Doanh nghiệp đuối sức vì chi phí duy trì ‘3 tại chỗ’ quá cao
Trong điều kiện sản xuất, sinh hoạt bị hạn chế nhiều, mô hình sản xuất “3 tại chỗ” đang bị đẩy đến giới hạn chịu đựng và có nguy cơ đổ vỡ nếu kéo dài hơn một tháng. Suy cho cùng, các công ty, nhà máy chỉ được thiết kế để phục vụ hoạt động sản xuất nên không thể biến doanh nghiệp thành khu dân cư lâu dài.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng công năng của nhà máy không thiết kế cho việc ăn ở lâu dài của người lao động. Ảnh minh họa: DNCC
|
Đây là nhận định của rất nhiều doanh nghiệp trong tọa đàm “café doanh nhân HUBA” mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cùng với sự tham gia của nhiều chuyên gia và lãnh đạo thành phố. Tại buổi tọa đàm nhiều doanh nghiệp cho biết vấn đề của “3 tại chỗ” không chỉ là điều kiện sinh hoạt cơ bản mà còn liên quan đến tâm lý, tinh thần người lao động. Nếu người lao động bị ảnh hưởng thì năng suất lao động không đạt yêu cầu, đồng thời tâm lý bất ổn, căng cứng cũng dễ nảy sinh các yếu tố tiêu cực khác.
Giới hạn chịu đựng của doanh nghiệp đến đâu?
Trong một thời gian gấp rút thực thực hiện “3 tại chỗ” theo quy định phòng dịch đa phần doanh nghiệp cũng cơi nới, tận dụng diện tích để cho người lao động ở tập trung. Nhưng sự chuẩn bị này để đáp ứng tối đa nhu cầu sinh hoạt là điều không thể và chỉ trong một thời gian ngắn mô hình này đã phát sinh nhiều vấn đề.
Ông Đoàn Võ Khang Duy, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TPHCM, cho biết phương án "3 tại chỗ" chỉ là giải pháp tình thế và khó kéo dài. Tâm lý lao động ở doanh nghiệp lâu dài sẽ bức bối khi bị kiểm soát khắt khe. Bởi vì ăn ở tập trung cũng cần phải đáp ứng đúng và đủ quy định phòng dịch nếu không sẽ rất rủi ro. Doanh nghiệp thì quá tải hệ thống an toàn và nên luôn có nỗi lo về sự cố.
Thực tế hiện nay, một số doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" không có đủ lao động vì vướng phải khu dân cư phong tỏa. Đồng thời người lao động đi làm thì không đạt được sự đồng thuận cao nên không đạt hiệu quả tối đa.
Hơn nữa, chi phí duy trì “3 tại chỗ” quá cao, doanh nghiệp vừa phải trang bị cơ sở vật chất sinh hoạt, vừa phải lo ăn uống và xét nghiệm Covid-19 định kỳ cho người lao động.
|
"Nếu buộc 3 tại chỗ, doanh nghiệp chỉ duy trì tối đa 1 tháng, không thể kéo dài. Ngoài ra có thể cân nhắc cho phép lao động đã tiêm vaccine đi về nhà, giúp nhẹ gánh chi phí 3 tại chỗ”, ông Duy đề xuất.
Ngoài sức ép về về các quy định an toàn thì áp lực chi phí để duy trì lâu là rất lớn. Bởi công tác hậu cần của doanh nghiệp cũng bị hạn chế trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, các chi phí hoạt động đều phải tăng lên. Trong khi đó, điều kiện sản xuất thu hẹp, nguồn thu của doanh nghiệp cũng bị hạn chế vì chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, cho biết hiện nay 70% doanh nghiệp thuộc hiệp hội đang phải bán bù lỗ và huề vốn bởi giá nguyên liệu đầu vào đều tăng. Nếu 3 tại chỗ kéo dài quá một tháng, đối với doanh nghiệp từ 300-1.000 công nhân sẽ xảy ra hàng loạt vấn đề.
“Hiện nay các tỉnh thành có chủ trương đón lao động về địa phương cũng đang gây nên sự xao động trong công nhân, dẫn đến thiếu hụt lao động và hàng hóa. Cho nên mỗi giám đốc doanh nghiệp vừa phải chỉ đạo kinh doanh, sản xuất vừa làm công tác dân vận, xoa dịu, động viên giữ lực lượng công nhân", bà Chi cho hay.
Tại các tỉnh phía Nam, số doanh nghiệp nỗ lực áp dụng mô hình này cũng không ít. Tuy nhiên, thông tin nhanh từ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cho thấy đã xuất hiện sự đổ vỡ của mô hình “3 tại chỗ” ở một số nhà máy có số ca F0 xuất hiện liên tiếp và nhân lên nhanh chóng trong vài ngày.
“Trong những ngày vừa qua thông tin trên báo chí lẫn các phương tiện khác cũng đề cập đến vấn đề doanh nghiệp “3 tại chỗ” có nguy cơ thành ổ dịch. Thông tin yếu tố đúng nhưng cũng có chỗ bị gây nhiễu tạo ra tâm lý hoang mang cho người lao động. Thông tin tạo hiệu ứng dây chuyền sẽ ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp khác”, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HUBA, nhận định.
Không nên gò bó theo mô hình “3 tại chỗ”
Chia sẻ với các doanh nghiệp, Phó bí thư thường trực TPHCM Phan Văn Mãi đã chỉ đạo thực hiện ngay các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, ông cho biết đã chỉ đạo thành lập nhóm "xử lý nhanh" các vướng mắc của doanh nghiệp ngay trong tuần tới.
Theo đó, Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan sẽ đứng đầu nhóm "xử lý nhanh" với sự tham gia của lãnh đạo các hiệp hội, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, tổ tư vấn của thành phố... "Nhóm này giải quyết nhanh các kiến nghị, lập kế hoạch đảm bảo, duy trì sản xuất của doanh nghiệp, giữ doanh nghiệp tồn tại trong điều kiện có dịch và hậu dịch", ông cho biết.
Ông cho rằng các doanh nghiệp có thể không nhất thiết gò bó theo mô hình "3 tại chỗ" và "một cung đường 2 địa điểm" mà có thể có phương án sản xuất an toàn đề xuất với thành phố để thẩm định, vận hành. Ngoài ra, thành phố đang đề nghị ngành xây dựng nghiên cứu mô hình nhà ở cho công nhân như Singapore đang áp dụng để có những khu lưu trú dã chiến, đáp ứng điều kiện sinh hoạt kéo dài.
Doanh nghiệp không thể chủ động nếu tình hình sản xuất "3 tại chỗ" phát sinh sự cố. Ảnh minh họa: DNCC
|
Trong ngày hôm qua (31-7), Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng đã có công văn khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hạn chế sự đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Điểm nổi bật được Ban IV nêu lên trong công văn này là những bất cập trong việc áp dụng mô hình “3 tại chỗ” và việc đảm bảo các chuỗi vận tải hàng hóa, xuất, nhập khẩu.
Tại các tỉnh phía Nam, số doanh nghiệp nỗ lực áp dụng mô hình này cũng không ít. Tuy nhiên, thông tin nhanh từ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng (Dệt May Việt Nam, Điện tử Việt Nam, Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Chế biến Gỗ và Mỹ nghệ TPHCM…) trong những ngày qua cho thấy, đã xuất hiện sự đổ vỡ của mô hình “3 tại chỗ” ở một số nhà máy có số ca F0 xuất hiện liên tiếp và nhân lên nhanh chóng trong vài ngày. |
Theo ông Trương Gia Bình, Trưởng ban IV, mục tiêu thực hiện “3 tại chỗ” trong các nhà máy là để tạo lập các khu sản xuất an toàn, cách ly với nguy cơ dịch bệnh nhằm bảo vệ chuỗi sản xuất, cung ứng và duy trì công ăn việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, nhiều nhà máy không đáp ứng được yêu cầu này bởi không đủ khả năng tổ chức phục vụ sinh hoạt cho hàng nghìn lao động trong thời gian quá ngắn. Thực tế là công năng thiết kế trước đó của các nhà máy hạn chế, không sẵn sàng cho việc hoạt động an toàn.
“Với năng lực y tế tại chỗ gần như bằng không, trong khi hệ thống y tế địa phương cũng hết sức quá tải, hiện khâu xử lý với các ca F0, F1 trong các nhà máy này đang hết sức rối, khiến doanh nghiệp và người lao động đều bị tác động nặng về tâm lý, gây ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp khác trên địa bàn”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV cho hay.
Với thực tiễn trên, Ban IV đề xuất Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì họp khẩn cấp với các tỉnh, có thể mời đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội tham gia để đánh giá tình hình. Qua đó bàn bạc thấu đáo các giải pháp nhằm tìm ra phương án có khả năng giảm thiểu thiệt hại lớn nhất cho cả địa phương và doanh nghiệp.
V.Dũng
TBKTSG
|