Hiệp định EVFTA sau 1 năm thực hiện: Nhiều ngành hưởng lợi
Là một FTA thế hệ mới có tiêu chuẩn cao, toàn diện, mức độ cam kết sâu và rộng nhưng đồng thời vẫn đảm bảo sự cân bằng lợi ích cho cả hai bên, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được đánh giá có vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và EU.
Nhiều ngành tăng trưởng mạnh sau 1 năm hiệp định EVFTA đi vào thực thi
|
Một năm hái quả ngọt từ Hiệp định EVFTA
Một năm sau khi thực thi Hiệp định đã đem lại những “trái ngọt” ban đầu và đó vẫn là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam – EU trong thời gian tới.
Ngày 1/8, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) tròn 1 năm đi vào thực thi. Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 27.67 tỷ USD, tăng 18.4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng xuất khẩu tăng 18.3%.
Phát biểu tại Phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban Thương mại Hiệp định EVFTA diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu kiêm Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu Valdis Dombrovskis đã đánh giá cao việc triển khai có hiệu quả Hiệp định EVFTA sau gần một năm Hiệp định có hiệu lực. Ông cho biết, Hiệp định EVFTA là một trong những kết quả thành công và cụ thể nhất cho mối quan hệ hợp tác giữa EU và Việt Nam. Thương mại giữa hai bên đã tăng rất đáng kể trong những năm qua và tiếp tục phát triển theo xu hướng tích cực… Hiệp định này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp giữa mà còn góp phần thúc đẩy những giá trị về xã hội cho cả hai bên khi chúng ta triển khai thực hiện những cam kết trong EVFTA.
Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ kiến tạo những động lực to lớn, đưa mối quan hệ thương mại đầu tư song phương lên tầm cao mới. Trên thực tế, Hiệp định EVFTA là một trong Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, thương mại Việt Nam. Là hiệp định FTA mới có tiêu chuẩn cao, toàn diện, mức độ cam kết sâu và rộng nhưng đồng thời vẫn bảo đảm sự cân bằng lợi ích cho cả hai bên.
Chia sẻ thêm về Hiệp định này, ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho rằng, EVFTA đã đem lại cho ta, nhất là việc dỡ bỏ thuế quan, xúc tiến đầu tư, thúc đẩy công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, cải thiện quy tắc xuất xứ và chứng nhận xuất xứ; cải thiện môi trường tạo thuận lợi thương mại - hỗ trợ kỹ thuật tăng cường nhận thức và áp dụng những tiêu chuẩn của thị trường EU…sẽ mang lại nhiều cơ hội để Việt Nam mở rộng xuất khẩu, thu hút đầu tư và tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu…
Tính riêng cho 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế EVFTA với hàng xuất khẩu lên đến 29.09% . Nhiều mặt hàng nông, lâm nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã có mức tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm 2019, cụ thể như: sản phẩm từ cao su đạt 61 triệu USD tăng 56.91%; gạo đạt 5.2 triệu USD tăng 3.73%; sản phẩm mây, tre, cói và thảm đạt 70.5 triệu USD tăng 33.75%; rau quả đạt 63.8 triệu USD tăng 12.5%.
Như vậy có thể thấy là các sản phẩm thế mạnh của chúng ta như giày dép, dệt may, các sản phẩm nông, lâm nghiệp như gạo, sản phẩm từ cao su hiện vẫn giữ được phong độ và tận dụng tốt Hiệp định này.
Ông Lương Hoàng Thái khẳng định, việc Việt Nam tham gia vào một trong những hiệp định thương mại thế hệ mới như EVFTA với một đối tác lớn như EU đã tạo ra cho nước ta nhiều cơ hội tiếp cận với nhiều lĩnh vực tiềm năng đi kèm với mức độ áp dụng công nghệ cao vào những lĩnh vực đó. Có thể nói đến việc hợp tác với EU trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, đây là lĩnh vực tiềm năng mà trong đó nước ta có thể nhận được sự chuyển giao giải pháp công nghệ cao trong nông nghiệp, sản xuất chế biên nông sản, thực phẩm. EVFTA và EVIPA là cơ hội để Việt Nam có thể tiếp cận được tiềm năng về vốn, công nghệ của EU.
Trên thực tế, không chỉ hàng hoá mà FDI của EU là nguồn lực tạo sự đổi mới, tạo sức bật cho nước ta trong việc hội nhập, bằng việc: Mở ra kênh huy động vốn đầu tư quốc tế; thúc đẩy chuyển giao công nghệ; bổ sung hàng cho thị trường nội địa; (iv) mở ra nhiều thi trường cho việc xuất nhập khẩu và hội nhập quốc tế; tạo ra động lực và quá trình chuyển đổi từ quốc gia có lực lượng tay nghề thấp sang tay nghề cao.
Thúc đẩy cải cách thể chế
Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết thêm, trong cải cách thể chế, hiện chúng ta đang và cố gắng làm tốt là hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật để thực thi Hiệp định và cải cách, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh.
Kể từ khi Hiệp định được đưa vào hiệu lực cho đến nay, Việt Nam đã tích cực, chủ động và nỗ lực thực hiện đầy đủ các cam kết của Hiệp định, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung có thể tận dụng hiệu quả Hiệp định này. Trong công tác hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để đảm bảo phù hợp với các quy định của Hiệp định. Cụ thể, Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan đã sửa đổi, ban hành mới 08 văn bản quy phạm pháp luật, những văn bản này ở cấp Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư trong các lĩnh vực liên quan đến thuế quan, nông nghiệp, xuất xứ hàng hóa và phòng vệ thương mại.
Một số văn bản pháp luật cũng đang được các Bộ ngành liên quan tiến hành ban hành mới hoặc sửa đổi để phù hợp với các cam kết đã có (sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, ban hành Nghị định hướng dẫn thực thi Bộ luật Lao động sửa đổi…). Ngoài ra, các Bộ, ngành liên quan cũng liên tục rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo tính tương thích với các cam kết của Hiệp định, cũng như đưa ra những điều chỉnh kịp thời nhằm tạo thuận lợi cho quá trình thực thi Hiệp định này.
Đối với công tác cải thiện, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh, đây là nỗ lực chung của Chính phủ các cơ quan Bộ ngành trong thời gian qua, vừa nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước nói chung, vừa tạo động lực cho thực thi những cam kết ưu đãi trong các Hiệp định FTA trong đó có Hiệp định EVFTA nói riêng. Cụ thể Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, tập trung cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và 20% chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp.
Về phía Bộ Công Thương, trong năm 2019, 2020, Bộ Công Thương đã cắt giảm thêm 205 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương trong tổng số 1,216 điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương (trước đó đã cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh). Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát và xây dựng lộ trình phương án cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành cho giai đoạn 2021-2025; trong đó, bám sát vào các nguyên tắc lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Với những nỗ lực như vậy, ông Lương Hoàng Thái bày tỏ tin tưởng rằng chúng ta từng bước cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thuận lợi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, như vậy sẽ tạo đà cho việc thực thi các FTA đạt hiệu quả cao nhất.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang cũng đánh giá nông sản Việt Nam có nhiều cơ hội để tận dụng tương đối tốt hiệu quả từ EVFTA trong thời gian đầu. Quả vải của Việt Nam không phải chưa từng sang EU nhưng sau khi có EVFTA thì xuất khẩu tăng đáng kể, trở thành một câu chuyện điển hình, cho thấy EVFTA mang lại lợi thế cạnh tranh đáng kể về giá cho nông sản.
"Nông sản Việt có lợi thế rõ ràng trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh vào EU đều chưa có hiệp định thương mại với khối này. Chẳng hạn, trong tốp 3 nước sản xuất, xuất khẩu vải hàng đầu thế giới là Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam thì chỉ Việt Nam có hiệp định thương mại với EU" - bà Trang nhận xét.
Nhật Quang
FILI
|