Thứ Bảy, 31/07/2021 20:20

'Điên đảo' giá cả thị trường cà phê

Nhiều nhà kinh doanh nông sản thương phẩm đã xem ngày hôm qua, 30-7, là một "thứ Sáu đen tối" của các sàn hàng hóa nông sản. Tại hầu hết sàn giao dịch, các loại nông sản đồng loạt rớt giá trong ngày này. Cùng với đó, diễn biến trên thị trường cà phê cũng thất thường, khó đoán.

Nông sản thương phẩm đồng loạt rớt giá ngày 30-7-2021 (nguồn: investing.com)

Biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 vẫn đang quấy phá nhiều nước, kể cả tại một số quốc gia có tỷ lệ người tiêm chủng vaccin cao, được cho là một nguyên nhân kìm hãm lực tiêu thụ. Tại nhiều nước cung ứng nông sản nghèo hơn, thiếu vaccin, hoạt động sản xuất và giao hàng đa phần bị ngưng trệ.

Thị trường cà phê cũng chịu chung tác động nếu theo dõi kỹ các diễn biến về giá của mặt hàng này thời gian gần đây.

Giá tăng như "khùng"…

Tuần kết thúc vào ngày 23-7-2021, hợp đồng robusta London tháng 11-2021 bấy giờ lên đỉnh 2.002 đô la/tấn, mức cao nhất tính từ tháng 10-2017. Sàn này cũng kéo giá trên sàn arabica lên theo, đạt đỉnh cao nhất tính từ 6 năm rưỡi tại mức 217,85 cts/lb, tương đương với 4.803 đô la/tấn.

Tiếp đến, tin tức cho biết các vùng trồng cà phê trọng điểm ở phía đông nam nước Brazil như Minas Gerais, Sao Paolo… vào đầu tháng và đặc biệt vào ngày 20-7 bị sương giá, nhiệt độ dưới 0 độ C đã làm “quéo” lá trên cả diện tích 150.000-200.000 héc-ta. Nhiều người cho rằng tình hình này làm giảm sản lượng cà phê thế giới trầm trọng và giúp giá trên 2 sàn cà phê tăng mạnh và tăng bền vững.

Do vội nhận định và chưa kịp kiểm chứng về thiệt hại trong các đợt sương giá trong tháng 7-2021 tại Brazil nên không ít người đã tin chắc vào đó, cấp tập mua vào với giá "trên trời" cả hàng thực (physical) lẫn hàng giấy (hợp đồng kỳ hạn), nay chưa biết phải giải quyết thế nào.

Nhưng đó cũng là kết quả của một đợt tăng mạnh từ mức thấp nhất 1.672 đô la lập ngày 1-7 để lên cao chót vót 2.002 đô la/tấn xuất hiện này 23-7. Như vậy, chỉ trong vòng ba tuần đó, có nhiều ngày sàn robusta giao dịch có biên độ dao động rất cao, khiến người ít tiền tham gia mua bán trên sàn hàng giấy “cháy tài khoản” có khi chỉ sau vài giờ đặt cược.

… Rớt như "điên"  

Nhiều nhà kinh doanh cà phê vẫn chưa tìm ra lý do vì sao sau một ngày giao dịch thị trường cà phê rớt đậm đến vậy. Tại thời điểm đóng cửa ngày giao dịch cuối tuần và cũng là ngày cuối tháng 30-7, giá robusta giảm 99 đô la Mỹ/tấn, chốt tại 1.801 đô la, và sàn arabica đứng ở mức 182,45 cts/lb, mất 16,85 cts/lb hay 371,5 đô la/tấn

Như vậy, nếu so tuần với tuần, trong 5 ngày giao dịch vừa qua, hiệu suất đầu tư trên hai sàn cà phê phái sinh bị sụt giảm mạnh, giá sàn arabica New York mất 9,50 cts/lb tức giảm 4,95% (191,95-182,45 cts/lb) và giá sàn robusta London giảm 106 đô la hay âm 5,56% (1.907-1.801 đô la/tấn).

Lại cũng do dự báo thời tiết! Nhiều dự báo thời tiết đưa ra các mô hình chứng minh rằng trong những ngày từ 29-7 đến 1-8, sương giá lại viếng vùng cà phê phía nam Brazil. Tuy nhiên, nhiệt độ vùng cà phê Brazil không rớt xuống mức đóng băng và thay vào đó, giá trên hai sàn cà phê rớt rất sâu với đầy bất ngờ.

Trong một phiên giao dịch khó hiểu, đầu phiên sàn London tăng 30 đô la và sàn New York tăng 5,25 cts/lb, khiến người chơi hàng giấy nhảy vào mua (vì theo tin có sương giá), thì ngay lập tứcsau đó giá trên sàn quay đầu. Đường biểu diễn giá cả từ mức dương chạy về mức âm 130 đô la, chạm mức 1.769 đô la/tấn trên sàn robusta, còn giá trên sàn arabica trong phiên âm đến mức sâu nhất, chạm mức 181,50 cts/lb, âm 17,80 cts/lb.

Có lẽ người tham gia thị trường cà phê cần thấy rằng thời tiết cực đoan là có thật nhưng vẫn không thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ cà phê nói riêng và nông sản nói chung chỉ sau một đêm. Giá trên sàn phái sinh những ngày qua rõ ràng không phản ánh yếu tố cung-cầu thực sự. Cà phê không thể thiếu để một đêm tăng vài trăm đô la, rồi ngay hôm sau lại thừa để giá giảm vài trăm đô la/tấn tương tự.

“Có thể thấy rằng từ rất lâu mới thấy giá trên hai sàn cà phê đảo điên thế này! Thị trường ‘nhảy múa’ thường có lợi cho giới đầu cơ và họ mong chuyện ấy, còn chúng tôi làm nghề xuất khẩu mấy chục năm nay, thiệt tình diễn biến giá kỳ hạn kiểu này chỉ biết tin vào may rủi”, lãnh đạo của một công ty xuất khẩu có bề dày mấy chục năm tâm sự như thế.

"Dịch bệnh Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, mua bán rất khó khăn. Mua thì không biết chân hàng nằm ở đâu, liệu có thực hàng mua nằm đó hay nhà cung ứng thấy giá cao bán bừa; bán thì khó liên hệ với khách hàng vì mấy năm nay dịch bệnh không cho cơ hội mặt chạm mặt…", vị lãnh đạo công ty xuất khẩu cà phê nói trên cho biết thêm.

Yếu tố nào quyết định giá cà phê nay mai?

Dù trải qua một tuần đầy phong ba, hai sàn cà phê vẫn được một tháng 7-2021 có hiệu suất đầu tư tăng: New York tăng 12,17% hay +19,80 cts/lb và London tăng 5,20% tức +89 đô la/tấn.

Những luồng tin về sương giá tại Brazil đang nguôi dần nhưng dòng vốn trên các sàn giao dịch tài chính vẫn cuồn cuộn chảy. Có lẽ nào các nhà đầu tư tài chính thấy mình đã thắng đậm trên nhiều sàn nông sản và đặc biệt trên 2 sàn cà phê, ngày cuối tháng họ muốn kéo về mức thấp để sau này bày trận mới?

Hay là khi đưa giá lên và lên quá nóng, họ phải vin vào tin sương giá các vùng cà phê Brazil, nay biến chủng Delta là cái cớ để giúp họ chỉnh giá xuống để điều hòa?

Hai sàn cà phê phiên đóng cửa phiên cuối tuần trước xuất hiện hướng đảo ngược mang tính quyết định (key reversal). Nếu nói về kỹ thuật, giá còn chỉnh giảm vài ba đợt nữa để tìm thế ổn định. Như vậy có thể đoán rằng giá cà phê vào tháng 8-2021 có thể trầm lắng và ít sóng gió hơn… Đến khi nào? Cho đến khi có một dự báo rằng Brazil lại trở rét đến mức có khả năng xảy ra sương giá trên vùng cà phê tại đó.

Nhưng yếu tố quyết định giá cà phê đường dài lên hay xuống chắc sẽ không vì tin thời tiết vốn rất bất nhất mà sẽ dựa vào một yếu tố khác. Đó chính là lượng tồn kho cà phê tại các nước tiêu thụ.

Nguyễn Quang Bình

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Giá gà có nơi rẻ như rau, chỉ 10.000 đồng/kg, chỗ ế thừa, nơi không có ăn (27/07/2021)

>   Giá cà phê liên tục tăng khi dự báo nguồn cung sụt giảm (26/07/2021)

>   Xuất khẩu tôm 6 tháng cuối năm sẽ tăng trở lại (17/07/2021)

>   Xuất khẩu cá tra tăng mạnh nhưng người nuôi cá và doanh nghiệp đều... không vui (15/07/2021)

>   Vận tải ách tắc, sản xuất và tiêu thụ thủy sản có nguy cơ bị đình trệ (15/07/2021)

>   Giá trứng tại chợ ở TP.HCM tăng vọt (14/07/2021)

>   Xuất khẩu gạo sụt giảm mạnh (14/07/2021)

>   Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương quyết tâm gỡ thẻ vàng của EC vào năm 2022 (13/07/2021)

>   Rau tại chợ TP.HCM tăng giá mạnh, rau ở vườn ế ẩm (13/07/2021)

>   Thị trường nông sản tuần qua: Giá gạo trong nước giảm nhẹ (12/07/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật