Thứ Hai, 09/08/2021 13:20

Doanh nghiệp mong tinh thần của Chính phủ xuống đến địa phương

Lãnh đạo một số hiệp hội, doanh nghiệp mong muốn những giải pháp mà Chính phủ đề ra được các địa phương đưa vào thực tiễn, sớm tháo gỡ những khó khăn mà dịch bệnh gây ra.

“Chúng tôi mong những gì mà Thủ tướng nói hôm qua sẽ được các địa phương thực hiện một các quyết liệt, thống nhất, không phải mỗi nơi làm một kiểu để gây khó cho doanh nghiệp”, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nói với chúng tôi.

Ông Lập chia sẻ sau hội nghị của Chính phủ bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tổ chức ngày 8/8, nhiều doanh nghiệp cảm thấy sự đồng hành, vào cuộc của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh. Tuy vậy, ông cho rằng phía trước vẫn còn rất nhiều công việc, vấn đề mà Chính phủ phải giải quyết để hỗ trợ doanh nghiệp.

Các địa phương cần thống nhất quan điểm chỉ đạo

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng điều quan trọng lúc này là các địa phương cần thống nhất quan điểm chỉ đạo, không ban hành một văn bản hay đưa ra một chính sách bất hợp lý, mang tính “cát cứ” gây khó khăn cho doanh nghiệp.

hội nghị chính phủ với doanh nghiệp ảnh 1
Doanh nghiệp mong muốn các địa phương thống nhất quan điểm chỉ đạo, không đưa ra một chính sách bất hợp lý gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Quốc Nam.

Ông dẫn ví dụ việc lưu thông hàng hóa qua cảng Hải Phòng - nơi được coi là cảng quốc tế cửa ngõ quan trọng của Việt Nam - thời gian qua rất khó khăn, do địa phương này đưa ra một số chính sách riêng với xe qua lại. Do đó, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp khó khăn lưu thông hàng hóa.

Chúng tôi mong những gì mà Thủ tướng nói hôm qua sẽ được các địa phương thực hiện một các quyết liệt.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

Tương tự, lượng hàng ùn ứ tại cảng Cát Lái cũng đang ở mức rất cao, cần sự vào cuộc giải tỏa của các địa phương. “Nếu đã có chính sách luồng xanh quốc gia thì các địa phương phải chấp hành một cách nghiêm túc, không thể để một địa phương nào làm ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa của cả quốc gia”, ông Lập thẳng thắn nói.

Với chính sách “3 tại chỗ” mà nhiều địa phương đang gặp khó khăn, ông Lập đánh giá Chính phủ sẽ còn rất nhiều việc phía trước để đưa ra một phương án tổ chức sản xuất an toàn. Hiện tại ông cho rằng việc sớm có một chính sách chung giúp doanh nghiệp có thể nối lại sản xuất, vừa sống chung với dịch, là điều “sống còn”.

hội nghị chính phủ với doanh nghiệp ảnh 2
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận hội nghị ngày 8/8. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhấn mạnh Chính phủ phải thống nhất với các địa phương không được cường điệu hóa, hình sự hóa vấn đề có ca bệnh trong doanh nghiệp. Bởi muốn sống chung với dịch bệnh, muốn nối lại sản xuất thì phải có phương án dự phòng, sẵn sàng bóc tách F0 ra khỏi dây chuyền, để những người khác đảm bảo an tâm sản xuất.

“Có doanh nghiệp của chúng tôi ở miền Trung phản ánh khi có phát hiện F0 bên trong nhà máy, công an, y tế đến chăng dây, phong tỏa… làm công nhân rất sợ hãi. Tâm lý của họ đã mệt mỏi vì ‘3 tại chỗ’ nay càng mệt mỏi hơn. Lãnh đạo doanh nghiệp lại càng áp lực hơn nữa”, ông Lập chia sẻ.

Kịp thời, đúng lúc

Là người vừa trực tiếp dự hội nghị tại Văn phòng Chính phủ ngày 8/8, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đánh giá hội nghị là rất kịp thời, đúng lúc, thể hiện sự lắng nghe của Chính phủ.

Ông Giang rất vui mừng về việc ngay tại hội nghị, Thủ tướng đã chỉ đạo các ngành liên quan quan tâm đến việc tiêm vaccine cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp. Việc tiêm vaccine có ý nghĩa rất lớn với ngành dệt may, bởi đây là ngành có nhiều công nhân, mật độ làm việc cao.

Hiện ngành may đã có nhiều đơn hàng và dần phục hồi thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu việc phong tỏa kéo dài, dẫn đến dừng sản xuất khiến ngành này có nguy cơ đứt gãy sản xuất, mất khách hàng vào tay các nước khác.

“Chúng tôi rất mong chờ kết luận của hội nghị. Khi đó mới nắm rõ những chỉ đạo cụ thể của Chính phủ”, ông Giang chia sẻ.

hội nghị chính phủ với doanh nghiệp ảnh 3
Doanh nghiệp mong muốn Chính phủ sớm có chính sách tháo gỡ khó khăn cho mô hình sản xuất "3 tại chỗ". Ảnh: Thạch Thảo.

Ngoài ra, 4 Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), Dệt may Việt Nam (VITAS), Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết đã chủ động tìm nguồn cung vaccine từ một tập đoàn tại UAE.

Sau đó, cả 4 Hiệp hội đã có văn bản gửi Thủ tướng đề nghị hỗ trợ các hiệp hội được mua vaccine từ nguồn cung tự tìm kiếm để tiêm miễn phí cho người lao động.

Ông Giang vui mừng khi Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ trưởng Y tế tổ chức ngay việc đàm phán với đối tác để mua và cấp phép, bảo quản và tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 theo đề xuất của 4 hiệp hội.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết cũng đang rất mong chờ kết luận của hội nghị để những giải pháp hỗ trợ của Chính phủ đi vào thực tiễn.

Ông cho biết hiện tại, TP.HCM và 18 tỉnh khu vực miền Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Đây là các địa phương chiếm 70% tổng lượng sản xuất và kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Khi sản xuất bị ngưng trệ, toàn bộ chuỗi sản xuất của ngành thủy sản, trong đó có ngư dân, nông dân gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ, chế biến sản phẩm.

Bên cạnh khó khăn này, hiện chi phí tiền điện cũng là một trong những áp lực lớn đối với doanh nghiệp thủy sản bởi chưa thuộc đối tượng khách hàng được hỗ trợ giảm tiền điện vừa qua. Mong muốn của các doanh nghiệp là sớm được giảm tiền điện, khi đặc thù có lượng tiêu thụ điện rất lớn nhằm bảo quản sản phẩm ở các kho lạnh.

Thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Phát biểu kết thúc Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 8/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhằm vừa chống dịch thành công, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Chính phủ cũng sẽ ban hành một nghị quyết nhằm thực hiện Nghị quyết số 30 của Quốc hội đảm bảo vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

“Hai nghị quyết này sẽ cố gắng đáp ứng những gì cao nhất có thể trong điều kiện kinh tế đất nước cũng như trong thẩm quyền của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất cho doanh nghiệp”, Thủ tướng cho biết.

Thuận Hiếu

ZING

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp Mỹ tiếp tục quan tâm đầu tư vào thị trường Việt Nam (09/08/2021)

>   Xuất khẩu nông lâm, thủy sản: Nên chọn FOB hay CIF? (09/08/2021)

>   Xuất khẩu máy tính, phụ kiện điện tử có thể đạt 50 tỷ USD năm 2021 (09/08/2021)

>   Gỡ khó cho '3 tại chỗ' (09/08/2021)

>   Ì ạch tìm lối thoát cho các đại dự án thua lỗ (09/08/2021)

>   Dừng tất cả các chuyến bay chở khách giữa Hà Nội và TPHCM (08/08/2021)

>   Khách sạn, nhà hàng phải có máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế (08/08/2021)

>   8 nhóm giải pháp chặn “màu xám” loang trong doanh nghiệp (08/08/2021)

>   Bộ Giao thông nói về dự án cao tốc 11.150 tỷ nguy cơ 'vỡ' tín dụng (07/08/2021)

>   Kiến nghị giảm giá điện sinh hoạt cho công nhân tại doanh nghiệp "3 tại chỗ" (07/08/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật