Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động cùng thấu hiểu và chia sẻ khó khăn
Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang đương đầu với muôn vàn thách thức do tác động của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, điều quan trọng là ba bên gồm Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động cần đồng lòng, thấu hiểu và cùng nhau chia sẻ những khó khăn, đồng thời nắm bắt cơ hội.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Kiên - Ảnh: VGP/Minh Ngọc
|
Đây là chia sẻ của TS. Nguyễn Đức Kiên khi phân tích về “tình trạng sức khoẻ”, sức chống chịu của doanh nghiệp 7 tháng qua trước tác động của đại dịch, cũng như dự báo, trao đổi về giải pháp cần chú trọng từ nay đến cuối năm.
Mặc dù diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, phải thực hiện giãn cách tại nhiều địa phương nhưng tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2021 là 2.432,1 nghìn tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 1.065,4 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8%. Theo ông Nguyễn Đức Kiên, đây là kết quả hợp lý vì từ tháng 1 đến tháng 6, dịch bệnh chưa lây lan trên diện rộng, các doanh nghiệp trên đà phục hồi sản xuất kinh doanh và nền kinh tế có nhiều dấu hiệu đáng mừng, đơn cử như GDP 6 tháng tăng 5,64%.
Tuy nhiên, ông Kiên cho rằng, một vài chỉ số khó phản ánh toàn bộ cục diện nên cần nhìn nhận đa chiều và cụ thể. Chỉ rõ những khó khăn hiện hữu do tác động bởi làn sóng thứ 4 của dịch bệnh COVID-19, ông Kiên lấy ví dụ về số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm trong tháng 7. Theo đó, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 22,8% so với tháng trước và giảm 33,8% so với cùng kỳ năm 2020, đồng thời số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới cũng giảm tương ứng 25,3% và giảm 48,7% là những con số rất đáng lưu tâm.
Bên cạnh đó, so sánh tốc độ tăng của doanh nghiệp thành lập với tốc độ tăng doanh nghiệp giải thể trong tháng 7, hai số cùng tăng nhưng tốc độ phá sản tăng 17% trong khi thành lập mới chỉ có 1,6-2%. Nếu tốc độ này giữ đến tháng 8 thì sẽ đặt ra rất nhiều thách thức.
Trong bối cảnh này, ông Kiên nhấn mạnh điều quan trọng và cần thiết hàng đầu là sự đồng lòng, thấu hiểu và cùng nhau chia sẻ những khó khăn của ba bên gồm Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Chính phủ đã đứng ra gánh vác khó khăn cùng cộng đồng doanh nghiệp và đưa ra những quyết sách để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như việc miễn, giảm thuế, các gói hỗ trợ…
Từ nay đến cuối năm, Chính phủ cần đẩy mạnh kiểm soát triển khai và thực hiện hiệu quả những chính sách này. Tháng 10 tới đây, Chính phủ báo cáo kết quả thu thuế với Quốc hội và ông Kiên cho rằng trong trường hợp cần thiết, Quốc hội có thể phải chấp nhận bội chi.
Về phía doanh nghiệp, vướng mắc chủ yếu hiện nay là đứt gãy chuỗi cung ứng, không vận chuyển được hàng, thiếu công nhân, lao động, các nhà máy phải giảm công suất. Phân tích thêm về những trở ngại này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Kiên đưa ra ví dụ: Khi không giao được hàng cho đối tác nước ngoài qua đường hàng hải, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng và bị phạt 1 triệu USD, nên doanh nghiệp chuyển sang giao hàng bằng máy bay với chi phí cao hơn, thêm vào đó là lo cho người lao động “3 tại chỗ” (sản xuất, cách ly, ăn nghỉ tại chỗ). Cuối cùng, doanh nghiệp lỗ 500.000 USD nhưng họ chấp nhận. Bởi lẽ, vấn đề của doanh nghiệp bây giờ là giữ được thị trường và giảm lỗ hết mức, chứ không phải là giữ được thị trường và bảo đảm lợi nhuận trong sản xuất nữa. Doanh nghiệp phải đặt bài toán khó khăn như vậy là một cách để vẫn sản xuất, vẫn tồn tại, chờ thời cơ phục hồi sau dịch, mặt khác cũng là chia sẻ, đồng hành với Nhà nước, người lao động, góp phần duy trì sự ổn định của nền kinh tế và xã hội. Đối với người lao động, có thể họ cần chấp nhận giảm lương hay giảm thưởng trong đợt cuối năm và cố gắng tiếp tục sản xuất, chung vai sát cánh cùng chủ doanh nghiệp. Sự thấu hiểu, đồng lòng của ba bên sẽ tạo nên quyết tâm và động lực mạnh mẽ hơn để giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn, giữ vững nền tảng, chuẩn bị cho sự hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch.
Kinh nghiệm về ứng phó và điều hành linh hoạt
Đồng quan điểm với chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Kiên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng chỉ số 7 tháng hay 6 tháng đầu năm về kinh tế khá tốt, trong đó có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng, số vốn đăng ký tăng… phản ánh thực tế là 4 tháng đầu năm nay tình hình kinh tế tích cực, chúng ta chưa bị tác động nặng nề bởi đợt dịch bệnh lần thứ 4 này. Điều này cũng phản ánh những nỗ lực rất lớn của Chính phủ và bộ máy chính quyền các cấp trong việc thúc đẩy mục tiêu phát triển kinh tế.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI.
|
Nhưng tháng qua, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng rất trực tiếp và nặng nề tới nền kinh tế, tới hoạt động kinh doanh. Ông Đậu Anh Tuấn tin và hy vọng những tác động tiêu cực của dịch bệnh tới nền kinh tế sẽ được giảm thiểu trong thời gian tới khi công tác phòng chống dịch bệnh đang được thực hiện tập trung, quyết liệt.
Chính phủ đã nỗ lực hết sức, lắng nghe, chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp và đưa ra nhiều quyết sách quan trọng. Đáng chú ý, Thông tư 03/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN liên quan tới quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong đó, bổ sung việc không chuyển nhóm nợ của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Đây là động thái để các ngân hàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Thực tế, ngân hàng cũng là doanh nghiệp và khi không chuyển nhóm nợ có khả năng dẫn đến nợ xấu cho hệ thống tài chính quốc gia đồng nghĩa với việc Chính phủ đã gánh vác, chia sẻ rủi ro cùng doanh nghiệp qua việc nới an toàn tài chính. Cách đây 2 ngày, Hiệp hội Ngân hàng có báo cáo vướng mắc, bất cập của các ngân hàng trong việc thực hiện Thông tư 03 và đề xuất giải quyết theo hướng nới rộng và làm rõ hơn các quy định tạo điều kiện hỗ trợ DN, người dân vượt khó do COVID-19. Sự sâu sát từng bước trong triển khai chính sách thể hiện sự lắng nghe, cầu thị và đổi mới của Chính phủ và cơ quan liên quan để chính sách thực sự đi vào cuộc sống.
Theo VCCI, trong bối cảnh khó khăn, dù ngân sách Nhà nước đang eo hẹp nhưng Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động bởi COVID-19. Các chính sách hỗ trợ về thuế, nhất là giảm thuế, được các doanh nghiệp đánh giá là hữu ích nhất, như: Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021; Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19…
Chia sẻ quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Kiên cho biết gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người lao động gồm hai nhóm: Một là qua chính quyền địa phương hỗ trợ cho người dân; hai là thông qua doanh nghiệp, cho doanh nghiệp vay tiền để trả lương cơ bản cho người lao động, để giữ người lao động, giữ sản xuất. Gói 26.000 tỷ với những cải cách, đơn giản hóa 60% thủ tục hành chính sẽ mang lại những trợ giúp thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.
Liên quan đến phương thức vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất tại một số địa phương, các chuyên gia cho rằng đã có sự ứng biến linh hoạt, đem lại hiệu quả tốt và cần tiếp tục phát huy. Trước đây, phương thức “3 tại chỗ” được chứng minh là hiệu quả tại tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và nhiều tỉnh, thành phố có dịch bùng phát. Tuy nhiên, tình hình thay đổi liên tục và tùy áp dụng của từng nơi, nhất là tại các tại những địa phương đông dân cư và có số lượng công nhân trong khu công nghiệp lớn, các địa phương đã chủ động thay đổi và áp dụng “1 cung đường, 2 điểm đến” - bố trí ăn, ở và sản xuất tại 2 địa điểm trên địa bàn tỉnh, đưa đón công nhân trên 1 cung đường. Mỗi địa phương vận dụng linh hoạt các phương thức đã góp phần vừa chống dịch, vừa duy trì hoạt động sản xuất.
Tháng 7 – thời điểm được đánh giá là khó khăn nhất bởi diễn biến căng thẳng của dịch và giãn cách xã hội tại nhiều địa phương, nhưng 29.600 DN quay trở lại hoạt động trong tháng này, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020. Ông Đậu Anh Tuấn và ông Nguyễn Đức Kiên đều nhận định đây cũng là động lực để duy trì bức tranh kinh tế chung của cả nước. Tại các tỉnh, thành phố đang kiểm soát tốt dịch bệnh thì hoạt động kinh tế được đẩy mạnh. Điều này cũng rất phù hợp với chủ trương của Chính phủ là bên cạnh việc phòng chống dịch bệnh thì nhiệm vụ phát triển cũng phải được duy trì. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý doanh nghiệp vừa mới đăng ký quay trở lại trong tháng thì vướng ngay vào bối cảnh khó khăn chung của tháng 7 nên sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề trong thời gian tới. Để trở lại hoạt động bình thường, các doanh nghiệp nói chung cần rất nhiều thời gian.
Cùng thống nhất về việc chỉ số kinh tế được công bố bao giờ cũng có độ trễ không nhiều nhưng nhất định so với bức tranh kinh tế thực tế thay đổi từng ngày, hai chuyên gia nhấn mạnh điều quan trọng nhất là sự tồn tại của doanh nghiệp dưới tác động nặng nề từ dịch bệnh. Tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đã sang năm thứ hai suy giảm do tác động của dịch COVID-19, sức chống chịu đã tới ngưỡng. Bởi lẽ đó, việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành gói hỗ trợ về ngân sách là giải pháp cần thiết. Khó khăn của các doanh nghiệp hiện đang đối mặt là nghiêm trọng và chưa từng có, do vậy các giải pháp hỗ trợ theo các chuyên gia cũng cần phải mạnh mẽ chưa từng thấy./.
Minh Ngọc
Báo Chính phủ
|