Thứ Ba, 17/08/2021 14:35

Doanh nghiệp bán lẻ sẽ “sống sao” trong những tháng cuối năm 2021?

Đợt giãn cách xã hội với mức độ nghiêm trọng nhất đã khiến tổng mức bán lẻ hàng hóa của Việt Nam giảm mạnh trong những tháng gần đây. Hậu quả là tốc độ tăng trưởng 7 tháng đầu năm 2021 giảm xuống còn 3.6% so với cùng kỳ.

Doanh số bán lẻ bị ảnh hưởng mạnh

Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng giảm xuống mức 114 điểm trong quý 2 năm 2021 từ 121 điểm trong quý 4 năm 2021 và 117 điểm vào quý 1 năm 2021, đánh dấu mức điểm thấp nhất trong 4 năm qua vì triển vọng việc làm và tài chính cá nhân xấu đi do làn sóng Covid thứ 4. Tuy nhiên, việc mức chỉ số vẫn trên 100 cho thấy sự lạc quan của người tiêu dùng. Mặc dù ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh tới chỉ số này có thể sẽ có độ trễ, nhưng đây có thể được xem là dấu hiệu cho thấy tiêu dùng trong nước có khả năng phục hồi mạnh mẽ thời kỳ hậu dịch bệnh.

Đợt giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất kể từ trước tới nay rõ ràng đã ảnh hưởng tới lưu thông của người dân tới các điểm bán lẻ. Trong tháng 7 vừa qua, cao điểm của việc áp dụng Chỉ thị 16, số liệu thậm chí còn thấp hơn đợt giãn cách vào tháng 4/2020. Kể từ ngày 03/08, dữ liệu của Google cho thấy số lượt ghé thăm các điểm bán lẻ và giải trí đã giảm 71% so với mức cơ sở trước Covid trong khi lượng người đến cửa hàng tạp hóa và hiệu thuốc thấp hơn 44%. Kết quả là, điều này đã thúc đẩy nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng nhanh.

Sau lệnh cấm chợ tự phát từ ngày 20/6 và việc áp dụng Chỉ thị 16 từ tuần thứ 2 của tháng 7 tại TP.HCM, chi tiêu hàng tiêu dùng nhanh trong các siêu thị mini đã tăng đột biến. Điều này đã gây áp lực đáng kể lên hệ thống các siêu thị mini trong việc đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Sau đó, vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8, nhiều chợ ở TP.HCM đã được cấp phép mở cửa trở lại sau khi đã tăng cường các quy định an toàn về phòng chống Covid.

Tốc độ hồi phục phụ thuộc vào tiến độ tiêm chủng

Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng sẽ là cơ sở để Chính phủ nới lỏng dần các hạn chế. Tại báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm 2021, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng các chỉ thị giãn cách xã hội hiện tại sẽ dần được dỡ bỏ vào cuối quý 3 khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên nhanh chóng. Sự mở cửa trở lại của các cửa hàng bán lẻ sẽ là điều kiện cần cho bức tranh phục hồi của doanh số bán lẻ.

Trên thực tế, ngành bán lẻ trên thế giới đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ khi lệnh cấm được dỡ bỏ nhờ vào nhu cầu chi tiêu bị dồn nén trong thời gian diễn ra giãn cách. Trong khi đó, niềm tin tiêu dùng và thu nhập bị ảnh hưởng sẽ khiến sự phục hồi này diễn ra không đồng đều giữa các nhóm hàng tiêu dùng. Các doanh nghiệp bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu có thể sẽ phải tung rất nhiều đợt khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng.

Gia tăng áp dụng bán hàng đa kênh

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ thâm nhập mua sắm trực tuyến cao nhất ở châu Á (50%), nhờ vào tỷ lệ sử dụng Internet cao ở mức 70%. Với việc chiếm 5,5% tổng doanh thu bán lẻ, thị trường TMĐT được định giá khoảng 12 tỷ USD vào năm 2020, tăng từ 5 tỷ USD vào năm 2016, theo Bộ Công Thương. Covid đã thay đổi thói quen mua sắm của nhiều người, trong đó 90% người dân có ý định tiếp tục mua sắm online sau đại dịch.

Tuy nhiên, phần lớn chi tiêu TMĐT vẫn tập trung vào những sản phẩm có giá trị thấp hoặc những sản phẩm mà họ đã sử dụng trước đó. Còn đối với những sản phẩm có giá trị cao, họ sẽ lựa chọn trải nghiệm sản phẩm tại cửa hàng rồi mang về hoặc đặt hàng giao tận nhà. Theo Nielsen, 66% người Việt Nam sẽ trực tiếp xem sản phẩm tại cửa hàng thực trước khi đặt hàng. Do đó, các cửa hàng vật lý vẫn sẽ giữ được chỗ đứng quan trọng của mình.

Kênh thương mại hiện đại đóng vai trò quan trọng

Trong đại dịch Covid-19, thị trường đã chứng kiến xu hướng dịch chuyển từ những cửa hàng tạp hóa nhỏ sang các siêu thị mini. Mặc dù các kênh bán hàng truyền thống sẽ không thể bị thay thế, nhưng xu hướng hiện đại hóa này sẽ còn tồn tại trong tương lai khi kỳ vọng của khách hàng cho tiêu dùng ngày càng tăng: Khách hàng sẽ được ưu tiên trải nghiệm tại những địa điểm có không gian sạch sẽ, an toàn đáp ứng mọi nhu cầu mà không cần phải di chuyển đến nhiều nơi để giảm bớt tiếp xúc công cộng.

Về dài hạn, VDSC kỳ vọng thị phần của kênh thương mại hiện đại sẽ tăng lên nhờ thu nhập khả dụng cao hơn.

Duy Na

FILI

Các tin tức khác

>   Nhiều động lực tăng trưởng cho ngành ngân hàng nửa cuối năm 2021 (16/08/2021)

>   Đẩy mạnh đầu tư công sẽ là yếu tố dẫn dắt ngành bất động sản nửa cuối năm 2021 (16/08/2021)

>   Thị trường thuận lợi sẽ duy trì, hỗ trợ tốc độ tăng trưởng cao của ngành chứng khoán (16/08/2021)

>   Có nên nắm giữ TCB, SCS, CTG? (16/08/2021)

>   VDSC: Doanh nghiệp dầu khí trung và hạ nguồn có thể bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong nửa cuối năm 2021 (16/08/2021)

>   Góc nhìn tuần 16-20/08: Hướng đến mốc 1,400 điểm? (15/08/2021)

>   Thị trường chứng khoán nửa cuối 2021 - Hưởng lợi từ đầu tư công? (13/08/2021)

>   Góc nhìn 13/08: Đứng ngoài và quan sát thị trường? (12/08/2021)

>   Góc nhìn 12/08: Dao động quanh ngưỡng 1,350 điểm? (11/08/2021)

>   Nhóm ngành nào sẽ hấp dẫn trong nửa cuối năm 2021? (11/08/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật