Thứ Năm, 12/08/2021 19:15

 Bài cập nhật

Góc nhìn 13/08: Đứng ngoài và quan sát thị trường?

SHS dự báo trong phiên giao dịch cuối tuần 13/8, VN-Index có thể tiếp tục điều chỉnh về vùng hỗ trợ gần nhất trong khoảng 1,325-1,350 điểm. Nhà đầu tư đã chốt lời dần danh mục trong thời gian qua nên đứng ngoài và quan sát thị trường, chưa nên mua thêm ở vùng giá hiện tại.

​Hạn chế bán ra ở các nhịp điều chỉnh

CTCK Yuanta Vietnam: Áp lực bán tiếp diễn sang phiên thứ 2 liên tiếp khiến các chỉ số đóng cửa ở vùng giá thấp nhất phiên. Chỉ số VN-Index đóng cửa giảm 0.35% dừng tại 1,353.05 điểm. Chỉ số HNX-Index tương tự giảm 0.03% neo tại 334.33 điểm; Chỉ số Upcom-Index giảm 0.03% dừng tại 91.98 điểm. Giá trị giao dịch khớp lệnh trên cả 3 sàn đạt 26,645 tỷ đồng.

Dòng tiền tỏ ra thận trọng ở nhóm VN30-Index khiến nhiều cổ phiếu trong nhóm như HPG, STB, ACB, FPT ghi nhận phiên giảm thứ 3 liên tiếp. Ngoài ra, MWG (-2.9%), TPB (-1.6%) cũng ghi nhận áp lực bán ra trong phiên 12/8.

Đồng thời, áp lực chốt lời cũng xuất hiện ở các mã tăng nóng vừa qua như Phân bón (DPM, DCM, BFC, LAS), Cảng biển và Logistics (GMD, HAH, VOS). Ngược lại, nhóm Xây dựng (HBC, FCN, DPG), Bất động sản (SCR, NTL, SZC) đi ngược thị trường.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng 145 tỷ đồng toàn thị trường. VRE (55 tỷ), VNM (55 tỷ), SSI (51 tỷ)  là các mã được bán ròng nhiều nhất. Ở chiều ngược lại, PLX (55 tỷ), GMD (46 tỷ), CTG (29 tỷ) dẫn đầu ở chiều mua ròng.

Yuanta cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh vào đầu phiên và sớm quay trở lại đà tăng vào cuối phiên. Đồng thời, chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định ngưỡng hỗ trợ 1,340 điểm (tức là đường trung bình 50 ngày) và dòng tiền có thể sẽ phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt áp lực chốt lời có thể gia tăng lên nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trong những phiên giao dịch tới. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng nhịp điều chỉnh này chưa ảnh hưởng lên xu hướng TĂNG ngắn hạn của thị trường.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức TĂNG. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và hạn chế bán ra tại các nhịp điều chỉnh.

Nhà đầu tư nên tránh lạm dụng đòn bẩy

CTCK Ngân hàng Vietcombank (VCBS): Mặc dù giảm mạnh ngay sau phiên ATO, VN-Index đã có thời điểm tăng gần 8 điểm so với mức tham chiếu nhờ đà tăng của các cổ phiếu vốn hóa lớn như VHM, VIC, VCB, GVR… Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index ghi nhận mức giảm nhẹ với 20 trong 30 mã thuộc VN30 điều chỉnh. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có sự phân hóa khi một số cổ phiếu vẫn tăng khá tích cực như BVH, GVR, KDH trong khi đối trọng là các mã như VHM, VCB, CTG, MSN. Mặc dù vậy, số lượng cổ phiếu tăng giá (185) vẫn tương đối cân bằng với số lượng cổ phiếu giảm giá (183). Thanh khoản thị trường giảm so với phiên 11/8 với tổng giá trị giao dịch đạt khoảng 25,000 tỷ VND trên cả ba sàn. Kết phiên, VN-Index giảm 4.74 điểm (-0.35%) và đạt mức 1,353.05 – cũng là mức giá thấp nhất trong ngày, còn HNX dừng tại mức 334.33 (-0.03%).

VN-Index vẫn đang vận động tích lũy trong biên độ hẹp (1,350 – 1,380 điểm). Theo đó, tâm lý nhà đầu đang dần trở nên ổn định hơn ngay cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp. VCBS cho rằng biến động chỉ số trong biên độ hẹp cũng như sự thiếu vắng đột biến thanh khoản hay nhóm ngành dẫn dắt ủng hộ hơn về khả năng chỉ số chung cần thêm một số phiên tích lũy nữa trước khi kiểm định lại ngưỡng kháng cự 1,380 điểm.

Trong bối cảnh thị trường vẫn đang ở “vùng trống” thông tin, VCBS cũng cho rằng nhà đầu tư vẫn nên ưu tiên bảo toàn thành quả trong giai đoạn hiện tại hơn là tìm kiếm lợi nhuận bằng cách “lướt sóng” ngắn hạn, cụ thể là cân nhắc đưa tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục về mức hợp lý và quản trị rủi ro danh mục cũng như tránh lạm dụng đòn bẩy.

Áp lực bán vẫn còn trong ngắn hạn

CTCK Ngân hàng DongA: Thị trường bị chốt lời trong những giờ giao dịch buổi chiều với thanh khoản cao, tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng khi VN-Index tăng 10% chỉ trong 3 tuần giao dịch. Dự báo phiên giao dịch tiếp theo áp lực bán vẫn còn kéo lùi chỉ số. Tuy nhiên VN-Index vẫn đang giữ được xu hướng tăng trung hạn, nhà đầu tư theo chiến lược trung và dài hạn đang có nhiều cơ hội chọn mua nhóm cổ phiếu được kỳ vọng sẽ hồi phục nhanh khi kinh tế mở cửa trở lại sau khi kiểm soát dịch.

Trong những phiên giao dịch tới, nhà đầu tư có thể cơ cấu danh mục, giải ngân vào nhóm ngành hưởng lợi từ kích thích kinh tế và đẩy mạnh đầu tư công sau đại dịch.

Triển vọng thị trường vẫn ở trạng thái khả quan

CTCK Mirae Asset Việt Nam: VN-Index trong phiên 12/8 chịu áp lực giằng co mạnh với sắc đỏ và xanh đan xen nhau trong suốt thời gian giao dịch. Tuy nhiên, lực bán có phần chiếm ưu thế hơn về cuối phiên đã khiến cho VN-Index đóng cửa ghi nhận mức giảm 4.7 điểm, chốt ở ngưỡng 1,353 điểm, tương ứng với mức giảm 0.35%.

Nhóm ngành bất động sản (CII, DIG, SCR, DXG) ở chiều tăng điểm. Ngược lại, nhóm cảng biển và logistics chịu áp lực chốt lời mạnh như HAH, GMD, DVP,SGP, VIP, ...MSNHPG là những mã đã tác động vào điểm số của VN-Index ở chiều giảm điểm với điểm số lần lượt đạt 0.8 điểm và 0.7 điểm. Còn ở chiều ngược lại, VHM đã hỗ trợ thu hẹp đà giảm với điểm số tác động 0.9 điểm. Áp lực bán ròng của khối ngoại đã có phần suy yếu khi ghi nhận tổng giá trị bán ròng hơn 168 tỷ ở trên cả 2 sàn HSX và HNX trong phiên 12/8. Đứng đầu danh sách bán ròng là VNMVRE với giá trị bán ròng của 2 mã ở mức hơn 55 tỷ. Ở chiều ngược lại, PLX ghi nhận mua ròng hơn 54 tỷ đồng. Mặc dù đóng cửa ở mức thấp nhất trong ngày, thế nhưng lực bán không mạnh với số mã tăng giảm cân bằng khi kết thúc. Điểm số đánh giá kỹ thuật của VN-Index tiếp tục duy trì ở mức đánh giá +4 điểm với trạng thái ngắn hạn là KHẢ QUAN. Mức P/E hiện tại của VN-Index đang ở mức 16.4x .

Áp lực chốt lời có thể khiến chỉ số VN-Index quay đầu giảm điểm

CTCK Asean (Aseansc): Trong phiên giao dịch 12/08, chỉ số VN-Index giao dịch giằng co quanh mốc tham chiếu, và đóng cửa giảm gần 5 điểm, mức thấp nhất trong ngày. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 4.74 điểm (giảm 0.35%), đóng cửa ở mức 1,353.05 điểm. Thanh khoản HOSE ở mức gần 742 triệu cp (giảm 8%), giá trị gần 22,700 tỷ đồng (giảm 14%). Độ rộng thị trường nghiêng về số mã tăng giá (185 mã tăng/ 183 mã giảm). Về phía nước ngoài, họ bán ròng hơn 143 tỷ đồng trên HOSE, tập trung chủ yếu vào VRE, VNM, và SSI.

Về kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến đỏ dạng ‘Shooting star’ thứ 2 với giá đóng cửa nằm dưới đường MA5 ngày, kèm thanh khoản ở mức cao, là tín hiệu khá tiêu cực. Điều này cho thấy bên bán đang tạm thời chiếm ưu thế. Do đó, Aseansc cho rằng, trong kịch bản tiêu cực VN-Index có thể kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1,345-1,350 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1,335-1,340 điểm. Trong kịch bản tích cực, vùng kháng cự gần của VN-Index dự báo ở mức 1,355-1,360 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1,365-1,370 điểm. Trong đó, vùng hỗ trợ là vùng có thể xuất hiện lực cầu giúp chỉ số phục hồi trở lại, và vùng kháng cự là vùng có thể xuất hiện lực bán khiến chỉ số giảm trở lại.

Thị trường phiên 12/08 chứng kiến áp lực chốt lời mạnh ở nhiều nhóm cổ phiếu "nóng" như ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, thép, phân bón, và logistics,… Aseansc dự báo trong phiên giao dịch 13/08 tới, áp lực chốt lời có thể khiến chỉ số VN-Index quay đầu giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1,345-1,350 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1,335-1,340 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.

Mở lại 1 phần nhỏ tỷ trọng

CTCK KB (KBSV): Sau những nỗ lực hồi phục bất thành trong phiên sáng, VN-Index tiếp tục suy yếu với đà giảm dần mở rộng về cuối phiên 12/08. Việc khối lượng giao dịch có phần gia tăng mạnh hơn tại các nhịp giảm trong phiên cho thấy áp lực phân phối chưa dừng lại và rủi ro điều chỉnh tiếp tục hiện hữu. Điểm tích cực là chỉ số đã về sát vùng hỗ trợ 134x, mang lại cơ hội sớm xuất hiện nhịp hồi phục trở lại, tuy nhiên tín hiệu này hiện mới chỉ mang hàm ý T+.

KBSV khuyến nghị nhà đầu tư có thể mở lại 1 phần nhỏ tỷ trọng trading T+ khi chỉ số lùi xuống vùng hỗ trợ đã đề cập nhưng cần bán quay vòng trung bình giá vốn sau đó hoặc kết hợp tái cơ cấu danh mục cho các vị thế trung hạn còn nắm giữ.

Có thể điều chỉnh về ngưỡng 1,330 điểm

CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): VN-Index có một phiên giao dịch khá giằng co giữa lực mua và lực bán nhưng cuối cùng cũng trở về với sắc đỏ vào cuối phiên 12/08. Dòng tiền đầu tư tiếp tục thu hẹp khi thị trường chỉ có 5/19 nhóm ngành tăng điểm với biên độ khá thấp. Độ rộng thị trường chuyển sang trạng thái trung lập với thanh khoản giảm so với phiên trước cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Trong khi đó, khối ngoại tiếp tục bán ròng trên cả 2 sàn HNXHOSE.  Xu hướng suy yếu của thanh khoản khi thị trường điều chỉnh về ngưỡng 1,350 điểm sẽ là một bước kiểm tra quan trọng trong ngắn hạn. Nếu thị trường hồi phục khi chạm ngưỡng 1,350 điểm, VN-Index vẫn có thể quay trở lại ngưỡng 1,380 điểm. Nếu không, thị trường có thể điều chỉnh về ngưỡng 1,330 điểm.

Đứng ngoài và quan sát thị trường

CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): VN-Index điều chỉnh nhẹ trong phiên thứ 2 liên tiếp với thanh khoản khớp lệnh suy giảm so với phiên 11/08 nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy áp lực bán ra trong phiên 12/08 là khá mạnh. Và khối ngoại tiếp tục bán ròng với hơn 150 tỷ đồng trên hai sàn là một điểm nhấn tiêu cực khác.

Trên góc nhìn kỹ thuật, với hai phiên giảm liên tiếp với thanh khoản khá cao thì thị trường đang phát đi tín hiệu về việc kết thúc nhịp phục hồi để bước sang nhịp điều chỉnh mặc dù vẫn còn khả năng đi tiếp tới vùng quanh 1,400 điểm nếu giữ được ngưỡng 1,350 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần 13/08. Vì vậy cần tiếp tục quan sát diễn biến trong phiên 13/08 để nhận định chính xác hơn về xu hướng thị trường. SHS dự báo trong phiên giao dịch cuối tuần 13/8, VN-Index có thể tiếp tục điều chỉnh về vùng hỗ trợ gần nhất trong khoảng 1,325-1,350 điểm. Nhà đầu tư đã chốt lời dần danh mục trong thời gian qua nên đứng ngoài và quan sát thị trường, chưa nên mua thêm ở vùng giá hiện tại.

Vẫn duy trì dao động trong biên độ hẹp

CTCK MB (MBS): Thanh khoản thị trường phiên 12/08 tuy giảm nhẹ so với phiên hôm trước nhưng vẫn được duy trì ở mức cao, đã có hơn 21,630 tỷ đồng khớp lệnh trên sàn HOSE. Tuy nhiên, việc chỉ số đóng cửa ở mức thấp nhất phiên kèm thanh khoản cao là tín hiệu cần được quan sát. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 145 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Về kỹ thuật, thị trường tỏ ra gặp khó ở ngưỡng 1,370 điểm, áp lực chốt lời cũng như các nhịp rung lắc ở vùng này là hoàn toàn bình thường bởi thị trường cũng đã có hơn 2 tuần tăng liên tiếp.

Theo MBS, 2 phiên điều chỉnh nhẹ chưa ảnh hưởng đến đà phục hồi của thị trường, chỉ số VN-Index nhiều khả năng vẫn duy trì dao động trong biên độ hẹp khi dòng tiền đầu cơ có dấu hiệu dịch chuyển khỏi các cổ phiếu tăng nóng để tìm cơ hội ở các nhóm cổ phiếu có câu chuyện như đầu tư công, chứng khoán, ngân hàng…

Minh Hồng

FILI

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 12/08: Dao động quanh ngưỡng 1,350 điểm? (11/08/2021)

>   Nhóm ngành nào sẽ hấp dẫn trong nửa cuối năm 2021? (11/08/2021)

>   Góc nhìn 11/08: Hạn chế mua đuổi (10/08/2021)

>   FPT - Cổ phiếu vượt bão Covid-19? (11/08/2021)

>   Góc nhìn 10/08: Cổ phiếu vừa và nhỏ sẽ hút tiền? (09/08/2021)

>   Tiềm năng nào ở HPG, TPB, QTP? (09/08/2021)

>   Góc nhìn tuần 09-13/08: Khó quay lại ngưỡng 1,300 điểm? (08/08/2021)

>   VDSC: VN-Index tháng 8 sẽ dao động trong trong khoảng 1,260-1,370 điểm (06/08/2021)

>   VDSC: Triển vọng kinh tế sẽ trở nên tồi tệ trước khi phục hồi mạnh mẽ (06/08/2021)

>   VNDirect: Vùng 1,250-1,270 điểm sẽ là vùng hỗ trợ mạnh cho VN-Index trong tháng 8 (06/08/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật