Thứ Hai, 09/08/2021 09:25

Xuất khẩu nông lâm, thủy sản: Nên chọn FOB hay CIF?

Trước đây, các doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm, thủy sản chủ yếu xuất khẩu theo phương thức giao hàng tại cảng Việt Nam. Nhưng từ khi Covid-19 xảy ra trên toàn cầu, giá cước vận tải tàu biển tăng cao, phần lớn đối tác mua hàng yêu cầu chuyển sang giao nhận hàngtại cảng của nước nhập khẩu, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản rất bị động...

Tỷ  trọng FOB, CIF và CFR trong xuất khẩu đồ gỗ qua các năm.

Xuất khẩu hàng hóa thường ký hợp đồng theo một trong hai phương thức giao hàng: giá FOB (giá tại cửa khẩu bên nước của người bán, bao gồm toàn bộ chi phí vận chuyển lô hàng ra cảng, thuế xuất khẩu và thuế làm thủ tục xuất khẩu) hoặc giá CIF (giá tại cửa khẩu của bên mua hàng, bao gồm tiền hàng, bảo hiểm, cước phí tàu).

Ngoài ra, có một số hợp đồng theo phương thức giao hàng CFR (tiền hàng cộng cước hay giá thành và cước). Từ trước đến nay, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam thường chọn phương thức giao hàng giá FOB.

FOB VẪN CHIẾM ƯU THẾ 

Theo Hiệp hội Cà phê Việt Nam, trước khi xuất hiện dịch Covid-19 trên thế giới, thì 90% khối lượng cà phê xuất khẩu là theo hình thức FOB. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản cho biết các doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu hàng sang Mỹ, Nhật, EU chủ yếu giao hàng qua các cảng Cát Lái, cảng Tân Thuận, cảng Sài Gòn theo phương thức FOB.

Dựa trên số liệu Hải quan năm 2019, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), cho biết giá trị xuất khẩu của ngành đạt 10,33 tỷ USD, trong đó tỷ trọng xuất khẩu theo phương thức FOB đạt 8,21 tỷ USD, chiếm tới 79,5% tổng giá trị xuất khẩu. Trong khi, xuất khẩu theo phương thức CFR chỉ chiếm 10,7% (đạt 1,10 tỷ USD); xuất khẩu theo phương thức CIF giảm xuống còn 4,3% (đạt 443,84 triệu USD); theo các phương thức khác chiếm 5,5% (đạt 568,53 triệu USD).

Tỷ  trọng FOB, CIF và CFR trong xuất khẩu đồ gỗ qua các năm.

Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đạt con số trên 12,01 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu theo phương thức FOB chiếm tới 81,4% tổng giá trị xuất (đạt 9,78 tỷ USD); theo phương thức CFR, CIF và phương thức khác giảm xuống và chiếm tỷ lệ trọng lần lượt ở mức 10,5%; 3,8% và 4,2% với giá trị tương ứng đạt được là 1,26 tỷ USD; 460,41 triệu USD và 504,97 triệu USD.

 Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vifores, cho biết từ vài năm trở lại đây, xuất khẩu đồ gỗ sang các thị trường trọng điểm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU đã có sự thay đổi lớn về điều kiện giao hàng. Phân tích từ dữ liệu thống kê cho thấy thị trường chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ là Hoa Kỳ, hiện kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này theo giá FOB đang giảm từ mức 98% vào năm 2018, xuống còn 97,2% vào năm 2019 và 96,9% vào năm 2020.

Tại Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn đứng thứ ba, chiếm từ 10-11% tổng kim ngạch xuất khẩu, xuất theo giá FOB sang thị trường này giảm mạnh từ 49% năm 2018, xuống còn 43,2% năm 2019 và năm 2020 chỉ ở mức 39,1%. Với thị trường EU, xuất khẩu đồ gỗ theo giá FOB đã giảm từ 79,7% năm 2018 xuống 75,5% năm 2020. Đối với Nhật Bản, thị trường xuất khẩu chiếm từ 10-11% kim ngạch xuất khẩu của ngành, xuất theo giá CIF cũng đang gia tăng từ 25,4% vào năm 2018 lên 25,7% vào năm 2020.

COVID-19 THÚC ĐẨY NHANH XU HƯỚNG BÁN CIF

Dịch Covid-19 xảy ra đã tạo ra những thay đổi lớn trong xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản, xu hướng xuất khẩu giá CIF đã trở nên phổ biến. Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, từ năm 2020 đến nay, giá cước vận chuyển các tuyến tàu biển từ châu Á sang châu Âu và Bắc Mỹ liên tục tăng cao, hiện đã tăng gấp 5 – 6 lần so với cùng kỳ năm trước.

Vì vậy, các nhà nhập khẩu cà phê không muốn ký hợp đồng FOB nữa, mà yêu cầu bên bán của Việt Nam phải chuyển sang giao hàng theo phương thức CIF. Năm 2020 và trong nửa đầu năm 2021, đã có khoảng 35% số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê chấp nhận chuyển sang giao CIF.

Đối với xuất khẩu đồ gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài chia sẻ: “Dịch Covid-19 đã thúc đẩy những thay đổi lớn trong thương mại quốc tế, tác động mạnh lên ngành chế biến gỗ Việt Nam. Nhiều nhà mua hàng muốn chuyển sang mua sản phẩm gỗ theo giá CIF. Nếu doanh nghiệp vẫn khăng khăng muốn giao hàng theo giá FOB, thì đơn hàng giao đi bị huỷ do không có phương án về vận chuyển, vấn đề này thúc đẩy các nhà sản xuất thay đổi phương thức giao hàng. Song, với thực trạng phát triển ngành gỗ hiện nay, thay đổi phương thức giao hàng không phải việc muốn là có thể làm được ngay”.

Ông Phan Thông, Tổng thư ký Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam phản ánh rằng doanh nghiệp Việt Nam thường chịu “thiệt đơn, thiệt kép” khi duy trì xuất khẩu theo giá FOB. Mặc dù, cước phí tàu biển do các đối tác mua hàng chịu, nhưng khi giao hàng xuống tàu, các chủ hàng Việt Nam vẫn phải trả cho các hãng tàu đủ các loại phụ cước. Đến nay, chưa có cơ quan quản lý các loại phụ cước này, bởi vì các loại phụ cước này không được đăng ký với một cơ quan chức năng nào tại Việt Nam mà do các chủ tàu đặt ra.

“Nếu xuất khẩu theo giá CIF, doanh nghiệp Việt Nam sẽ trực tiếp đàm phán ký hợp đồng vận chuyển hàng hóa với các hãng tàu biển hoặc đại lý của các hãng tàu biển. Khi ấy, doanh nghiệp xuất khẩu có điều kiện để nêu vấn đề phụ cước vào trong bàn thảo và hợp đồng, có thể đưa ra điều kiện: hãng vận tàu không được thu thêm bất cứ khoản tiền nào khác ngoài các khoản ghi trong hợp đồng. Như vậy, sẽ tránh được sự bắt chẹt thu phí vô lý khi giao hàng xuống tàu”, ông Phan Thông đề xuất.

Ông Nguyễn Quốc Toản Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản

Trong giai đoạn hiện nay, xuất khẩu nông lâm thủy sản đang đối mặt với nhiều khó khăn. Để tránh những rủi ro bất ngờ có thể xảy ra, khi thương thảo hợp đồng mua bán, các doanh nghiệp xuất khẩu cần đưa ra những điều khoản chặt chẽ và có thêm phần phụ lục kỹ lưỡng. Đối với vấn đề cước phí tàu biển tăng cao, hợp đồng xuất khẩu cần linh hoạt, hai bên cùng chia sẻ chi phí vận chuyển hàng hóa. Về lâu dài, việc lựa chọn phương thức xuất khẩu nông lâm thủy sản theo giá FOB sẽ khiến doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu nhưng cũng phản ánh những hạn chế về năng lực của doanh nghiệp. Việc chuyển đổi từ FOB sang CIF chính là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam nâng cao kỹ năng, chuyên nghiệp hơn trong nghiệp vụ thương mại. Đồng thời, thành thạo hơn trong công tác quản trị và ứng phó rủi ro, liên kết chặt chẽ với các cơ quan quản lý ngành và mạng lưới vận tải biển trong nước và khu vực.

Ông Trần Lê Huy Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Bình Định
 
Hầu hết doanh nghiệp chế biến gỗ ở tỉnh Bình Định chọn phương thức xuất khẩu FOB. Bởi vì, giao hàng theo điều kiện FOB giúp bán được hàng nhanh chóng, kết thúc hợp đồng vận tải và chấm dứt trách nhiệm đối với hàng hóa ngay sau khi xếp xong hàng lên tàu. Các công ty Việt Nam ngại việc đàm phán với các hãng tàu hàng, cũng sợ rủi ro trong quá trình vận chuyển đường biển, trong khi nhu cầu phải xoay vòng vốn nhanh, muốn giao hàng ngay để thu tiền sớm. Dĩ nhiên, xuất khẩu FOB thì giá luôn thấp hơn CIF, không chỉ vì phải trừ đi cước phí tàu biển, mà còn vì để đối tác mua hàng đồng ý ký hợp đồng FOB thì phải chấp nhận giá thấp do đối tác đưa ra. Điều này đồng nghĩa với việc xuất khẩu FOB thì lợi nhuận thấp hơn so với bán CIF.

Chương Phượng

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu máy tính, phụ kiện điện tử có thể đạt 50 tỷ USD năm 2021 (09/08/2021)

>   Gỡ khó cho '3 tại chỗ' (09/08/2021)

>   Ì ạch tìm lối thoát cho các đại dự án thua lỗ (09/08/2021)

>   Dừng tất cả các chuyến bay chở khách giữa Hà Nội và TPHCM (08/08/2021)

>   Khách sạn, nhà hàng phải có máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế (08/08/2021)

>   8 nhóm giải pháp chặn “màu xám” loang trong doanh nghiệp (08/08/2021)

>   Bộ Giao thông nói về dự án cao tốc 11.150 tỷ nguy cơ 'vỡ' tín dụng (07/08/2021)

>   Kiến nghị giảm giá điện sinh hoạt cho công nhân tại doanh nghiệp "3 tại chỗ" (07/08/2021)

>   Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế đàm phán mua vaccine do 4 hiệp hội đề xuất (07/08/2021)

>   Nguy cơ 'bật' khỏi các chuỗi cung ứng toàn cầu (07/08/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật