so với dự báo 6,7% được Ngân hàng đưa ra trước đó.
Tương tự, ADB hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam xuống còn 5,8% từ mức 6,7% đưa ra hồi tháng 4. Nguyên nhân là việc triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng ngừa Covid-19 không nhanh như kỳ vọng và các biện pháp giãn cách kéo dài ở các khu vực tăng trưởng lớn nhất nước gây ảnh hưởng đến lưu thông thương mại, hạn chế các hoạt động kinh tế.
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay cho thấy những dự báo trên không quá bất ngờ. Đặc biệt, trong 7 tháng qua có gần 79.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ 2020, bao gồm gần 40.300 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; 28.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,6%; 11.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 27,4%.
Theo đó, trung bình mỗi tháng có gần 11.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Các doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác; dịch vụ lưu trú và ăn uống; kinh doanh bất động sản; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng, các dịch vụ hỗ trợ khác; vận tải, kho bãi; giáo dục, đào tạo; thông tin và truyền thông; sản xuất phân phối điện, nước, gas.
Thêm vào đó, PMI - chỉ số quản lý sức mua phản ánh triển vọng hoạt động của khu vực doanh nghiệp - sau khi đạt đỉnh cao nhất kể từ tháng 11/2018 tới 54,7, thì vào tháng 4/2021 đã giảm mạnh từ 53,1 của tháng 5 xuống 44,1 trong tháng 6 và 45,1 trong tháng 7.
SỬ DỤNG CÔNG CỤ DỰ TRỮ BẮT BUỘC
Một trong những khuyến nghị được Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách Việt Nam (VEPR) gợi ý liên quan đến chính sách tiền tệ thích ứng nên được thực hiện với tăng trưởng cung tiền được kiểm soát ở mức phù hợp và các biện pháp kiểm soát rủi ro ở mức vừa phải.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp mong mỏi, Ngân hàng Nhà nước có động thái sử dụng công cụ chính sách tiền tệ để nới lỏng tiền tệ, ví dụ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc vừa để “bơm” tiền vào nền kinh tế, vừa giảm chi phí vốn cho ngân hàng nhằm giảm lãi suất cho vay.
Theo lý thuyết, công cụ tỷ lệ dự trữ bắt buộc được quy định với hai mục đích. Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước sử dụng khi thấy tiền trong nền kinh tế nhiều nên rút vào thông qua biện pháp tăng tỷ lệ dự trữ, nhằm buộc các ngân hàng phải giữ tiền mặt trong tài khoản của ngân hàng tại Ngân hàng Nhà nước để “hút” dòng tiền vào, hay nói cách khác, dùng tỷ lệ dự trữ bắt buộc để điều chỉnh cung tiền trong nền kinh tế.
Thứ hai, dự trữ bắt buộc để bảo toàn tính thanh khoản của các ngân hàng. Ví dụ, khi các ngân hàng gặp khó khăn thì Ngân hàng Nhà nước giảm dự trữ bắt buộc để ngân hàng tăng thanh khoản.
Dự trữ bắt buộc là số tiền mà tổ chức tín dụng phải gửi tại Ngân hàng Nhà nước. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng thực hiện dự trữ bắt buộc 3% đối với khoản tiền gửi không kỳ hạn và dưới 12 tháng; 1% đối với khoản tiền gửi trên 12 tháng. Tuy nhiên, tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng có thể được giảm trong một số trường hợp.
Theo Thông tư số 14, ngày 29/5/2018 về việc thực hiện các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ hỗ trợ các tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, đối với tổ chức tín dụng có tỷ trọng dư nợ tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ tín dụng bình quân từ 70% trở lên, tỷ lệ dự trữ bắt buộc hỗ trợ theo đề nghị của tổ chức tín dụng nhưng không thấp hơn 1/20 tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo quy định chung với các tổ chức tín dụng cùng loại hình.
Đối với tổ chức tín dụng có tỷ lệ này từ 40% đến dưới 70%, tỷ lệ dự trữ bắt buộc hỗ trợ theo đề nghị của tổ chức tín dụng nhưng không thấp hơn 1/5 tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo quy định.
Việc hạ dự trữ bắt buộc để “bơm” tiền cho thị trường là một công cụ của chính sách tiền tệ phổ biến trên thế giới, giúp thị trường có thêm nguồn vốn lưu thông. Hiện nay, tại Việt Nam, tỷ lệ này đang được thực hiện là 3%, nghĩa là các ngân hàng thương mại huy động được 100 đồng thì được giữ 97 đồng, còn 3 đồng để tại Ngân hàng Nhà nước.
Tỷ lệ 3% là con số nhỏ, nhưng trong tổng huy động của hệ thống, số tiền này rất lớn. Tỷ lệ 3%, các ngân hàng không được hưởng lãi suất, nên phần gửi này cao thì chi phí vốn của ngân hàng sẽ cao. Huy động trên thị trường ít nhiều đều phải trả lãi, mà phần này gửi Ngân hàng Nhà nước không được hưởng lãi, thì đây rõ ràng là chi phí. Nếu giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, ngân hàng sẽ có thêm nguồn vốn, chi phí vốn giảm đi thì có thể hạ lãi suất cho vay.
Trong một diễn biến có liên quan, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Quyết định 1349/QĐ-NHNN về mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo đó, mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam là 0,5%/năm; đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0%/năm; đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam là 0%/năm; đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0%/năm. Quyết định 1349/QĐ-NHNN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2021 và thay thế Quyết định 1349/QĐ-NHNN ngày 6/8/2020.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho Agribank được áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc tiền đồng bằng 50% so với quy định của các tổ chức tín dụng thông thường. Theo đó, tiền gửi bằng VND không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng là 1,5% trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc. Tiền gửi bằng VND kỳ hạn 12 tháng trở lên là 0,5% trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc.
Đại diện Agribank cho hay, cơ sở để ngân hàng được hưởng cơ chế này là căn cứ theo Thông tư 14. Đồng thời, trong lúc tình hình dịch bệnh, hoạt động sản xuất-kinh doanh khu vực nông nghiệp bị đình trệ, Ngân hàng Nhà nước muốn giảm bớt gánh nặng cho Agribank. Mục đích của việc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước đã giảm bớt một phần áp lực về việc “giam giữ” vốn nhằm để ngân hàng dư giả hơn về nguồn khi cung ứng tín dụng cho nền kinh tế.
Theo báo cáo tài chính riêng lẻ của Agribank, trong nửa đầu năm nay dư nợ cho vay khách hàng tăng 1,6% lên hơn 1,2 triệu tỷ. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp - nông thôn của ngân hàng chiếm tỷ trọng khoảng 70% dư nợ cho vay nền kinh tế, chiếm 40% thị phần cho vay nông nghiệp - nông thôn của toàn hệ thống ngân hàng.
Tiền gửi khách hàng tính đến hết tháng 6/2021 tăng 4,2% lên hơn 1,46 triệu tỷ. Như vậy, Agribank là một trong số ít ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi cao hơn dư nợ tín dụng trong quý II.
Được biết, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương, không chỉ Agribank mà bất cứ ngân hàng thương mại nào tập trung hỗ trợ nông dân, nông nghiệp - nông thôn, cho vay khu vực này đạt trên 40% tổng dư nợ thì được xem xét hạ dự trữ bắt buộc.
Ngoài ra, theo Thông tư 30 quy định thực hiện dự trữ bắt buộc các tổ chức tín dụng hỗ trợ tham gia hỗ trợ tái cơ cấu hệ thống (quy định tại khoản 40 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017) được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Căn cứ theo quy định này, trong những năm qua, Vietcombank, VietinBank và BIDV đã lần lượt tham gia hỗ trợ tái cơ cấu tại DongA Bank, CB Bank, Ocean Bank và GPBank, qua hỗ trợ thanh khoản, cử nhân sự quản trị điều hành, hợp tác kinh doanh… ngay khi các tổ chức này thực hiện tái cơ cấu bắt buộc. Tuy nhiên, các ngân hàng trên có được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc hay không sẽ phải chờ chính sách cụ thể từ Ngân hàng Nhà nước.
Trần Trọng Triết
VnEconomy
|