Theo Cục Bảo vệ thực vật, trước diễn biến phức tạp dịch bệnh hiện nay, thị trường Trung Quốc đang có những quy định chặt chẽ hơn trong nhập khẩu nông sản. Do đó, Bộ NN&PTNT đang triển khai những giải pháp khả thi để thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản.
Thanh long đang được tập trung thu mua tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). Ảnh: VGP/Đỗ Hương
|
Từ tháng 5 đến nay, thị trường xuất khẩu nông sản truyền thống của Việt Nam là Trung Quốc đang ngày càng thắt chặt các quy định về xuất nhập khẩu hàng hóa. Trong đó, Trung Quốc tăng cường kiểm tra, khử trùng hàng hóa, phương tiện vận chuyển hàng xuất khẩu từ vùng dịch của Việt Nam; thực hiện quản lý và truy xuất nguồn gốc hàng hóa... khiến thời gian thông quan hàng hóa kéo dài. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng chống dịch với đội lái xe chuyên trách nên làm tăng thời gian giải phóng hàng, đôi khi khi xảy ra ùn ứ cục bộ.
Hiện nay, mỗi ngày có khoảng 30-40 xe hàng thông quan qua cửa khẩu Lào Cai, còn tại cửa khẩu Hữu nghị Bằng Tường (Lạng Sơn), mỗi ngày có khoảng 100 xe hoa quả xuất khẩu được thông quan sang Trung Quốc. Đây là con số rất khiêm tốn so với thời gian trước dịch.
Trước hình hình đó, Bộ NN&PTNT đang tăng cường các buổi làm việc trực tuyến nhằm tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy việc xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng đang nỗ lực hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp trong xuất khẩu nông sản đang vào vụ thu hoạch sang các thị trường EU, Anh, Nhật Bản; phối hợp với Bộ Công Thương tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cám gạo, tinh bột sắn, sắn khô sang Trung Quốc...
Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung chỉ đạo, điều chỉnh kế hoạch sản xuất nông, lâm, thủy sản phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch COVID-19 tại từng tỉnh, thành phố nhằm đảm bảo vừa chống dịch, thiên tai hiệu quả vừa đảm bảo cung ứng tốt lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu.
Với lĩnh vực thuỷ sản, Bộ khuyến cáo các địa phương tập trung phát triển nuôi trồng các loại thủy sản chủ lực (tôm sú, tôm chân trắng, cá tra) và các loại có giá trị kinh tế cao; giải quyết dứt điểm việc gỡ “thẻ vàng” của châu Âu. Còn ở lĩnh vực lâm nghiệp, sẽ thực hiện hiệu quả Hiệp định VPA/FLEGT để gia tăng xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ sang EU.
Bộ NN&PTNT cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tập trung giải quyết khó khăn về kỹ thuật, hạ tầng logistic, không để ứ đọng hàng hóa trên các tỉnh biên giới với Trung Quốc và các thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Phối hợp chặt chẽ với các Tham tán thương mại của Việt Nam tại nước ngoài trong việc hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang các thị trường lớn như EU, Anh, Nhật Bản,…