Chủ Nhật, 01/08/2021 16:00

Đơn hàng rời khỏi Việt Nam do dịch có quay lại?

Các đợt phong tỏa, giãn cách nghiêm ngặt để phòng chống dịch Covid-19 đã được tuyên bố nối tiếp nhau tại nhiều địa phương trên cả nước. Hậu quả nhãn tiền và thực tế đã có dấu hiệu bắt đầu xảy ra là sự ngưng trệ sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng và các đơn hàng của nước ngoài rời khỏi Việt Nam sang các nước khác, như trong ngành dệt may là một ví dụ.

Lũ lụt tại Trung Quốc đã giáng thêm đòn lên chuỗi cung ứng thế giới vẫn chưa hồi sức sau các đợt dịch Covid-19 trước đây. Ảnh: AP

Tuy nhiên, các đơn hàng rời đi đâu, trong bao lâu, liệu có quay trở lại Việt Nam hay không, khi mà việc phong tỏa, giãn cách, sự đứt gãy chuỗi cung ứng (không chỉ vì dịch Covid-19) cũng đang diễn ra ở nhiều nước, nhiều nơi trên thế giới?

Chuỗi cung ứng thế giới cũng đang oằn mình

Mới rồi trên Reuters có bài viết về sự gặp khó của chuỗi cung ứng thế giới trước hàng loạt sự kiện tiêu cực. Đó là làn sóng mới của biến chủng Delta trong dịch Covid-19 trên toàn thế giới, các thảm họa tự nhiên ở Trung Quốc và Đức, và tấn công mạng vào các bến cảng biển chính ở Nam Phi. Những sự kiện này hợp sức đẩy chuỗi cung ứng thế giới vào thế vỡ trận, đe dọa luồng lưu thông dễ tổn thương của nguyên vật liệu, linh kiện, và hàng hóa tiêu dùng khắp thế giới.

Trung Quốc trong trung và dài hạn cũng đang tự mình đánh mất dần những lợi thế cạnh tranh, như nhân công giá rẻ và hình ảnh hấp dẫn của một người khổng lồ vươn vai trỗi dậy trong hòa bình, sẽ tạo vô số cơ hội cho các nước láng giềng đi sau như Việt Nam, nếu chúng ta biết cách nắm bắt.

Biến chủng Delta của dịch Covid-19 đã không chỉ dẫn đến các đợt phong tỏa các thành phố, các nước, mà còn tạo ra những thách thức không thể ngờ trước đây lên chuỗi cung ứng. Đó là sự “thay ca” hàng trăm ngàn thủy thủ suy mòn sau những đợt hải hành ròng rã trên biển mà nay trở nên bất khả bởi phong tỏa, giãn cách như cho thấy trong năm 2020.

Vì vận tải biển vận chuyển lượng hàng hóa chiếm đến 90% thương mại thế giới nên cuộc khủng hoảng thủy thủ ảnh hưởng đến nguồn cung của hầu như mọi thứ, từ dầu mỏ, quặng sắt đến lương thực và hàng điện tử.

Sự tắc nghẽn, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu thể hiện rõ nét qua các con số về công suất vận chuyển còn trống của tàu rất nhỏ, container rỗng hiếm, và tình hình hoạt động (tắc nghẽn) tại một số cảng không mấy cải thiện, mà mới đây nhất là sự dồn ứ container tại cảng Chicago, gây ra sự quá tải cho cả ngành đường sắt vận tải container từ cảng như được đưa tin trên tờ Wall Street Journal. Tình hình ách tắc này được dự đoán còn kéo dài đến quí 4 năm nay, thậm chí là không thể dự đoán được.

Trong khi đó, lũ lụt tại Trung Quốc và Đức, những cường quốc kinh tế, đã giáng thêm đòn lên chuỗi cung ứng thế giới vẫn chưa hồi sức sau các đợt dịch Covid-19 trước đây, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế trị giá hàng ngàn tỉ đô la phụ thuộc vào các nước này.

Với những đối thủ khác cùng tầm, cuộc đua giành đơn hàng sẽ không diễn ra theo kiểu bài trừ lẫn nhau. Nền kinh tế thế giới tiếp tục phát triển, sự phân hóa và chuyên biệt ngày càng sâu thêm trong chuỗi cung ứng sẽ tạo ra cơ hội có tổng lớn hơn 0 cho Việt Nam và các nước đối thủ của mình.

Ở Trung Quốc, lũ lụt làm gián đoạn nguồn cung than nhiệt từ các mỏ ở Nội Mông và Thiểm Tây, ảnh hưởng đến khả năng phát điện từ các nhà máy nhiệt điện đúng vào đỉnh điểm của nhu cầu điện trong năm vào mùa hè. Còn ở Đức, lũ lụt ảnh hưởng mạnh đến vận tải đường bộ.

Tại Nam Phi, cảng container Durban, một trong những cảng bận rộn nhất ở châu Phi được xác nhận đã bị tấn công mạng hôm 22-7-2021, trong khi mạng công nghệ thông tin Công ty Logistics Transnet SOC của Nam Phi cũng đã bị tê liệt. Những sự kiện này đã làm gián đoạn, dồn ứ container và linh kiện ô tô tại cảng và kho bãi.

Những sự kiện bất lợi trên đã gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp chế tạo của thế giới, đặc biệt là ô tô. Hãng Toyota mới đây đã phải ngừng sản xuất tại các nhà máy ở Thái Lan và Nhật Bản vì thiếu linh kiện.

Giá nguyên vật liệu thô tăng cùng với giá cước vận tải đã làm tăng chi phí sản xuất các linh kiện, phụ tùng, máy móc cung cấp cho các hãng chế tạo trên thế giới, đe dọa nỗ lực tiếp tục sản xuất tại nhiều nơi.

Sự rời đi và... quay lại tất yếu

Trong khi Hiệp hội Cảng Trung Quốc công bố tình hình đang còn căng thẳng tại các cảng của mình, họ cũng tiết lộ một số đơn hàng trong ngành chế tạo tại các nước Đông Nam Á, Ấn Độ và các khu vực khác, do sự bùng phát của dịch Covid-19 đã chuyển đến Trung Quốc.

Như vậy, việc các đơn hàng rời khỏi Việt Nam sang các nước đối thủ khác như Trung Quốc là điều tất yếu, khi mà tình hình dịch Covid-19 dường như đã được kiểm soát tốt ở nước này trong khi lại đang bùng phát và lan truyền với tốc độ chóng mặt ở những nơi khác, nước khác.

Tuy nhiên, không nên nhìn nhận hiện tượng này với một sự đau khổ, nuối tiếc, hay dằn vặt. Hãy nhớ lại thời điểm cao trào thương chiến Mỹ-Trung trước đại dịch. Hàng loạt tin tức và bài viết cho thấy nhiều công ty đa quốc gia đã có (ý định) dịch chuyển đáng kể luồng đầu tư và thương mại từ Trung Quốc sang Việt Nam, tận dụng hoặc như một sự đối phó với các biện pháp thương mại mang tính trừng phạt của Mỹ lên Trung Quốc.

Thương chiến Mỹ-Trung và nay là dịch Covid-19 dạy chúng ta một bài học rõ ràng rằng, ít nhất trong không gian kinh tế và ở mọi thời điểm, cơn bĩ cực của nước này là cơ hội cho nước khác.

Điều quan trọng là sự thay đổi dòng chảy đơn đặt hàng này rất có thể chỉ là tạm thời, cho đến khi có một biến cố khác xảy ra, làm mất cân bằng những yếu tố định hình sự thay đổi này. Hãy tưởng tượng sau khi dịch Covid-19 qua đi (năm 2022?), quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục xấu thêm, còn quan hệ của Mỹ với Việt Nam và các nước láng giềng tiếp tục nồng thắm thêm. Lúc đó, dù Trung Quốc vẫn là một trong những cứ điểm đầu tư và chế tạo hấp dẫn nhất trên thế giới nhưng điều này cũng không thể ngăn một phần đơn hàng sẽ lại rơi vào tay nhà chế tạo Việt Nam (hay Ấn Độ, Đông Nam Á...).

Trên hết, Trung Quốc trong trung và dài hạn cũng đang tự mình đánh mất dần những lợi thế cạnh tranh, như nhân công giá rẻ và hình ảnh hấp dẫn của một người khổng lồ vươn vai trỗi dậy trong hòa bình, sẽ tạo vô số cơ hội cho các nước láng giềng đi sau như Việt Nam, nếu chúng ta biết cách nắm bắt.

Với những đối thủ khác cùng tầm, cuộc đua giành đơn hàng sẽ không diễn ra theo kiểu bài trừ lẫn nhau. Nền kinh tế thế giới tiếp tục phát triển, sự phân hóa và chuyên biệt ngày càng sâu thêm trong chuỗi cung ứng sẽ tạo ra cơ hội có tổng lớn hơn 0 cho Việt Nam và các nước đối thủ của mình.

Tất nhiên, điều kiện tiên quyết để Việt Nam giành được phần bánh lớn hơn này vẫn phải là khả năng nắm bắt cơ hội (ngày càng được cải thiện).

Phan Minh Ngọc

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Cảng Cát Lái tạm ngừng tiếp nhận hàng hóa (01/08/2021)

>   Rà soát, hoàn thành tiêm vaccine cho người lao động trước 15/8 (31/07/2021)

>   Hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 4 do tác động của dịch bệnh Covid-19 (31/07/2021)

>   Trước 10/8, Bộ Tài chính có thêm giải pháp “tiếp sức” doanh nghiệp, người dân chống bão Covid-19 (31/07/2021)

>   Bùng phát chợ online thực phẩm (31/07/2021)

>   Ông Tất Thành Cang có vai trò đầu vụ với thiệt hại 1.103 tỉ đồng của Sadeco (31/07/2021)

>   Chủ tịch Nguyễn Thành Phong: TP.HCM có thể tiếp tục chỉ thị 16 thêm 2 tuần, siết hơn từ 6h-18h (30/07/2021)

>   "Chúng tôi cảm thấy bất lực vì quá nhiều khó khăn mà doanh nghiệp phản ánh tới VCCI" (30/07/2021)

>   Không kiểm tra xe chở hàng có mã QR từ ngày 30/7 (29/07/2021)

>   Mỹ sẽ không áp bất kỳ biện pháp hạn chế thương mại nào với hàng xuất khẩu của Việt Nam (29/07/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật