Thứ Hai, 26/07/2021 08:16

Giá cà phê liên tục tăng khi dự báo nguồn cung sụt giảm

Giá cà phê liên tục tăng trong tuần này cả trên thế giới lẫn trong nước.

Giá cà phê tăng suốt tuần này. Ảnh: Đ.Ngọc Thạch

Sáng 25.7, giá cà phê trong nước chốt mức giao dịch từ 36.800 - 37.700 đồng/kg, theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương). Cụ thể, tại thị trường nội địa, giá cà phê tại các vùng trọng điểm Tây nguyên tăng phiên thứ tư liên tiếp thêm 200 đồng/kg như ở  hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông có cùng mức giá 37.600 đồng/kg. Tại cảng TP.HCM, cà phê robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% lên ở 1.954 USD/tấn (FOB), tăng thêm 55 USD/tấn. Tính chung suốt tuần này, giá cà phê nội địa tăng thêm 1.400 - 1.500 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, hai sàn giao dịch có diễn biến trái chiều với sàn robusta tăng còn arabica lại tuột dốc. Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 9.2021 trên sàn London tăng 10 USD, tương đương 0,53% lên 1.899 USD/tấn, sau khi chạm mức cao nhất trong gần 4 năm tại 1.993 USD/tấn vào trước đó. Còn giá arabica giao cùng kỳ hạn trên sàn New York giảm 4,65 cent, tương đương 2,4% xuống mức 189 US cent/lb. Trong phiên, có lúc giá đạt tới 209,5 US cent/lb, mức cao nhất 6,5 năm.

Theo Reuters, giá cà phê thế giới những ngày qua tăng vọt do Brazil, nước trồng cà phê arabica hàng đầu thế giới, bị mất mùa do nhiệt độ xuống quá thấp. Đợt lạnh giá bất ngờ ở Brazil đã gây ra thiệt hại nặng đến mức sản lượng mất đi lớn gấp đôi so với lượng cà phê arabica đang trữ tại các nhà kho của sàn giao dịch cà phê tương lai chủ chốt thế giới là ICE Futures U.S. Điều này nhanh chóng đẩy giá cà phê thế giới lên mức cao kỷ lục vào ngày 23.7 - giá chạm mức cao nhất 6 năm sau khi tăng 17% trong tuần. Báo cáo từ Ecom Research cũng dự báo, trong mùa thu hoạch tới sản lượng của Brazil có thể sụt giảm từ 4,05 đến 5,2 triệu bao vì mất mùa.

Mặc dù đến hôm nay đà tăng giá đã hạ nhiệt sau khi dự báo thời tiết cho thấy trong tuần tới khả năng xuất hiện băng giá sẽ giảm xuống, vẫn có nguy cơ cao Brazil phải đối mặt với thời tiết băng giá nhiều hơn cho đến giữa tháng 8. Rabobank International cho rằng phải mất khoảng 3 năm để cây cà phê có thể tạo ra sản lượng thương mại. Ngoài ra, Honduras, nơi trồng cà phê hàng đầu ở khu vực Trung Mỹ, cũng đang vật lộn với những thiệt hại do đại dịch Covid-19 và bão gây ra. Theo đồ thị phân tích kỹ thuật, giá cà phê vẫn đang trên đà leo dốc và có thể sẽ tăng thêm 25% nữa trước khi dừng tăng. Điều này cũng có thể xảy ra do nhu cầu cà phê thế giới đang hồi phục mạnh sau đại dịch Covid-19, trong khi nguồn cung của Brazil sụt giảm mạnh sẽ để lại một khoảng trống lớn giữa cung và cầu.

Bên cạnh đó, giá cước vận chuyển quá cao khiến việc giao hàng từ các nước sản xuất lớn ngoài Brazil như Việt Nam bị chậm lại cũng góp phần đẩy giá cà phê đi lên...

An Yến

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu tôm 6 tháng cuối năm sẽ tăng trở lại (17/07/2021)

>   Xuất khẩu cá tra tăng mạnh nhưng người nuôi cá và doanh nghiệp đều... không vui (15/07/2021)

>   Vận tải ách tắc, sản xuất và tiêu thụ thủy sản có nguy cơ bị đình trệ (15/07/2021)

>   Giá trứng tại chợ ở TP.HCM tăng vọt (14/07/2021)

>   Xuất khẩu gạo sụt giảm mạnh (14/07/2021)

>   Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương quyết tâm gỡ thẻ vàng của EC vào năm 2022 (13/07/2021)

>   Rau tại chợ TP.HCM tăng giá mạnh, rau ở vườn ế ẩm (13/07/2021)

>   Thị trường nông sản tuần qua: Giá gạo trong nước giảm nhẹ (12/07/2021)

>   Giá thức ăn chăn nuôi sẽ còn tăng (09/07/2021)

>   Nông dân cầm cự để vượt qua chuỗi ngày nông sản rớt giá (07/07/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật