Áp lực lãi vay ngân hàng, nhiều tài xế dịch vụ phải bán xe trả nợ
Phần lớn tài xế chạy dịch vụ hiện nay vay ngân hàng, mua trả góp ôtô để hoạt động. Trước sự ảnh hưởng của Covid-19, một số tài xế đã phải bán xe để giảm thiểu gánh nặng.
Tròn một tháng kể từ thời điểm TP Hà Nội siết chặt các yêu cầu về giãn cách xã hội, chiếc ôtô 7 chỗ Mitsubishi Xpander của anh Xuân - trú tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông - mới có đôi ba lần di chuyển trên đường, chủ yếu phục vụ nhu cầu mua sắm lương thực trong gia đình.
Thu nhập bằng 0 nhưng chi phí, nợ ngân hàng vẫn trả đúng hạn, đối với cá nhân đầu tư ôtô nhằm mục đích kinh doanh dịch vụ như anh Xuân, tình trạng những chiếc xe trị giá hàng trăm triệu đồng nằm phủ bạt, bất động triền miên đang trở thành nỗi lo lớn.
“Tôi từng kiếm được từ 23-25 triệu đồng/tháng từ việc chạy xe công nghệ và cho thuê, giai đoạn cao điểm có thể kiếm được trên 30 triệu đồng. Giờ mọi hoạt động bị ngừng lại, xe không lăn bánh nhưng vẫn ‘ăn’ cả đống tiền”, anh Xuân kể.
Tài xế taxi, xe công nghệ, xe dịch vụ tự do gặp khó vì dịch. Ảnh: Quỳnh Danh.
|
Mất thu nhập, loay hoay trả nợ
Đầu năm 2019, anh Xuân cùng vợ bỏ ra gần 400 triệu đồng, vay thêm ngân hàng 300 triệu đồng sắm ôtô làm kế sinh nhai. Với thời hạn thanh toán 7 năm cùng lãi suất thả nổi, hiện nay mỗi tháng gia đình anh phải trả 6,5 - 7 triệu đồng.
So với tổng thu nhập thông thường của 2 vợ chồng, việc bỏ ra trên dưới 7 triệu đồng/tháng để trả nợ ngân hàng chưa bao giờ là vấn đề. “Dù sống cùng dịch bệnh hơn một năm, công việc của tôi vẫn thuận lợi, khách hàng đều đặn và không ảnh hưởng quá nhiều”, anh cho biết.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh phức tạp biến số tiền này trở thành gánh nặng. Sau khi UBND Hà Nội yêu cầu tạm dừng các hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn thành phố, anh Xuân rơi vào cảnh thất nghiệp, nguồn thu chính trong gia đình nay phụ thuộc phần lớn vào vợ.
“Tiền trả nợ ngân hàng cộng sinh hoạt phí đã là trên 17 triệu đồng/tháng, đó là chưa kể nhiều khoản phát sinh khác từ chiếc xe như xăng dầu, bảo dưỡng, phí gửi bến bãi… Lương kế toán của vợ tôi là 12 triệu đồng nhưng mỗi tháng gia đình chi tiêu xấp xỉ 20 triệu đồng”, anh Xuân chia sẻ.
Để trang trải cuộc sống, ngoài nguồn thu nhập của vợ, gia đình anh Xuân thường xuyên phải rút dần tiền từ các khoản tiết kiệm trước đó. “Đến nay chúng tôi vẫn có thể sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, việc thanh toán các khoản nợ khiến hoạt động ăn uống, tiêu pha trong gia đình giờ đều cẩn trọng, chắt bóp hơn”, anh tâm sự.
Chưa kể tiền xăng, bảo dưỡng, mỗi tháng chi phí gửi sân bãi của một chiếc ôtô dao động từ 1.300.000-2.000.000 đồng. Ảnh: Vĩnh Phúc.
|
Đồng cảnh ngộ, Đức Thịnh - tài xế tự do tại Hà Nội - đang phải đóng cả gốc và lãi, tổng cộng 12 triệu đồng/tháng cho ngân hàng. “Dịch bệnh tôi không làm gì được, ngồi lì ở nhà, nợ ngân hàng thì vẫn thanh toán, lãi suất không đổi”, anh Thịnh chia sẻ.
Để đầu tư chiếc Toyota Innova 7 chỗ chạy dịch vụ, cuối năm 2018, anh Thịnh bỏ ra hơn 860 triệu đồng, trong đó 620 triệu đồng là tiền vay ngân hàng, tức hơn 72% giá trị xe.
Tính đến ngày giãn cách dự kiến 6/9, chiếc xe của anh sẽ nằm một chỗ trong vòng 45 ngày. Hiện tại, anh Thịnh đang phải vay tiền người thân để trang trải các khoản nợ ngân hàng.
Quyết định bán xe
Sự bùng phát mạnh của Covid-19 đã đảo lộn cuộc sống của nhiều tài xế. Khác với loại hình vận tải hàng hóa, tài xế hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách khó có thể chuyển đổi hình thức kinh doanh trong giai đoạn này.
Chia sẻ với phóng viên, anh Thịnh cho biết các tài xế chạy dịch vụ tự do thường có xu hướng mua xe trả góp. Trước khi dịch bệnh ảnh hưởng, đa phần tài xế chạy theo hợp đồng, cho thuê hoặc thi thoảng xen kẽ các cuốc đi tỉnh lân cận. Một số tài xế khác tranh thủ lúc xe rỗi mang đi chạy các ứng dụng như Grab, Be…
“Ai chăm chỉ thì thu nhập dư sức trả lãi ngân hàng, vẫn có tiền sinh hoạt lẫn tích góp. Nhưng giờ ai cũng khó khăn, xe ngừng bánh nghĩa là tài xế không có tiền”, anh Thịnh nói.
Giờ ai cũng khó khăn, xe ngừng bánh nghĩa là tài xế không có tiền
Đức Thịnh, tài xế tự do tại Hà Nội
|
Đáng nói, một số tài xế mới mua xe trả góp thì gặp dịch, còn chưa kịp hoạt động. Đứng trước áp lực trả nợ ngân hàng, không ít người đành quyết định bán, sang nhượng lại xe.
Theo ghi nhận của Zing trên các hội nhóm xe dịch vụ và xe công nghệ, nhu cầu buôn bán phương tiện kinh doanh đã qua sử dụng có dấu hiệu tăng rõ rệt. Đây chủ yếu là các dòng hatchback, sedan cơ bản như Hyundai i10, Hyundai Accent, Toyota Vios, Kia Morning… có đời xe từ năm 2018 đổ lại.
Tuy nhiên, đăng lên là thế, anh Thịnh cho biết việc tìm người mua xe thời điểm này khó như “mò kim đáy bể”.
“Công việc của chúng tôi tất bật nhất vào các dịp nghỉ lễ. Nếu dịch bệnh trên cả nước cứ kéo dài, dù Hà Nội có mở lại các hoạt động vận tải, nhu cầu thuê xe hay sử dụng xe dịch vụ mặt bằng chung sẽ vẫn giảm sút mạnh. Nhiều tài xế đâm ra lo lắng, sợ không thể gắn bó với nghề nên đành rao bán xe. Nhưng cũng ít ai có điều kiện mua ôtô để kinh doanh bây giờ”, anh Thịnh nhận định.
Minh Khánh
Zing
|