"Chúng tôi cảm thấy bất lực vì quá nhiều khó khăn mà doanh nghiệp phản ánh tới VCCI"
Đại dịch Covid lần thứ 4 khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn. Trưởng ban Pháp chế VCCI chia sẻ chưa bao giờ đơn vị này tiếp nhận nhiều phản ánh từ doanh nghiệp như thời gian này, nhiều lúc cảm thấy bất lực...
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI.
|
Đánh giá bức tranh kinh tế thời gian vừa qua tại Diễn đàn "Điểm đến của Kinh tế Việt Nam cuối năm 2021" sáng 30/7, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tác động của đại dịch Covid-19 trong một hai tháng vừa qua đặc biệt ở các tỉnh phía Nam khiến bộ máy nhà nước vất vả, phải căng mình ra gồm nhiều lãnh đạo cán bộ không chỉ riêng riêng gì đội ngũ cán bộ y tế. Doanh nghiệp thì kiệt sức, người dân mệt mỏi đói kém.
Dịch bệnh 7 tháng đầu năm nay khác biệt so với năm 2020. Nếu như năm 2020, chủ yếu thấy rõ tác động tiêu cực của dịch bệnh tới nhóm du lịch dịch vụ thì năm nay, điều tra doanh nghiệp cho thấy tác động nghiêm trọng tới cả các trung tâm công nghiệp lớn, khu công nghiệp tại các tỉnh thành như Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai. Dịch bệnh lan rộng gây ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, mất việc làm, thu ngân sách…
“Những con số 6 tháng đầu năm chưa phản ánh hết bức tranh kinh doanh mà doanh nghiệp đang phải đối mặt. Tác động thường có độ trễ nên những tháng cuối năm sẽ thể hiện điều này. Do đó, cuối năm cần phải nỗ lực hơn nhiều”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Trưởng ban Pháp chế VCCI chia sẻ thêm, chưa bao giờ đơn vị này tiếp nhận nhiều phản ánh từ doanh nghiệp như thời gian này. Nhiều lúc cảm thấy bất lực vì có quá nhiều khó khăn mà doanh nghiệp phản ánh đến. Đơn cử như doanh nghiệp phản ánh tắc nghẽn lưu thông vận chuyển hàng hoá. Doanh nghiệp xuất khẩu thì phải nhập nguyên liệu và xuất đi bán hàng, nếu bị tắc thì hoạt động kinh doanh ảnh hưởng lớn, chi phí đội lên cao. Mới đây Thủ tướng đã ký văn bản tháo gỡ vận chuyển hàng hoá, thời gian tới hi vọng lưu thông, vận chuyển thông suốt thuận lợi hơn.
Thời gian qua, doanh nghiệp sản xuất cũng lúng túng để duy trì hoạt động kinh doanh. Đây là hoạt động cực kỳ quan trọng không chỉ tạo ra việc làm mà đối với doanh nghiệp quan trọng nhất là khách hàng. Một doanh nghiệp ở Bình Dương bán hàng khắp thế giới mà dừng thì khách hàng thế giới họ tìm nhà cung cấp khác như Trung Quốc, dẫn đến mất bạn hàng, mất cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Diễn đàn "Điểm đến của Kinh tế Việt Nam cuối năm 2021" sáng 30/7.
|
Doanh nghiệp ở một số tỉnh thành cố gắng duy trì hoạt động sản xuất 3 tại chỗ nhưng vẫn gặp nhiều rủi ro. Có doanh nghiệp gỗ hàng trăm ca f0, hay Vissan cũng có nhiều ca dương tính thì cho thấy mức độ rủi ro mà doanh nghiệp đang phải đối phó. Việc duy trì sản xuất kinh doanh nhiều thách thức lớn.
“Chưa bao giờ chúng tôi phải tiếp nhận nhiều phản ánh từ doanh nghiệp như bây giờ, có những tình huống chưa từng có tiền lệ đã xảy ra. Tháng vừa rồi rất khó khăn với nền kinh tế, hi vọng thời gian tới công tác chống dịch có cách làm mới, doanh nghiệp Việt Nam dù quy mô không lớn nhưng mức độ ứng biến có thể phát huy, cuối năm không khí ấm dần lên, bức tranh nhiều điểm sáng hơn thời gian tới”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Dự báo về tăng trưởng kinh tế, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết, năm 2021, khả năng tăng trưởng GDP ở kịch bản cơ sở từ 5,3-5,5% với điều kiện dịch bệnh được kiểm soát cơ bản trong tháng 8. Kịch bản xấu nhất 4-5%. Lạm phát 3%.
Ông Lực cũng đưa ra 4 đề xuất trong thời gian tới: Thứ nhất, quyết tâm kiểm soát sớm đợt dịch, đẩy nhanh tiến trình vaccin, đây động lực quan trọng để phục hồi phát triển kinh tế; Khẩn trương thực hiện các gói hỗ trợ kinh tế đồng thời nghiên cứu có một số gói hỗ trợ mới, ví dụ với lĩnh vực hàng không ngoài Vietnam Airlines còn Bamboo, Vietjet.
Thứ ba, không được chủ quan với lạm phát nhưng cũng không thái quá bóp nghẹt khiến nhiều hoạt động bị treo; Cuối cùng cần lưu ý bong bóng bất động sản, chứng khoán, dù kiểm soát tốt rồi nhưng tiếp tục theo dõi lấy kinh nghiệm quốc tế để theo dõi, thực hiện.
Khánh Linh
VnEconomy
|