Giải pháp nào cho '3 tại chỗ' ở phía Nam?
Nhiều doanh nghiệp phía Nam mong muốn được tạo điều kiện cho phép tự quản lý, tự chịu trách nhiệm và tự có phương thức tổ chức sản xuất an toàn, phù hợp với tình hình thực tế.
Chỉ sau hơn 15 ngày triển khai, nhiều doanh nghiệp tại Đồng Nai đề nghị dừng phương án "3 tại chỗ", người lao động cũng yêu cầu chấm dứt việc lưu trú tại công ty. Tương tự, thị xã Tân Uyên (Bình Dương) cũng khẩn trương yêu cầu dừng giải pháp đó vì phát sinh nhiều ổ dịch mới.
Thực tế, lời giải "3 tại chỗ" của các doanh nghiệp Bắc Giang, Bắc Ninh không còn phù hợp với bài toán lúc này ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam khi dịch bệnh đã bùng phát mạnh.
Hầu hết doanh nghiệp đều "đuối sức" và mong muốn một lời giải khác linh hoạt, phù hợp hơn đối với từng địa phương, ngành nghề và thậm chí với từng quy mô doanh nghiệp. "Hai tại chỗ", "xây dựng bệnh viện dã chiến tại khu công nghiệp", "cho phép lập vùng đệm", "công thức 7K+3T" hay "trao quyền cho doanh nghiệp"... là đáp án phù hợp nhất?
Sau thời gian doanh nghiệp áp dụng sản xuất giải pháp “3 tại chỗ” đã bộc lộ một số bất cập nhất định. Ảnh: Việt Linh.
|
Đề xuất "2 tại chỗ"
Ngày 10/8, Chi hội doanh nghiệp Khu Công nghệ cao (SBA) có văn bản đề xuất thí điểm phương án "2 tại chỗ", tức đồng ý cho lao động được đi làm từ nhà trong khoảng thời gian từ 16-30/8.
Trao đổi với chúng tôi, bà Hồ Thị Thu Uyên, Chi hội trưởng chi hội cho biết phương án thí điểm này dựa trên khảo sát thực tiễn ở các doanh nghiệp và đề xuất của 2 công ty là Intel Products Việt Nam, Datalogic Việt Nam.
"Lao động sẽ được duy trì việc xét nghiệm 2 lần trong 5 ngày đầu, sau đó là 2 lần/7 ngày trong tuần tiếp theo. Đồng thời phải có cam kết từ 3 phía: Doanh nghiệp, lao động và gia đình của lao động đó. Riêng những lao động ở 'vùng đỏ' sẽ không được tham gia thí điểm", lãnh đạo SBA phân tích.
Lao động được thí điểm chỉ được phép đi từ nhà đến nơi làm việc và chiều ngược lại theo xe đưa đón của doanh nghiệp. Bà Uyên cho biết thông thường doanh nghiệp sẽ có các cách thức hoạt động khác nhau, tuy nhiên khi tham gia thí điểm phải theo quy trình nghiêm ngặt.
Lao động được thí điểm chỉ được phép đi từ nhà đến nơi làm việc và chiều ngược lại theo xe đưa đón của doanh nghiệp. Ảnh: Đức Anh.
|
Đặc biệt, người tham gia thí điểm sẽ phải cài ứng dụng trên điện thoại, trước khi lên/xuống xe đưa đón phải bật ứng dụng để cơ quan quản lý và doanh nghiệp kiểm soát. "Người nhà của công nhân cũng được doanh nghiệp đưa xe lưu động đến test nhanh Covid-19 1 tuần/lần", bà nhấn mạnh.
Đây là phương án được lên kế hoạch chặt chẽ từ đầu đến cuối. Sau 2 tuần thí điểm nếu đạt hiệu quả, chúng tôi sẽ đề xuất cho thêm doanh nghiệp triển khai phương án này.
Bà Hồ Thị Thu Uyên, Chi hội trưởng Chi hội doanh nghiệp Khu Công nghệ cao (SBA).
|
Bà cho rằng doanh nghiệp ở Bình Phước phát sinh ca nhiễm sau khi cho lao động đi làm từ nhà do chưa có phương án cụ thể, thấu đáo. "Đây là phương án được lên kế hoạch chặt chẽ từ đầu đến cuối. Sau 2 tuần thí điểm nếu đạt hiệu quả, chúng tôi sẽ đề xuất cho thêm doanh nghiệp triển khai phương án này", bà Uyên nói.
Bà Uyên cho biết chậm nhất là trong sáng 13/8, 2 doanh nghiệp trên sẽ có kế hoạch, cam kết cụ thể gửi đến chi hội. Bản thân doanh nghiệp còn có thêm nhiều quy định khác để đảm bảo an toàn cho lao động tuyệt đối.
"Doanh nghiệp đang tìm nhiều cách cố gắng gỡ rối cùng Chính phủ. Bởi hơn ai hết chính họ hiểu rõ nhất tình hình hiện tại ở nơi sản xuất, địa phương ra sao và cách làm nào là tốt, an toàn", lãnh đạo SBA bày tỏ.
Trước đó, ông Đoàn Võ Khang Duy, Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM, cũng đề xuất phương án cân nhắc cho phép lao động đã tiêm vaccine đi về nhà, giúp nhẹ gánh chi phí "3 tại chỗ".
"Không thể biến doanh nghiệp thành khu dân cư mãi được. Tâm lý lao động ở doanh nghiệp lâu dài sẽ bức bối khi bị kiểm soát khắt khe", ông nói.
Hiện tại đa số doanh nghiệp ở TP.HCM đã cơ bản hoàn thành xong 1 mũi tiêm vaccine Covid-19 cho lao động. Ảnh: Quỳnh Danh.
|
Gỡ khó theo trình tự
Ông Trần Thiên Long - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM - cho biết lãnh đạo hiệp hội và đa số doanh nghiệp đều đồng tình phương án "2 tại chỗ" mà chi hội vừa đề xuất. "Vừa linh hoạt, hạn chế phát sinh chi phí nhưng vẫn kiểm soát chặt chẽ công tác phòng chống dịch", ông Long đánh giá.
Theo lãnh đạo HBA, thời điểm này là lúc chính quyền cần tạo một cơ chế mở hơn cho doanh nghiệp thoát khỏi "3 tại chỗ" để họ có động lực tiếp tục duy trì sản xuất.
Ngoài ra, để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, ông Long cho rằng cần giải quyết các khó khăn từng bước cho doanh nghiệp theo một trình tự rõ ràng. "Trước hết phải hoàn thành tiêm vaccine mũi 1 cho công nhân và chuẩn bị tiêm mũi 2 vào cuối tháng 8", ông nói.
Tiếp theo là xây dựng bệnh viện dã chiến tại khu công nghiệp, khu chế xuất để chăm sóc sức khỏe công nhân tốt hơn và nhanh chóng tách F0 ra khỏi nhà máy khi có ca nhiễm. Ông Long cho rằng cách làm này sẽ tránh đứt gãy sản xuất, duy trì ổn định chuỗi cung ứng, đồng thời giảm áp lực cho ngành y tế.
Từ đó, về lâu dài doanh nghiệp có thể quay lại hoạt động sản xuất bình thường trong thời gian dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Theo lãnh đạo HBA, thời điểm này là lúc chính quyền cần tạo một cơ chế mở hơn cho doanh nghiệp thoát khỏi "3 tại chỗ" để họ có động lực tiếp tục duy trì sản xuất. Ảnh: Hoàng Hà.
|
"Hiện, Công ty TNHH Sepzone - Linh Trung và Ban quản lý đã thống nhất và lên kế hoạch triển khai xây dựng Khu thu dung người nhiễm Covid-19 tại Khu chế xuất Linh Trung 2 với quy mô dự kiến 250 giường", ông thông tin.
Ngoài ra, ông Long đề nghị ngành y tế cần có chính sách sửa đổi quy định test nhanh Covid-19 định kỳ trong mỗi doanh nghiệp. "Khi đã hoàn thành tiêm vaccine mũi 1 cho 322.000 công nhân, đồng nghĩa đạt mức hạn chế lây nhiễm có thể xem xét giảm tần suất xét nghiệm hoặc có giải pháp linh hoạt khác giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp", ông nói.
Cho phép lập “vùng đệm” xung quanh nhà máy, có thể là trường học, trường dạy nghề, kho, sân vận động, nhà thi đấu… gần nhà máy.
Bà Nguyễn Thị Phương - Phó tổng giám đốc thường trực VinCommerce.
|
Bà Nguyễn Thị Phương - Phó tổng giám đốc thường trực VinCommerce (đơn vị sở hữu chuỗi hệ thống bán lẻ Vinmart/VinMart+, là công ty thành viên thuộc Tập đoàn Masan) - cũng đề xuất cho phép lập “vùng đệm” xung quanh nhà máy. Vùng đệm này có thể là trường học, trường dạy nghề, kho, sân vận động, nhà thi đấu… gần nhà máy. Tại đây, lao động có thể ăn nghỉ, giãn cách và thực hiện tốt quy định về phòng chống dịch bệnh.
Đồng thời để đảm bảo tính liên tục của chuỗi cung ứng, đại diện Masan đề nghị không đồng loạt đóng cửa nhà máy, kho hàng, đồng thời rút ngắn nhất có thể thời gian đóng cửa nhà máy, tổng kho, điểm bán hàng hóa thiết yếu.
"Công thức 7K+3T" và vaccine
Trong khi đó, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn xây dựng Hòa Bình - cho rằng giải pháp “3 tại chỗ” hay “1 cung đường - 2 điểm đến” chưa thể phát huy được ưu điểm. Đồng thời cũng không thể kìm hãm được đà lây lan của dịch bệnh do vẫn còn nhiều kẽ hở khiến hình thành những ổ dịch mới tại một số nhà máy lớn.
Ông đề xuất "Công thức 7K + 3T", trong đó 7K bao gồm: "Khẩu trang - Khoảng cách - Khử khuẩn - Không tụ tập - Khai báo y tế - Không khí trong lành - Khỏe mạnh" và 3T là: "Tự phát hiện - Tự cách ly - Tự chăm sóc".
Theo đó, với doanh nghiệp sẽ tự mua test nhanh theo hướng dẫn của Bộ Y tế và làm xét nghiệm cho công nhân. Nếu có kết quả dương tính, cách ly ngay F0 và thực hiện mọi biện pháp phòng trách lây nhiễm cho cộng đồng, đồng thời làm theo hướng dẫn của Bộ Y tế để tự chăm sóc sức khỏe người lao động.
"Công thức này không chỉ để gia tăng khả năng phòng bệnh, mà còn giúp cho mỗi cá nhân và doanh nghiệp có được sự sẵn sàng, chủ động chống lại dịch bệnh một cách hiệu quả khi có nguy cơ bị lây hoặc đã bị lây nhiễm bệnh Covid -19", ông cho hay.
Giải pháp “3 tại chỗ” không thể kìm hãm được đà lây lan của dịch bệnh. Ảnh: Chí Hùng.
|
Ngoài ra, ông Hải cho rằng việc quan trọng nhất hiện tại là phải giải quyết nhanh chóng tiêm vaccine với toàn bộ hệ thống lực lượng sản xuất, lưu thông hàng hóa.
Hiện, Bộ Y tế đã có quy định 11 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm chủng. Các địa phương cũng đã và đang triển khai thực hiện quy định này. Tuy nhiên, ông Hải cho biết bên cạnh xác định nhóm ưu tiên cũng cần xác định nhóm nên hoãn tiêm chủng.
"Vaccine rất quý nên cần cân nhắc rất kỹ từng mũi tiêm để đảm bảo thành công trong cả 2 nhiệm vụ vừa chống dịch vừa đảm bảo sản xuất, lưu thông hàng hóa", ông đánh giá.
Trao quyền và tin tưởng
Trao đổi với chúng tôi, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho biết cần có chính sách hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp đang thực hiện "3 tại chỗ". Trong đó cần hỗ trợ các chi phí duy trì "3 tại chỗ" như xét nghiệm, điện, nước...
Ông cho rằng Chính phủ đã có từng bước tháo gỡ nhưng chính quyền và các địa phương vẫn đang áp dụng khắt khe khiến các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong vấn đề lưu thông.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM đánh giá phương án "3 tại chỗ" chỉ là một tình huống bất khả kháng. Ông cho rằng mỗi doanh nghiệp đều có những giải pháp riêng, theo từng ngành hàng, từng lĩnh vực. Bản thân các phương tiện vận chuyển khả năng lây nhiễm rất thấp, chủ yếu nguồn lây ở khâu giao nhận.
Mỗi doanh nghiệp đều có những giải pháp riêng, theo từng ngành hàng, từng lĩnh vực, từng quy mô sản xuất.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM.
|
"Hiệp hội kiến nghị nên có nhóm công tác đặc biệt khi doanh nghiệp gặp tình huống là phải xử lý ngay trong 1 buổi hoặc 1 ngày thay vì dùng các thủ tục hành chính", ông nói.
Lúc này, chính quyền cần trao niềm tin, trách nhiệm cho doanh nghiệp, bởi hơn ai hết họ phải biết cách bảo vệ nguồn lực của mình. "Trước tiên, phải đảm bảo an toàn mới có thể sản xuất. Do đó, chính quyền phải dám tin tưởng vào họ, giao trách nhiệm và hướng dẫn doanh nghiệp làm tốt, thay vì cơ chế áp đặt", ông nêu quan điểm.
Nhiều doanh nghiệp phía Nam muốn được tự quản lý, tự chịu trách nhiệm và tự có phương thức tổ chức sản xuất an toàn, phù hợp với tình hình thực tế. Ảnh: Duy Hiệu.
|
Chiều 12/8, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các tỉnh, doanh nghiệp tự xây dựng phương án sản xuất và phòng chống dịch Covid-19 phù hợp. Để các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo sản xuất kinh doanh.
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị thực hiện xét nghiệm sàng lọc và định kỳ đối với người lao động.
Trong đó xét nghiệm sàng lọc hàng tuần ít nhất cho 20% người lao động bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp hoặc test kháng nguyên nhanh khi đơn vị chưa có ca F0, áp dụng xét nghiệm ít nhất 50% người lao động khi có ca mắc dương tính.
Trong văn bản này, Bộ Y tế cũng cho biết, mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" áp dụng thành công ở Bắc Giang, Bắc Ninh nhưng lại chưa hiệu quả tại một số địa phương do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan.
Thanh Thương
ZING
|