Thứ Hai, 16/08/2021 10:58

Khẩn trương gỡ vướng trong thu hoạch và tiêu thụ nông thủy sản phía nam

Các địa phương phía nam lâu nay không mấy khi lo về an ninh lương thực bởi đây là khu vực có lượng nông, lâm, thủy sản dồi dào để xuất khẩu. Tuy nhiên, trước diễn biến bất thường và trên diện rộng của dịch COVID-19, nhiều tỉnh phía nam đang đứng trước nguy cơ đứt gãy sản xuất nông nghiệp.

Cá tra quá lứa thu hoạch sẽ không đủ tiêu chuẩn fillet để xuất khẩu và tăng chi phí cho doanh nghiệp – Ảnh minh họa

 

Nghịch lý từ chuyện cá tra

Nói về những khó khăn của doanh nghiệp thủy sản hiện nay, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ câu chuyện nổi cộm của những doanh nghiệp sản xuất cá tra khi thực tế, 70% nhà máy cá tra đã ngưng sản xuất nên cá tra đến lứa thu hoạch vẫn đang "nằm thở dưới ao". Trong khi đó, để duy trì lượng cá quá lứa thu hoạch này, các doanh nghiệp mỗi ngày phải chi tiền thức ăn cho cá lên đến hàng chục triệu đồng/ao. “Không cho ăn thì cá sẽ chết, cho ăn thì tốn tiền, mà ăn thì cá lớn. Cá lớn thì vượt size. Khách thường mua ở size 0.8-0.9 kg/con (để fillet). Bây giờ nuôi dài ngày hơn, cá lớn vượt 1 kg/con sẽ không bán được", ông Nam phân tích.

Theo báo cáo của Tổ công tác phía nam của Bộ NN&PTNT, liên quan đến lĩnh vực thủy sản, hiện nay có 2 khó khăn cần ưu tiên tháo gỡ.

Thứ nhất, do cơ sở sản xuất con giống, thức ăn không cùng địa bàn với cơ sở nuôi nên cần vận chuyển qua các địa phương khác nhau (hằng tháng cần vận chuyển khoảng 7 tỷ tôm giống từ Nam Trung Bộ và khoảng 150,000 tấn thức ăn từ khu vực Đồng Nai, Bình Dương vào Tây Nam Bộ). Vì vậy, khâu vận chuyển (kể cả đường bộ và đường thủy) cần tiếp tục được thông suốt để đảm bảo sản xuất.

Thứ hai, các nhà máy chế biến là khâu đặc biệt quan trọng trong chuỗi thủy sản. Do thiếu công nhân, không đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ”… nên một số nhà máy phải tạm ngừng hoạt động, gây khó khăn cho các cơ sở nuôi đến kỳ phải thu hoạch sản phẩm. Các tháng cuối năm 2021 là thời kỳ thu hoạch chính đối với tôm, cá tra. Do vậy, cần phải tích cực tháo gỡ những khó khăn để duy trì hoạt động của nhà máy chế biến.

Hiện nay, một số nhà máy chế biến thủy sản đã huy động đội ngũ công nhân đi thu hoạch cá tra trên diện tích thả nuôi nằm ở nhiều tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang và gặp khó khăn đi lại giữa các tỉnh. Vì vậy, cần có cơ chế phối hợp giữa các tỉnh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo thống kê, hiện có 324/449 cơ sở chế biến thủy sản đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ” tiếp tục sản xuất, chiếm 72% (riêng Tiền Giang giảm chỉ còn 6/31 cơ sở đáp ứng sau khi rà soát). Do thiếu công nhân hoặc chia ca để phòng, chống dịch nên tổng công suất chế biến thủy sản giảm chỉ khoảng 30-50% so với trước khi áp dụng Chỉ thị 16.

Ngoài câu chuyện về thủy sản nêu trên, hiện nay, sản lượng thu mua lúa gạo vụ Hè Thu 2021 cũng sụt giảm 20-30%. Theo nhìn nhận của Tổ công tác thì: “Giá lúa gạo và các hàng nông sản khác giảm sâu, không phải do cung cầu mà là do đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng, các khách quốc tế vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp không giao hàng được. Tân Cảng là cảng container chính ngưng nhận giao gạo xuất khẩu từ tháng 7/2021 và chưa rõ khi nào có thể tiếp tục, lượng container ứ đọng tại cảng Cát Lái lớn do chỉ còn 50% nhân sự làm việc”.

Cùng với đó, dự báo lượng gia cầm vào đàn thấp, có thể có một đợt khủng hoảng thiếu gia cầm vào dịp Tết. Tổ công tác cũng cho rằng cần có biện pháp cải thiện chuỗi cung ứng cho sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là tăng lưu thông và chế biến, cấp đông khi giá gia cầm hạ quá thấp.

Lĩnh vực chế biến gỗ (mắt xích quan trọng trong giá trị xuất khẩu của nông, lâm, thủy sản) cũng đang hết sức khó khăn. Theo báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong số 265 doanh nghiệp chế biến gỗ (hầu hết có trụ sở tại vùng trọng điểm phía nam gồm TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh) chỉ còn 141 doanh nghiệp duy trì hoạt động với số lượng công nhân đang làm việc khoảng 30,700 người trên tổng số 119,300 lao động trước khi thực hiện giãn cách. Hiện nay, có 134 doanh nghiệp tạm ngưng sản xuất, trong đó 17 doanh nghiệp có ca dương tính với COVID-19 và 117 doanh nghiệp không đáp ứng "3 tại chỗ".

Cần sự linh hoạt trong sản xuất và tiêu thụ từ chính quyền

Báo cáo của Tổ công tác phía nam của Bộ NN&PTNT đánh giá, sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh Nam Bộ đang gặp rất nhiều khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19, dự kiến 6 tháng cuối năm 2021 nguồn cung nông sản, thực phẩm phục vụ xuất khẩu sẽ giảm mạnh. Nhu cầu thị trường vẫn rất lớn nhưng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp dẫn đến nhiều vùng nguyên liệu bị phong tỏa do giãn cách, việc thu hoạch và sản xuất bị ảnh hưởng, công suất tại các nhà máy chế biến nông lâm thủy sản giảm mạnh.

“Do tâm lý lo sợ dịch bệnh, chính quyền cơ sở nhiều nơi còn cứng nhắc trong khâu tổ chức sản xuất, thu hoạch, thu mua, lưu thông vận chuyển hàng hóa và vật tư nông nghiệp”, Tổ công tác chỉ rõ.

Trước tình hình này, Tổ công tác phía nam của Bộ NN&PTNT đã hướng dẫn, phối hợp với các địa phương tháo gỡ khó khăn trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Giải quyết các khó khăn trong vận chuyển lúa giống, tôm giống, cá giống, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Nhiều đầu mối cung ứng nông sản đã được giới thiệu và hỗ trợ để kết nối giữa sản xuất với tiêu thụ.

Tuy nhiên, so với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay thì chưa thể đáp ứng ngay việc giải quyết các khó khăn trên. Tổ Công tác đã có Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình sản xuất, cung ứng nông sản tại 19 tỉnh, thành phố nam thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, kiến nghị 5 nội dung. Cùng với đó, Tổ cũng có văn bản số 23/BNN-TCT ngày 7/8/2021 gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 và tạo điều kiện để các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ chủ động tìm kiếm nguồn vaccine phòng COVID-19  tiêm phòng cho người lao động. Tổ cũng đã gửi văn bản tới Bộ Công Thương, đề nghị chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh phía nam phối hợp với Thanh tra Cục Bảo vệ thực vật và Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thường xuyên kiểm tra, rà soát các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu) không để tình trạng đầu cơ, trữ hàng… tạo khan hiếm giả tạo để trục lợi.

Trước tình hình lúa Hè Thu thu hoạch chậm, khó khăn trong thu mua, vận chuyển, tiến độ gieo sạ lúa Thu Đông nguy cơ bị chậm thời vụ do dịch bệnh COVID-19 vẫn căng thẳng, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các tỉnh, thành phố ở Đồng bằng sông Cửu Long cần thành lập các tổ, đội tại chỗ: Đội bốc xếp, đội ghe, đội xe, đội máy cắt tại địa phương. Các đội xử lý tại chỗ được ưu tiên tiêm ngừa vaccine và test COVID-19 định kỳ, trang bị dụng cụ hỗ trợ phòng chống dịch. Các đội được cơ quan nhà nước quản lý nhân sự, cấp giấy phép thông hành và công khai giá dịch vụ. Đối với đội ngũ thu hoạch, thu mua nông sản, được ưu tiên tiêm vaccine và cấp phép tạo điều kiện được di chuyển đến những nơi theo lịch trình và yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt phòng chống dịch.

Riêng về việc xuống giống và chăm sóc lúa, cần khuyến khích các xã thành lập các Tổ nông vụ dịch vụ: Làm đất, sạ lúa, cấy lúa, nhổ cỏ, bón phân, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, cho nước vào ruộng…

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng trong chuỗi cung ứng: Tài xế ghe, sà lan vận chuyển, công nhân tại các nhà máy, bốc xếp tại cảng, nhân viên giám định hàng hóa, khử trùng, nhân sự giao nhận xuất nhập khẩu của các công ty xuất khẩu phải giao dịch chứng từ ở nhiều nơi (cảng, hải quan, văn phòng cấp C/O, kiểm dịch)… Tạo điều kiện đi lại cho các nhân sự trên trong thời gian giãn cách vì lực lượng này đang duy trì lưu thông và xuất khẩu hàng hóa.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp nông sản tăng chế biến để tiêu thụ (16/08/2021)

>   Việt Nam chi hơn 750 triệu USD mua thịt và các sản phẩm thịt trong nửa năm (14/08/2021)

>   Bộ Công Thương khẩn trương tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ, xuất khẩu gạo (14/08/2021)

>   Nông sản xuất 'kẹt' tại cửa khẩu bị siết, làm sao để thông? (13/08/2021)

>   Sớm có 'luồng xanh' đường thủy để xuất khẩu gạo (12/08/2021)

>   Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc muốn mua lượng lớn thủy sản Việt Nam (11/08/2021)

>   Giá gạo Việt chịu ảnh hưởng kép vì Covid-19 (11/08/2021)

>   Khuyến cáo doanh nghiệp về việc xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu (10/08/2021)

>   Giá phân bón tăng sốc, Bộ NN-PTNT đề nghị Bộ Công thương thanh tra (10/08/2021)

>   Sầu riêng Ri6 được bán gần 430.000 đồng/kg tại Úc vẫn 'cháy hàng' (09/08/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật