Bộ Công Thương: Duy trì sản xuất ở phía Nam thì phải ưu tiên vaccine
Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng giải pháp căn cơ để duy trì sản xuất ở phía Nam là ưu tiên vaccine. Chính phủ cần giúp đỡ doanh nghiệp nhập khẩu vaccine khi có nguồn.
Trao đổi với chúng tôi về việc áp dụng mô hình "3 tại chỗ", cũng như duy trì sản xuất ở các tỉnh phía Nam, lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng chiến lược vaccine cần phải ưu tiên hàng đầu. Cơ quan phụ trách về lĩnh vực công nghiệp cũng cho rằng không nên áp dụng mô hình "3 tại chỗ" ở các tỉnh phía Nam.
2 nguyên nhân khiến "3 tại chỗ" không thành công
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), nhiều tỉnh phía Nam có dấu hiệu không thành công khi áp dụng phương châm sản xuất "3 tại chỗ". Cơ quan này dẫn ra 2 nguyên nhân chính cho tình trạng này.
Thứ nhất, các doanh nghiệp sản xuất tại khu vực phía Nam có quy mô cũng như số lượng lao động rất lớn (hàng nghìn đến hàng chục nghìn người), do đó việc bố trí cơ sở vật chất cho việc bảo đảm phương châm “3 tại chỗ” trở nên khó khăn hơn.
Nguyên nhân nữa là phần lớn các doanh nghiệp khu vực này có số lượng lao động nhập cư từ các địa phương khác rất lớn. Việc áp dụng “3 tại chỗ” có thể sẽ dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề về tâm lý, an sinh của người lao động khi họ buộc phải cách xa gia đình quá lâu.
Cơ quan này nhận thấy việc kiểm soát dịch bệnh gặp nhiều khó khăn khi các ca lây nhiễm tăng mạnh, thậm chí tại các nhà máy với quy mô diện tích chật hẹp, số lượng công nhân đông thì việc áp dụng “3 tại chỗ” càng gặp rất nhiều rủi ro.
Mô hình "3 tại chỗ" đang có dấu hiệu không thành công ở khu vực phía Nam. Ảnh: Chí Hùng.
|
Do đó, Cục Công nghiệp đánh giá với các doanh nghiệp phía Nam - với đặc thù sử dụng nhiều lao động nhập cư từ các địa phương khác và không thể đáp ứng phương châm “3 tại chỗ”. Do đó, Chính phủ cần tập trung các nguồn lực cao nhất để ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động của các doanh nghiệp này.
Cơ quan này dẫn đề xuất của các hiệp hội ngành dệt may, da - giày - túi xách, điện tử, chế biến đồ gỗ kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành đề nghị hỗ trợ tiếp cận nguồn cung vaccine từ nước ngoài.
"Trong trường hợp này, các doanh nghiệp đã liên hệ và tìm được nguồn cung vaccine từ nước ngoài, do đó Chính phủ cần khẩn trương đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ký kết các hợp đồng cung ứng vaccine để giúp các doanh nghiệp sớm tiếp cận nguồn vaccine trong thời gian ngắn nhất", Cục Công nghiệp đề xuất.
Ưu tiên tiêm vaccine
Để duy trì sản xuất ở các doanh nghiệp phía Nam, tránh xảy ra các đứt gãy sản xuất, Cục Công nghiệp cho rằng vaccine vẫn là giải pháp căn cơ và cần phải tiến hành sớm.
Trước hết, cần ưu tiên tiêm vaccine cho các đối tượng là nhân viên, tài xế, phụ xe vận tải liên tỉnh và đội ngũ lao động tại cảng biển, cửa khẩu… Cơ quan này nhấn mạnh đây là đối tượng ưu tiên tương đương với đội ngũ tuyến đầu chống dịch trong việc tiêm vaccine để bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt phục vụ sản xuất.
"Một khi đội ngũ lao động này đã được tiêm vaccine, quá trình lưu thông hàng hóa, nguồn cung ứng phục vụ sản xuất, kinh doanh sẽ được đảm bảo", Cục Công nghiệp lý giải.
Cục Công nghiệp cho rằng Chính phủ cần tập trung các nguồn lực cao nhất để ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động. Ảnh minh họa: Thạch Thảo.
|
Thứ hai, chính quyền cần hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn cung vaccine để cung cấp cho lực lượng lao động, công nhân một cách sớm nhất có thể.
Cục Công nghiệp đề xuất Chính phủ và chính quyền các tỉnh phía Nam cũng cần đưa ra các chính sách hỗ trợ trực tiếp nhằm tháo gỡ các khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh như hỗ trợ về các khoản thuế, phí, tiền thuê đất, thuê mặt bằng… Các giải pháp này sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp ổn định về tài chính để phục vụ việc phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch.
Trong báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 7 tháng đầu năm, Bộ Công Thương nhận thấy các biện pháp giãn cách xã hội đã ảnh hưởng tới lưu thông hàng hóa, kéo theo sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng và tác động tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Báo cáo ghi nhận 7/19 tỉnh thành phía Nam có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm. Trong đó đáng kể là TP.HCM giảm 19,4%; tỉnh Long An giảm 14,6% hay Cà Mau giảm 13,7%.
“Một số địa phương có chỉ số tăng do một số khu công nghiệp quyết tâm không để đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh với phương án 3 tại chỗ nên được phép hoạt động để tiếp tục thực hiện các đơn hàng sản xuất đã ký kết hợp đồng trước đó”, Bộ Công Thương cho biết.
Huy Lê
ZING
|