TP.HCM chấm dứt hợp đồng trước thời hạn dự án BOT liên quan đến Út ‘trọc’
Sở GTVT TP.HCM nhìn nhận việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với một dự án BOT là chưa có tiền lệ ở thành phố; được biết dự án này liên quan đến Út 'trọc'.
Máy móc, thiết bị thi công dự án tuyến nối đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương nằm phơi nắng. Ảnh: Sỹ Đông
|
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình vừa giao Sở Kế hoạch - Đầu tư khẩn trương chủ trì, phối hợp các sở ngành, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất thủ tục chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT đã ký và tiếp tục đầu tư hoàn thành dự án xây dựng tuyến đường nối đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương (H.Bình Chánh) theo đúng quy định.
Đồng thời, giao Sở GTVT phối hợp các sở ngành thông tin và làm việc với Công ty CP tập đoàn Yên Khánh, Công ty TNHH BOT TP.HCM – Trung Lương và Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt về các thủ tục liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. UBND H.Bình Chánh rà soát, đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng.
Chỉ đạo của ông Lê Hòa Bình đưa ra trên cơ sở đề xuất của Sở GTVT sau nhiều buổi làm việc với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, các sở ngành nhằm đảm bảo đúng trình tự, thủ tục và hạn chế khiếu kiện sau khi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Việc chấm dứt hợp đồng dự án BOT là chưa có tiền lệ tại TP.HCM. Ảnh: Sỹ Đông
|
Dự án tuyến đường nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) do UBND TP.HCM chỉ định cho Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (nay là Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh) làm chủ đầu tư vào năm 2016.
Dự án dài khoảng 2,7 km nằm trên địa phận xã Tân Kiên (H.Bình Chánh) với tổng mức đầu tư 1.557 tỉ đồng. Để thu hồi vốn, nhà đầu tư được quyền xây dựng một trạm thu phí trên tuyến đường hoàn thành để thu phí trong vòng 17 năm 8 tháng.
Dù theo dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017 để giảm áp lực cho tuyến QL1 nhưng trên thực tế, đến tháng 4.2020 mới thi công được khoảng 12%, nhiều hạng mục vắng bóng công nhân, máy móc.
Chưa có tiền lệ
Sở GTVT TP.HCM cho biết đã nhiều lần tổ chức cuộc họp trao đổi, hướng dẫn, đôn đốc nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án khắc phục các vi phạm hợp đồng nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn. Cụ thể, nhà đầu tư chưa cung cấp đầy đủ các văn bản thỏa thuận, cam kết và pháp lý liên quân đến việc chứng minh nguồn vốn chủ sở hữu, vốn vay để đảm bảo thực hiện hợp đồng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt cũng có văn bản nêu ý kiến không tiếp tục tài trợ vốn vay cho doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH BOT TP.HCM - Trung Lương theo hợp đồng tín dụng đã ký kết do doanh nghiệp dự án và nhà đầu tư đã vi phạm hợp đồng tín dụng, công tác thi công đình trệ, kéo dài ảnh hưởng đến phương án tài chính, nguồn thu trả nợ ngân hàng. Ngân hàng này cũng không đề xuất chỉ định nhà đầu tư mới và không tiếp nhận quyền tiếp nhận dự án của bên cho bay theo hợp đồng BOT đã ký kết.
Tấm bảng nêu thông tin công trình rách tơi tả. Ảnh: Sỹ Đông
|
Sở GTVT TP.HCM nhận định việc xử lý vi phạm hợp đồng của dự án này là chưa có tiền lệ tại TP.HCM, liên quan đến nhiều lĩnh vực về tư pháp, tài chính, đầu tư. Sở cũng dự báo mức độ phức tạp còn có thể xảy ra trong quá trình tiếp nhận dự án, chấm dứt hợp đồng dự án; các cơ quan chức năng quan tâm đến quá trình thực hiện và xử lý hợp đồng BOT đã ký kết. Công ty Yên Khánh do ông Đinh Ngọc Hệ (còn gọi là Út “trọc”) thành lập, đưa cháu gái là bà Vũ Thị Hoan (36 tuổi) làm Tổng giám đốc. Cả hai người này đã bị án tù, trong đó Út "trọc" bị tuyên phạt án chung thân, còn bà Hoan lãnh 14 năm tù vì sai phạm trong 2 vụ án khác nhau
Sỹ Đông
Thanh niên
|