Vì sao cần chống dịch theo phương châm ‘5K + vaccine’?
Không chỉ kêu gọi thực hiện tốt thông điệp 5K, Bộ Y tế còn đang đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người dân để sớm đạt miễn dịch cộng đồng.
Theo bản tin sáng 19/7, Bộ Y tế công bố Việt Nam có thêm 2.014 bệnh nhân trong nước và một người nhập cảnh mắc Covid-19. Trong đó, 1.688 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc vùng đã được phong tỏa.
Như vậy, Việt Nam có tổng cộng 53.785 ca ghi nhận trong nước và 2.060 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 52.215 ca, trong đó có 7.893 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Dịch lan rộng, diễn biến phức tạp
Trong ngày 17/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký văn bản hỏa tốc về việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch tại một số địa phương.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết, Thủ tướng đồng ý áp dụng giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh đối với 19 tỉnh, thành phía Nam - những nơi dịch Covid-19 đang bùng phát.
TP.HCM và 18 tỉnh, thành phía Nam áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ảnh: Phạm Ngôn
|
Ngoài TP.HCM và Bình Dương, Đồng Nai đã thực hiện, Thủ tướng đồng ý bổ sung áp dụng Chỉ thị 16 tại TP Cần Thơ và các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang. Thời gian thực hiện giãn cách 14 ngày.
Thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp giãn cách xã hội đối với các tỉnh, thành phố bổ sung do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định, nhưng không muộn hơn 0h ngày 19/7.
Thủ tướng nhận định chủng virus mới Delta diễn biến nhanh, mạnh, khó lường. Vì vậy, ông kêu gọi nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tự lực, tự cường; chia sẻ, ủng hộ, hưởng ứng và nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 16, chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật sự cần thiết, thực hiện nghiêm 5K.
Nhanh chóng tiêm chủng vaccine cho người dân
Nước ta đã chính thức bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 lớn nhất trong lịch sử. Việt Nam đã tiếp nhận gần 10 triệu liều vaccine thông qua nhiều nguồn, nhiều loại.
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, đến nay, 4.283.906 liều vaccine phòng Covid-19 đã được sử dụng. Trong đó, 3.977.431 người được tiêm một mũi; 306.475 người được tiêm 2 mũi.
Việt Nam bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 lớn nhất trong lịch sử. Ảnh: Duy Hiệu
|
Chúng ta cũng đã và đang đàm phán với nhiều nhà cung cấp, dự kiến đến tháng 4/2022, 75% dân số sẽ được tiêm đủ 2 mũi.
Bên cạnh đó, sáng 17/7, tại cuộc họp của Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, phát triển vaccine phòng Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh nước ta đặt mục tiêu trong năm 2021 có ít nhất một vaccine Covid-19 nội sản xuất thành công.
Ông cho biết vaccine Covid-19 luôn là vấn đề được các lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm. Thủ tướng đã mời chuyên gia WHO hỗ trợ Việt Nam với mục tiêu nước ta nhanh chóng sản xuất được vaccine nội, “đảm bảo tự chủ về vaccine cho nhu cầu của nhân dân”.
Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ sớm trình Chính phủ kế hoạch sử dụng nguồn ngân sách từ Quỹ Vaccine Covid-19, hỗ trợ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với vaccine trong nước và chuyển giao công nghệ.
Để đáp ứng được nhu cầu này, Chính phủ đã quyết định thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19. Phát biểu tại buổi lễ ra mắt ngày 5/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ: “Quỹ được thành lập với sứ mệnh huy động tổng hợp nguồn lực đóng góp xã hội để chia sẻ với ngân sách nhà nước nhằm phục vụ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng Covid-19 cho người dân trên nguyên tắc đảm bảo sự tự nguyện đóng góp, hoạt động công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật, thuận lợi nhất cho việc đóng góp”.
Nhiều doanh nghiệp đóng góp vào Quỹ vaccine phòng Covid-19 giúp người dân Việt Nam sớm được tiêm phòng. Ảnh: HDBank
|
Theo Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia xử lý đại dịch hiệu quả nhất với tỷ lệ người nhiễm và tử vong thấp nhất. Về kinh tế, Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi tăng trưởng dương trên thế giới trong thời gian xảy ra đại dịch. Điều đó thể hiện hiệu quả lời hiệu triệu “Chống dịch như chống giặc” của Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, phản ứng kịp thời, sát thực tiễn và sự đồng lòng, đoàn kết của cả dân tộc.
“Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, với chủng mới từ Ấn Độ và Anh, có tốc độ lây lan nhanh, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp chống dịch theo phương châm mới “5K + vaccine” và ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi, nghiêm ngặt để thực hiện được “mục tiêu kép” vừa chống dịch và phát triển kinh tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, Đảng và Nhà nước thực hiện mục tiêu sớm tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân nhằm đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng và việc này cần duy trì hàng năm. Tiêm vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược và quyết định để thoát khỏi đại dịch.
"Chính vì vậy, sự chia sẻ, trách nhiệm, cảm thông của Nhân dân với Nhà nước là nhân tố quan trọng, quyết định để chúng tôi tin rằng Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 sẽ nhận được sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài”, Thủ tướng cho biết.
Mỗi cá nhân đều có thể chung tay đóng góp vào Quỹ vaccine phòng Covid-19. Ảnh: HDBank
|
Cập nhật số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính vào ngày 18/7 cho thấy Quỹ vaccine phòng Covid-19 đã nhận được số tiền ủng hộ là 8.159 tỷ đồng. Hiện tại người dân có thể tiếp tục đóng góp cho quỹ bằng nhiều hình thức.
Đóng góp trực tuyến qua website
Bằng cách đóng góp trực tuyến qua website https://www.quyvacxincovid19.gov.vn, người dân dễ dàng ủng hộ cho “Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19” của Chính phủ có ngân sách phục vụ cho hoạt động mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất và tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 trong nước.
Tài khoản tiếp nhận tiền trong nước
Ngân hàng TMCP Phát Triển TP.HCM (HDBank)
- Tên tài khoản: Quỹ vaccine phòng COVID-19
- Số tài khoản: 686868(VND); 686868 (USD) và 686868 (EUR).
Tài khoản tiếp nhận tiền từ nước ngoài
HOCHIMINH City Development Joint Stock Commercial Bank
- Account name: Fund for vaccination Prevention of Coronavirus Disease 2019
- Account number: 686868(VND); 686868 (USD) và 686868 (EUR).
- Beneficiary Bank: HOCHIMINH City Development Joint Stock Commercial Bank
- Swift code: HDBCVNVX
Địa chỉ tiếp nhận ủng hộ và thông tin liên hệ
- Ban Quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, Bộ Tài chính; số 32 Phố Cát Linh, Phường Cát Linh, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội.
- Số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin về ủng hộ tài trợ Quỹ vaccine phòng COVID-19: 0913548318; 0902235722; 0904247674; 0912488438.
- Địa chỉ email: quyvacxincovid19@vst.gov.vn
Sau khi chuyển tiền, các nhà tài trợ xác nhận với Quỹ qua đường dây nóng hoặc thông báo trên nhóm để cập nhật vào danh sách toàn quốc.
Hình thức nhắn tin theo cú pháp
Soạn: Covid NK gửi 1408. Trong đó, N là số bất kỳ trong khoảng từ 1 đến 2.000, K thể hiện đơn vị nghìn đồng. Mỗi tin nhắn được gửi đi, người nhắn đã đóng góp số tiền 1.000 đồng nhân N lần.
Mai Hoa, Phan Châu Giang
ZING
|